Công bố Giải Nobel 2010: Cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đoạt giải Nobel Y học
- Cập nhật: Thứ ba, 5/10/2010 | 8:24:22 AM
Ngày 4-10, Hội đồng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y học năm nay (trị giá 1,5 triệu USD) thuộc về nhà khoa học người Anh Robert Edwards, 85 tuổi, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), người mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng triệu gia đình hiếm muộn trên thế giới.
Giáo sư Robert Edwards.
|
Theo đánh giá của Viện Karolinska (Thụy Điển), đóng góp của ông Edwards là một cột mốc quan trọng trong con đường phát triển y học hiện đại. Những thành quả của ông đã giúp có thể chữa trị căn bệnh vô sinh, vốn gây phiền não cho một số lượng lớn nhân loại.
Sự ra đời của Louise Brown, người đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp IVF ngày 25-7-1980, đã đưa tên tuổi nhà khoa học Robert Edwards nổi tiếng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để bước lên bục vinh quang này, ông phải chịu nhiều sự công kích của dư luận và tôn giáo.
Năm 1958, giáo sư R. Edwards bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Ông nhận thấy rằng trong phòng thí nghiệm, trứng người không trưởng thành sau 12 giờ như các nhà khoa học tiền bối trước đó tuyên bố. Sau 2 năm lăn lộn nghiên cứu, cuối cùng ông phát hiện ra rằng trứng người chỉ trưởng thành sau ít nhất 24 giờ. Năm 1968, Edwards đề nghị một đồng nghiệp là bác sĩ Patrick Steptoe giúp đỡ, theo đó, bác sĩ Steptoe sẽ chọc hút trứng bằng kỹ thuật nội soi còn giáo sư Edwards phụ trách việc thụ tinh cho trứng.
Bất chấp áp lực và sự công kích nặng nề của dư luận, tôn giáo cùng không ít nhà khoa học nổi tiếng thời đó, cả hai đã thực hiện tới 102 lần thụ tinh cho trứng và cấy vào cơ thể người, nhưng đều thất bại. Có hai lần người được cấy trứng mang thai, nhưng sau đó một trường hợp phải bỏ vì thai nằm ngoài tử cung và trường hợp thứ hai bị sẩy thai.
Năm 1977, khi hay tin Đại học Cambridge đang tiến hành một cuộc nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm, ông bà Lesley và John Brown, cặp vợ chồng vô sinh đã 9 năm vì ống dẫn trứng của bà Lesley bị tắc, đã vội đăng ký. Khi mang thai, mẹ của Louise đã phải chạy trốn báo giới lúc đó vì bị săn lùng. Chính giáo sư Steptoe đã đưa bà Brown về trốn ở nhà mẹ ông cho tới gần ngày sinh.
|
Từ trái sang: Giáo sư Robert Edwards, bà Lesley, chị Brown và bé Cameron chụp ảnh kỷ niệm vào tháng 7-2008 |
Ngày 25-7-1980, Louise Brown chính thức ra đời bằng phương pháp đẻ mổ, nặng 2,61kg, mở ra cánh cửa cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trên toàn thế giới được tiếp cận với phương pháp IVF. Kể từ đó tới nay, đã có khoảng 4 triệu đứa trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh này. Theo thống kê, hiện nay, có khoảng 20% đến 30% trứng được thụ tinh theo phương pháp IVF thành công, dẫn đến việc ra đời của trẻ.
Thành công của giáo sư Edwards vì thế đã được đánh giá là một trong những tiến bộ y học lớn nhất trong thế kỷ 20. Sau 30 năm, giờ đây Louise đã trở thành một bà mẹ. Hiện người phụ nữ này đang sinh sống tại Bristol, miền tây nam nước Anh cùng với người chồng Wesley Mullinder và con trai Cameron 18 tháng tuổi, hiện là nhà quản lý cho một công ty vận tải. Giáo sư Steptoe đã qua đời năm 1988.
Theo Hãng tin AFP, khi giải Nobel Y học năm 2010 được công bố thì chủ nhân của giải này, giáo sư Edwards đang ở trong tình trạng sức khỏe không tốt.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Vào giữa tháng sau một thiên thạch sẽ bay cách địa cầu 6,4 triệu km, khoảng cách đủ gần để nó được xếp vào nhóm "đá trời" có khả năng gây họa.
Hôm 29/9, Công ty Điện toán và Truyền số liệu, đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã khai trương dịch vụ thẻ điện thoại trong nước quốc tế Fone1718. Để thực hiện cuộc gọi trong nước và đi quốc tế, trên các máy điện thoại di động và cố định của VNPT, người dùng chỉ cần bấm 1718 trước cách gọi thông thường (không cần nhập lại mã số thẻ).
VinaPhone vừa công bố, ngày mai 30/9 nhà mạng này chính thức bán iPhone 4 tại Việt Nam với giá từ 12,8 triệu đồng đến 15 triệu đồng kèm các các gói cước.
Dot là tên của bộ phim hoạt hình mô tả một cô gái đang chạy trốn, được đánh giá là bộ phim có kích thước nhỏ nhất thế giới. Nó được Aardmann sản xuất bằng cách kết hợp kính hiển vi với những hình ảnh ghi lại qua chiếc điện thoại N8 của Nokia.