Lễ hội Trùng Cửu Long Sơn
- Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2012 | 2:14:36 PM
Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức hàng năm tại Nhà Lớn, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào 3 ngày 7, 8 và 9 Âm lịch. Đây là lễ hội cầu an, cầu cho nhân dân khỏe mạnh, hạnh phúc…
Một góc quần thể Nhà Lớn .
|
Đây là dịp để du khách, người dân địa phương về Nhà Lớn cầu an lành, tìm về với nguồn cội. Lễ hội thu hút hàng chục ngàn du khách các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang… đến tham quan, cúng viếng.
Đêm 8.9 Âm lịch (22.10) gọi là lễ Tiên Thường kỉnh mặn (cúng mặn) chủ yếu là các sản vật do các bá tánh mang vào kỉnh (cúng). Ngày 9.9 Âm lịch (23.10) gọi là Chánh Giỗ kỉnh chay (cúng chay). Du khách đến với lễ hội chủ yếu là đi dâng hương, nguyện cầu khấn vái, và tưởng nhớ đến công đức của ông Trần.
|
|
Theo người dân xã Long Sơn, ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông Trần đưa gia quyến về lánh nạn ở phía Đông núi Nứa, lập ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Ông cho xây cất quần thể kiến trúc Nhà Lớn để thờ trời, phật, tiên, thánh và xây những dãy phố cho dân tới tạm cư trong khoảng 6 tháng. Một thời gian sau, xã Long Sơn trở thành một nơi có đông dân cư sinh sống, lập nghiệp. Sinh thời, ông Mưu thường cởi trần tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là ông Trần. Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo Ông Trần, hay còn gọi là ông Nhà Lớn. Theo tục lệ, hàng năm cứ vào ngày mùng 9. 9 âm lịch, những người theo đạo ông Trần thường tụ hội về đây để cầu an và tưởng nhớ đến công đức của ông Trần.
Con cháu gia tộc của ông Nhà Lớn cho biết, Nhà Lớn là một cộng đồng tín ngưỡng hướng đến điều thiện chứ không phải là một tôn giáo. Đạo ông Trần không có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc ăn chay, không có chuông mõ. Những người theo đạo ông Trần đều mặc quần áo bà ba đen, đi chân đất, đầu để tóc dài búi củ hành. Tất cả các công việc trọng đại trong Nhà Lớn đều do những ông lớn (tức 8 vị kỳ lão hay còn gọi là hương chức) họp bàn, giải quyết. Hàng ngày có hội làng, bà con bá tánh cũng tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang cúng kỉnh trong Nhà Lớn. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân xã Long Sơn cùng nhau dọn dẹp, sửa sang lại 6 dãy phố cổ để bố trí chỗ nghỉ ngơi cho khách phương xa đến dự lễ. Mỗi dãy phố cổ chứa khoảng từ 500 – 800 người. Khách phương xa đến lễ hội ở qua đêm thì đến các dãy phố đăng ký chỗ để ngủ. Ông Trần Văn Bé (59 tuổi, ngụ xã Long Sơn), nói: “Khách phương xa ngủ ở đây hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi luôn túc trực ở các dãy phố để bảo vệ tài sản cho họ”.
Để chuẩn bị cho lễ Trùng Cửu, từ nhiều ngày trước, những người phụ nữ trong Nhà Lớn đã lo chuẩn bị nếp ngâm bột, đậu rồi cẩn thận xay và hấp lên để làm bánh quy, loại bánh truyền thống của Nhà Lớn để đãi khách trong mấy ngày lễ hội. Nhiều loại thức ăn, nước uống khác cũng được chuẩn bị sẵn để phục vụ khách miễn phí. Trước các dãy nhà cổ, nhà thờ đều được trang trí các câu liễn đỏ vuông và liễn dài. Tục viết liễn có từ trăm năm kể từ khi ông Nhà Lớn mở đất ở vùng Long Sơn này.
Lễ hội Trùng Cửu kết thúc vào 23.10, dự kiến có hàng chục ngàn du khách đến tham quan và cúng viếng.
(Theo TNO)
Các tin khác
Lễ hội chocolate lớn nhất châu Âu đã mở màn tại Perugia, miền Trung Italia ngày 21-10. Trong dịp này, rất nhiều hoạt động vui chơi độc đáo được tổ chức như trưng bày tạo hình nghệ thuật chocolate, thi tạc tượng bằng chocolate, thưởng thức chocolate, biểu diễn nghệ thuật đường phố…
Việt Nam vừa được vinh danh trong danh sách nhận Giải thưởng do độc giả bình chọn năm 2012 của Conde Nast Traveler Hoa Kỳ.
YBĐT - Ngày 20 và 21/10 ( tức ngày 6 - 7/9 năm Nhâm Thìn), Ban quản lý di tích Đền Đông Cuông phối hợp với UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã tổ chức lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông năm 2012.
YBĐT - Ẩn chứa trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống đặc sắc linh thiêng, Đền Mẫu Đông Cuông (Văn Yên) luôn là điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh trở về cội nguồn.