Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xã hội nhân văn là một lĩnh vực rộng lớn, bất kỳ một quốc gia nào cũng phải quan tâm nghiên cứu để hoạch định ra chiến lược quản lý xã hội nhằm mục đích bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển quốc gia. Ngay từ một làng quê, một xã, huyện, tỉnh cũng có nghiên cứu xã hội và nhân văn để đề ra chính sách quản lý xã hội, bảo vệ thuần phong mỹ tục tốt đẹp của quê hương mình. Công tác quản lý xã hội có từ rất sớm, có từ khi loài người được tổ chức thành thị tộc. Xã hội càng văn minh, bộ máy quản lý càng hoàn thiện và chặt chẽ. Quản lý xã hội văn minh ngày nay đi vào chuyên sâu: quản lý theo ngành, vùng và lãnh thổ.

Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người đang được Đảng, Nhà nước tập trung quan tâm. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người đang được Đảng, Nhà nước tập trung quan tâm. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Quốc hội khoá 10, tại kỳ họp thứ 7 đã phê duyệt Luật Khoa học-công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học- công nghệ là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học- công nghệ.

Trong Luật Khoa học-công nghệ thì nhiệm vụ số 1 là nói về khoa học xã hội và nhân văn: "Vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hoá, khoa học của thế giới". Đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và phức tạp đối với người làm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học xã hội và nhân văn.

Quản lý khoa học xã hội- nhân văn là sự tác động có ý thức, thông qua các nhân tố quản lý (đề tài, chủ nhiệm đề tài) tác động vào đối tượng để tạo nên một "xung lực lớn", để từ đó tạo ra một sản phẩm khoa học có chất lượng tốt, hiệu quả cao sát với đời sống thực tiễn. Ví dụ, nghiên cứu văn hoá dân tộc Mông, Dao, văn hoá đó đã tác động tới phong tục tập quán của đồng bào như thế nào? Tại sao đồng bào thích sống ở núi cao, thích phá rừng làm nương rẫy, thích du canh du cư ? Kết quả của nghiên cứu khoa học là giải đáp thoả đáng những câu hỏi nêu trên để tìm ra giải pháp và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các chính sách xã hội phù hợp làm cho đồng bào yên tâm định canh định cư, phát triển sản xuất.

Các Mác nói: "Con người là tổng hoà mối quan hệ xã hội". Chỉ riêng một con người đã là như thế, khó như thế, huống hồ ta nghiên cứu những vấn đề xã hội nhân văn đang chịu tác động và nẩy sinh  trong cơ chế thị trường.

Đặc trưng có tính bao trùm của đề tài khoa học xã hội- nhân văn là sản phẩm của đề tài, là những kết luận có tính quy luật  hoặc những đề xuất khoa học khách quan, nó là những luận cứ để Đảng và Nhà nước  hoạch định đường lối và chính sách cho quốc gia, cho vùng lãnh thổ, cho một địa phương, cho đồng bào dân tộc vùng cao, biên giới, hải đảo... để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng con người mới sống có trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc.  Một đặc trưng riêng của đề tài khoa học xã hội- nhân văn là không có độ rủi ro. Có chăng, sản phẩm của một số đề tài khoa học xã hội - nhân văn không đem lại hiệu quả cao mà chỉ là nêu được một số đề xuất nhỏ rút ra từ tài liệu khảo sát chưa đủ điều kiện để ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Để công tác nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn đạt hiệu quả cao thì nhất thiết phải thông qua công tác quản lý, trong công tác quản lý cần quan tâm một số nội dung sau :

- Mục tiêu của đề tài: Đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề gì? Tính cấp thiết của đề tài ? Giá trị sử dụng của đề tài? … Mục tiêu của đề tài phải giải đáp được nguyên tắc quản lý sau: đề tài phải gắn liền với thực tiễn hoạt động xã hội; phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phải đem lại lòng tin của nhân dân với đường lối, chính sách xây dựng Tổ quốc  Việt Nam " dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

- Nội dung nghiên cứu của đề tài: cần xác định rõ đề tài có mấy phần, nội dung chủ yếu của từng phần, chú ý những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để xác định hướng nghiên cứu, phương pháp tiếp cận. Đề tài có thể chia thành các chuyên đề, tương ứng với mỗi chuyên đề có một báo cáo khoa học.

- Phương pháp tiếp cận: chọn phương pháp tiếp cận để đem lại hiệu quả trung thực trên cơ sở nghiên cứu mang tính liên ngành khoa học xã hội nhân văn. Hiện nay các vấn đề thực tiễn đặt ra không chỉ là hiện tượng riêng lẻ mà nó có một liên hệ liên ngành (phải sử dụng công cụ quản lý tổng hợp để giải quyết vấn đề đặt ra), phương pháp tiếp cận càng sát với thực tế thì sản phẩm khoa học cho những kết quả chuẩn xác làm căn cứ cho hoạch định chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thích hợp …

- Chọn chủ nhiệm đề tài: chọn người có chuyên môn phù hợp với tên đề tài, có trình độ nghiên cứu tổng hợp, trung thực và có đạo đức nghề nghiệp (không nên chọn người "hữu danh vô thực").

Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội (xã hội công bằng, dân chủ, văn minh), khoảng cách giàu-nghèo lẽ ra được xoá bỏ, nhưng thực tế xã hội đang phân tầng, nhiều  tệ nạn xã hội đang phải giải quyết, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc vùng cao vẫn còn lạc hậu, kinh tế của đồng bào dân tộc vẫn còn khó khăn… Để giải quyết vấn đề này bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế còn cần phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng, phát triển và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Rất nhiều đề tài khoa học xã hội và nhân văn cần được nghiên cứu, mong rằng những đề tài khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu tới đây của tỉnh ta đạt được hiệu quả thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, làm cho quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Quang Bản

Các tin khác
Anh Huân bên chiếc máy do mình thiết kế, chế tạo

Anh nông dân Trần Đình Huân, tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kontum đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy bơm nước tưới cà phê và các loại nông sản khác mà không cần dùng nhiên liệu xăng, dầu, điện năng.

Theo dự kiến, vào 5h30 ngày 11/4/2008, VINASAT 1 sẽ được phóng. Như vậy, trong tương lai, gia đình nào cũng có thể sử dụng tín hiệu vệ tinh VINASAT để đáp ứng các nhu cầu về Internet băng thông rộng, xem truyền hình vệ tinh, điện thoại vệ tinh…

Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công thuốc tăng cường khả năng miễn dịch, phối hợp điều trị ung thư, kéo dài tuổi thọ cho người bị ung thư. Aslem là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được nghiệm thu năm 2006, thuộc chương trình "khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng".

Ngày 25/2, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cho biết: 3 lô vắc xin FLUVAC (vắc xin phòng cúm A/ H5N1) với tổng số hơn 5.500 liều do nhóm khoa học của viện nghiên cứu và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm đã được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ y tế) đánh giá cao về chất lượng dựa trên các tiêu chí: an toàn chung, vô khuẩn; các định lượng hàm lượng HA, nhôm, Formaldehyd, Thiomerosal...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục