9 lỗi thường gặp của mẹ khi chăm bé

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/1/2008 | 12:00:00 AM

Bọc con quá kỹ hay luôn đóng kín các cửa trong nhà vì sợ bé lạnh, chỉ dùng tay sờ lúc con có dấu hiệu sốt, ngậm thìa khi cho bé ăn... đều là những lỗi khá phổ biến của nhiều bà mẹ trẻ.

Bạn có thể rút kinh nghiệm từ những điều dưới đây để chăm sóc sức khỏe cho con tốt hơn.

1. Để mọi người đi giày trong nhà

Bé nhà bạn thường xuyên lê la trên sàn nhà. Nếu bạn hay khách khứa đến chơi lại đi giày vào nhà thì đã vô tình mang theo biết bao bụi bẩn, hóa chất, vi trùng ở ngoài đường về. Bé sẽ nhặt tất cả những gì nó thấy và cho vào miệng.

Giải pháp: Đề nghị khách đến chơi bỏ giày ở ngoài trước khi vào nhà. Với những người không thể làm vậy, bạn hãy đặt một thảm chùi chân loại tốt ở cửa để loại bỏ hết mọi bụi bẩn trước khi vào nhà.

2. Nghĩ rằng nhất thiết phải tắm bé mỗi ngày

Tất nhiên điều này là tốt cho đa số các bé nhưng thực sự không cần thiết. Đối với một số trẻ nhỏ, việc tắm hằng ngày có thể gây ra sự mất cân bằng pH, làm khô và gây kích ứng da. Tắm quá thường xuyên còn có khi còn làm xuất hiện bệnh chàm ở trẻ.

Giải pháp: Đừng lo lắng nếu bạn vì vội quá mà không tắm cho con một ngày. Còn nếu bé bị kích ứng với loại sữa tắm nào đó, nên đổi ngay.

3. Đinh ninh rằng bảo mẫu hiểu rõ và làm theo những lời hướng dẫn về việc chăm sóc sức khỏe cho bé.

Nhiều bà mẹ bận rộn không thể chăm sóc con nên phải nhờ người khác trông giúp. Những người này lại không biết cách, chưa hiểu hoặc chẳng thèm để ý đến những yêu cầu, hướng dẫn của bạn về việc chăm sóc bé.

Giải pháp: Dù với người giúp việc, cô bảo mẫu hay ngay cả với bà nội, ngoại của bé, nếu có yêu cầu hay nhờ họ làm gì để thay mình chăm con, bạn hãy viết hướng dẫn ra một cách đơn giản, dễ hiểu và chính xác rồi bảo họ nói lại xem đã thực sự hiểu và biết cách làm chưa.

4. Dùng thuốc không kê đơn để chữa cảm cho con mà không hỏi ý kiến bác sĩ

Những thuốc chữa cảm chứa pseudoephedrine đặc biệt nguy hiểm. Chúng không làm cho bé cảm thấy đỡ ngay và thường mang đến những tác dụng phụ như khiến huyết áp tăng, làm rối loạn nhịp tim.

Giải pháp: Bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ khi cho bé dưới 3 tháng tuổi uống thuốc.

5. Ngậm thìa của bé khi cho con ăn

Nhiều bà mẹ trước khi bón bột, đồ ăn cho con thường cho thìa vào miệng mình trước để "vun đều" hay làm sạch những thức bám xung quanh. Nhưng nếu làm thế, chính bạn sẽ là nguồn truyền bệnh sâu răng cho bé.

Giải pháp: Trước hết, bạn cần phải giữ vệ sinh răng miệng cho chính mình bằng cách đi khám đều đặn, đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, nếu dùng kẹo cao su thì nên chọn loại không có đường. Ngoài ra, khi cho con ăn, tốt nhất, bạn đừng cho thìa của bé vào miệng mình, trừ phi thức ăn ấy đòi hỏi phải được nếm trước.

6. Thay đổi loại sữa bột để con không còn nôn trớ

Nếu vì thấy con thường xuyên phun hết sữa bột vừa được cho ăn mà bạn lại đổi ngay loại khác thì chỉ làm cho bác sĩ nhi khó xác định chính xác nguyên nhân bé làm vậy: Là do bé dị ứng sữa, bị ợ chua hay một bệnh nào khác.

