Thị trường ô tô điện ngày càng sôi động với sự tham gia của các hãng xe trong nước lẫn các thương hiệu nhập khẩu, phân khúc xe trải đều từ giá rẻ đến cao cấp. Mới đây nhất, hãng xe VinFast giới thiệu mẫu xe điện mini VF3 với giá bán dự kiến chỉ khoảng 300 triệu đồng. Mẫu xe có thiết kế được nhiều người khen là đẹp hơn hẳn so với các mẫu xe điện giá rẻ khác.
Xe mới ra mắt liên tục
Trước đó, VinFast cũng liên tục giới thiệu nhiều mẫu xe điện ở các phân khúc khác nhau, như VF6 với giá khoảng 700 triệu đồng, VF7 khoảng 800 triệu đồng, VFe34 với giá bán khoảng 700 triệu đồng, VF5 Plus 458 triệu đồng và 2 mẫu cao cấp là VF8 và VF9 với giá bán từ 1,1-1,5 tỉ đồng. Tính trong 6 tháng đầu năm, hãng xe này đã bán 11.638 chiếc xe điện các loại, dự kiến 6 tháng cuối năm lượng xe sẽ còn tăng mạnh khi sức mua trong nước đang dần phục hồi.
Hãng xe nội khác là Hyundai Thành Công chuẩn bị bán ra thị trường mẫu xe điện Ioniq 5 được lắp ráp trong nước với mức giá dự kiến từ 1,3-1,45 tỉ đồng. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với mẫu xe Ioniq 5 được một số đại lý nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc để bán cho khách với số lượng hạn chế, lên tới 2 tỉ đồng.
Các hãng xe sang cũng không bỏ qua thị trường đầy hấp dẫn này, như Audi Việt Nam đã bày bán 3 mẫu e-tron quattro chạy hoàn toàn bằng điện - SUV, GT và RS GT. Dự kiến, cuối năm nay và đầu năm tới, thương hiệu xe của Anh này sẽ đưa thêm 2 hoặc 3 mẫu xe điện vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tương tự, Tập đoàn THACO cũng vừa đưa mẫu xe điện thương hiệu BMW về thị trường Việt Nam, với giá khoảng 3,7 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhà phân phối thương hiệu xe Đức, Mercedes tại Việt Nam từ năm ngoái đến nay cũng đã đưa ra thị trường khá nhiều mẫu xe điện hạng sang như: EQS, SUV EQB - SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE - SUV hạng sang cỡ trung và EQS - SUV hạng sang cỡ lớn, với giá bán từ 2,3 tỉ đồng trở lên nhưng vẫn được thị trường đón nhận.
Ở phân khúc giá rẻ, ngoài VF3 của VinFast, Công ty CP Ô tô TMT hồi cuối tháng 6 vừa qua cũng đã giới thiệu 2 mẫu xe điện mini giá rẻ Wuling HongGuang ra thị trường với giá bán từ 239-279 triệu đồng (bao gồm cả pin). Công ty CP Thái Bình Hưng Thịnh vừa công bố về việc thỏa thuận hợp tác với Công ty Roding Mobility của Đức để phát triển mẫu xe điện mini tại thị trường Việt Nam. Theo đó, giai đoạn đầu công ty này sẽ có xe điện nội đô theo tiêu chuẩn châu Âu, dự kiến ra mắt đầu năm 2024. Giai đoạn tiếp theo sẽ sản xuất đưa ra thị trường mẫu xe điện phân khúc hạng A.
Mạnh ai nấy làm
Thị trường xe điện đang phát triển khá tốt, nhất là phân khúc giá rẻ đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc công cộng được cho là vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dùng, dẫn đến quá tải trạm sạc tại các chung cư, trung tâm thương mại ở một số thời điểm nhất định. Bởi cả nước hiện nay chỉ có hãng xe nội VinFast đầu tư bài bản vào hệ thống trạm sạc công cộng. Theo đó, hãng xe này đã quy hoạch hệ thống 150.000 cổng sạc ô tô, xe máy điện trên khắp cả nước. Hiện VinFast cũng đang kết hợp với Petrolimex để lắp đắt hệ thống trạm sạc tại các cây xăng.
Còn hãng Audi Việt Nam tuy xác nhận mạng lưới sạc nhanh, thuận tiện chính là yếu tố then chốt của hệ sinh thái xe điện toàn diện nhưng họ chỉ mới lắp đặt ở một số đại lý tại TP HCM. Điều đó có nghĩa người dùng xe điện thương hiệu này sẽ rất bất tiện nếu rời khỏi TP HCM. Trong khi đó, ông Bradley Kelly, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho biết hãng sẽ lắp đặt các trạm sạc tại hệ thống phân phối chính hãng trên toàn quốc và định hướng mở rộng mạng lưới sạc cho khách hàng tại các khách sạn và resort 5 sao trên toàn quốc. Tuy vậy, mọi thứ vẫn nằm trên kế hoạch.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhận xét vấn đề thiếu trạm sạc xe điện hiện nay là do nhà nước chưa có quy định rõ ràng nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia phát triển. Để khuyến khích đầu tư trạm sạc cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, quy hoạch cho trạm sạc, tiêu chuẩn về hệ thống sạc cũng cần được tính tới để xe điện nào cũng sạc được, tránh lãng phí.
Theo TS Nguyễn Thành Tâm, Bộ môn Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Quy Nhơn, tình trạng hiện nay là mạnh ai nấy làm, tự phát. Hãng nào cũng ra mắt xe điện, đa dạng, tính năng, kiểu dáng bắt mắt nhưng ít ai nói tới trạm sạc tiện lợi thế nào. "Theo tôi, nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn cụ thể về việc đầu tư, xây dựng trạm sạc để làm cơ sở cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư giống như các cây xăng tư nhân" - ông Tâm góp ý.
ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, chỉ ra một trong những nguyên nhân chính là thiếu hạ tầng phù hợp để xây dựng và vận hành các trạm sạc điện công cộng. Cụ thể là hệ thống điện lưới của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu sạc điện lớn và liên tục từ các xe điện. Điều này đòi hỏi một mạng lưới điện phải được nâng cấp và mở rộng để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các trạm sạc. Kế đến là chưa có quy định và chính sách rõ ràng để khuyến khích và hỗ trợ việc xây dựng trạm sạc điện công cộng.
Cũng theo ThS Trần Anh Tùng, việc xây dựng một trạm sạc điện công cộng đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn, bao gồm việc mua sắm các thiết bị sạc, xây dựng hạ tầng và kết nối với lưới điện. Trong khi hiện nay, chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng để thu hồi vốn đầu tư vào trạm sạc điện công cộng. Việc tính phí sạc điện và quản lý thu hồi tiền từ người dùng là một thách thức lớn, đặc biệt khi số lượng xe điện vẫn còn ít và không đủ để tạo ra lợi nhuận đáng kể. Chưa kể, việc tìm đất phù hợp để xây dựng trạm sạc điện công cộng và xin phép xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư và làm giảm khả năng thu hút vốn. Các nhà đầu tư cảm thấy không chắc chắn về lợi ích kinh tế và pháp lý khi đầu tư vào hạ tầng trạm sạc điện công cộng nên thiếu động lực để tham gia.
(Theo NLĐ)