Đặc sắc lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2012 | 2:13:37 PM
YBĐT - Ẩn chứa trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống đặc sắc linh thiêng, Đền Mẫu Đông Cuông (Văn Yên) luôn là điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh trở về cội nguồn.
Nhiều lễ vật trong mâm lễ cúng được người Tày Khao chế biến từ cốm.
|
Ngoài lễ hội chính vào ngày Mão tháng Giêng đầu năm, còn ít người biết đến lễ hội vào ngày Mão tháng Chín Âm lịch, hay còn gọi là lễ hội Cầu cơm mới với những nghi thức độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Không sôi động và hoành tráng như lễ hội đầu năm, lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông năm 2012 được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 Âm lịch là một cuộc sinh hoạt tinh thần mang đậm màu sắc dân gian, ẩn chứa những nghi thức độc đáo của người dân bản địa. Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên và du khách thập phương đến đền Đông Cuông chiêm bái, tỏ lòng kính trọng tổ tiên, thỏa mãn nhu cầu tâm linh với khát vọng trở về nguồn cội, đồng thời vui chơi giải trí, mở rộng giao lưu thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Những ngày này, tuy chưa bước vào chính hội nhưng mỗi ngày có hàng trăm du khách thập phương đến thắp hương tạ ơn Đức Thánh Mẫu những sản vật của nền nông nghiệp từ mọi miền Tổ quốc, cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
Theo chương trình kịch bản được duyệt, lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông sẽ diễn ra trong hai ngày 20 và 21/10/2012 tức ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 9 Âm lịch. Để lễ hội được tổ chức đúng nghi thức dân gian truyền thống, đồng thời phục vụ tốt nhất cho du khách thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ, Ban quản lý di tích đền Đông Cuông, các cấp, các ngành và xã Đông Cuông đã chuẩn bị cho lễ hội rất chu đáo. UBND xã Đông Cuông đã thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ hội Cầu cơm mới năm 2012.
Bà Nông Thị Minh – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Quản lý di tích đền Đông Cuông cho biết: “Lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông năm 2012 do xã đứng ra tổ chức nhưng phần lễ đảm bảo được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, phần hội phong phú đa đạng, được đổi mới về nội dung, mang tính xã hội hóa cao. Mục tiêu của lễ hội phải tạo được không khí thiêng liêng, trang trọng, đảm bảo an toàn, vui tươi, lành mạnh, kết hợp hài hoà giữa văn hoá truyền thống với hiện đại, duy trì các nghi lễ đã được phục hồi, nhằm tôn vinh bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội”.
Theo phong tục, trước ngày diễn ra lễ hội Cầu cơm mới, tức sáng ngày mùng 6 tháng 9 Âm lịch, “giai chay” (trai chưa vợ) trong trang phục dân tộc Tày Khao truyền thống rước trống chiêng đón ông Từ về đền để làm thủ tục bao sái lau dọn các ban thờ, thay nước, thay hoa và trầu cau mới. Buổi chiều mổ lợn làm lễ cúng tuần, thắp đèn nhang và mở cửa Hậu cung.
Lễ hội Cầu cơm mới được mở đầu bằng nghi lễ mổ trâu đen tế thần vào lúc 0 giờ ngày mùng 7 tháng 9 Âm lịch, lễ tế theo nghi thức hiến sinh cho trời đất, theo tập tục của người địa phương với nghi lễ linh thiêng và độc đáo của người Tày Khao. Cùng với các sản vật của địa phương, cốm xanh là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ dâng Mẫu trong lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông.
Điểm nhấn của lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông năm nay là Hội thi khéo tay giã cốm do người dân địa phương thực hiện. Đây là dịp hội tụ các nghệ nhân có kinh nghiệm trong việc làm cốm để truyền lại cho con cháu, giáo dục các thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày Khao. Đây cũng là dịp để nhân dân xã Đông Cuông giao lưu, học tập kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cốm, từng bước đưa sản phẩm cốm đền Đông Cuông trở thành hàng hóa phục vụ du khách thập phương.
Tại các thôn: Cầu Có, Khe Chàm, Gốc Quân, Đồng Tâm, Đồng Dẹt, người Tày Khao xã Đông Cuông tưng bừng chuẩn bị tham gia Hội thi khéo tay giã cốm. Bà Mai Thị Tệ ở thôn Gốc Quân, năm nay đã trên 80 tuổi nhưng vẫn hào hứng đi khắp xóm dưới làng trên hướng dẫn con cháu cách làm cốm, chuẩn bị đất đắp bếp lò nướng lúa, chuẩn bị loỏng giã cốm (máng gỗ dài gần 2m, rộng 30cm để có thể nhiều người giã cùng một lúc).
Bà Tệ cho biết: “Lúa nếp làm cốm là giống lúa dẻo, thơm, được chọn từng bông rồi buộc lại thành từng cum nhỏ, cho vào lò than củi nướng chín rồi giã bằng loỏng, sàng, sảy phải truyền dạy cho con cháu phong tục, tập quán của người Tày Khao, dạy cách làm cốm và các món ăn ngon từ cốm như cháo cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm để tạ ơn Mẫu và dâng cúng tổ tiên trong lễ hội Cầu cơm mới, đồng thời để bồi bổ sức khoẻ để tăng gia lao động sản xuất”.
Lễ hội Cầu cơm mới của đền Đông Cuông năm 2012 không chỉ thuần tuý mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc, giúp các thế hệ Văn Yên hôm nay và mai sau tự hào về quê hương đất nước và luôn biết hướng về cội nguồn, đồng thời góp phần vào kết quả thành công chung của du lịch Yên Bái năm 2012.
Hồng Vân
Các tin khác
Với hơn 3.000 làng nghề trên địa bàn cả nước, có thể nói Việt Nam là quốc gia có nhiều làng nghề nhất khu vực. Tuy nhiên, làng nghề Việt Nam hiện đang thiếu những yếu tố căn bản để phục vụ hoạt động du lịch.
Sáng 16/10, tại di tích Tháp Pô Sah Inư Phan Thiết đã tưng bừng diễn ra nghi thức khai hội Katê năm 2012 của đồng bào Chăm theo Đạo Bàlamôn Bình Thuận. Đông đảo bà con dân tộc Chăm trong tỉnh và du khách đến tham dự.
Lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 21 đã diễn ra ngày 14.10 tại khu vực chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn - An Giang) nhân lễ Sene Đôlta của đồng bào dân tộc Khmer.
YBĐT - Ngày 14/10, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Doanh nghiệp tư nhân Hải Cường tổ chức Hội chọi trâu Miền Tây - Yên Bái năm 2012.