Giải pháp: Bạn nên hợp tác với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của việc con không chịu tiếp nhận đồ ăn, nhất là khi thấy bé không tăng cân (có khi còn giảm), hay phân có máu bởi có thể con bạn bị dị ứng sữa.

Còn nếu bé bị chứng nôn trớ vì dư axit, hãy thay loại núm vú khác (loại không có bọt khí trong núm), bế vác bé lên trong nửa giờ sau khi ăn xong và cho con ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì vài bữa lớn.

7. Bọc bé quá kỹ vì sợ con bị lạnh

Sau vài ngày chào đời, các bé đã có khả năng tự điều hòa thân nhiệt. Vì thế, nếu vì lo con lạnh mà bạn ủ quá kỹ thì có thể làm cho bé mệt. Hơn nữa, việc bọc cho bé quá nhiều đồ lúc ngủ có thể làm con bạn khó thở và tăng nguy cơ đột tử.

Giải pháp: Dù ở trong phòng hay ngoài trời, bạn hãy mặc cho bé giống như chính mình vậy. Hãy thường xuyên theo dõi để xem phản ứng của bé ra sao và điều chỉnh lượng quần áo mặc sao cho trẻ cảm thấy dễ chịu nhất. Những dấu hiệu cho thấy bé quá nóng là: mặt đỏ lên, đổ mồ hôi hay khóc vì khó chịu.

8. Không cặp nhiệt độ khi bé có dấu hiệu ốm

Nhiều ông bố bà mẹ chỉ dùng tay để kiểm tra và nói theo cảm nhận của mình: "Bé có vẻ nóng hay không nóng". Trong khi, với trẻ sơ sinh, bị sốt là dấu hiệu khá nguy hiểm. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ C trở lên, bạn cần đưa đi khám bác sĩ ngay.

Giải pháp: Hãy mua một chiếc nhiệt kế chất lượng tốt và cặp cho bé ngay khi bạn thấy con có những dấu hiệu sốt.

9. Luôn đóng kín bưng cửa khiến phòng của bé thiếu không khí trong lành

Lá phổi nhỏ xíu của con bạn rất dễ bị tổn thường bởi khói thuốc, chất dị ứng, khí ga, mùi phát ra từ lớp sơn mới hay những các đồ đạc trong nhà. Dù bạn có sử dụng máy làm sạch không khí thì cũng không thể giúp bé dễ chịu hơn bởi những máy này thường thải ra chất gây ô nhiễm, có thể gây bệnh ỉa chảy, đau tai và vài triệu chứng khác ở một số bé.

Giải pháp: Mở cửa sổ phòng bé ít nhất 10 phút mỗi ngày. Cây trồng trong nhà, đặc biệt là cây dương xỉ, hoa huệ tây và cây tre, cọ có thể làm sạch carbon dioxide và những khí độc. Một bát nung sô đa hút mùi và hoa tươi đặt trong nhà cũng là gợi ý hay. Còn nếu bạn sắm máy lọc không khí, hãy chọn loại không tỏa ra ozone.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Tại triển lãm hàng điện tử tiêu dùng quốc tế CES đang được tổ chức, công ty điện tử Panasonic của Nhật Bản đã chính thức trình làng chiếc TV plasma lớn nhất thế giới hiện nay với kích thước màn hình lên tới 150 inch.

Công cụ tìm kiếm mã nguồn mở rất được mong đợi Search Wikia hôm 7/1 đã chính thức ra mắt cộng đồng mạng toàn cầu.

Được ví như "biến chì thành vàng", công trình biến da người thành tế bào gốc là kỳ tích ấn tượng nhất năm nay. Cùng với nó là việc tìm ra cơ chế mới của HIV... Tại Việt Nam, người ta đã tìm thấy đàn voọc chà vá chân xám lớn, tương đương "tìm thấy một đất nước mới với hơn 1 tỷ dân".

Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts của Mỹ vừa phát hiện ra cơ chế hoạt động của virút cúm, từ đó tìm hiểu được virút cúm gia cầm làm thế nào để lây nhiễm sang người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục