Khi “thượng đế” không được coi trọng

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2013 | 8:44:36 AM

YBĐT - Chuyện nhà xe dừng đỗ để đón, trả khách hay bốc thêm hàng đối với các xe chở khách đã là “chuyện thường ngày”. Đây chính là hành vi vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường bộ.

Tay lái xe vừa lái vừa nói vẻ như phân trần với khách, vẻ như thể hiện ta đây tài tình ứng phó với cảnh sát giao thông: “Quả đấy không nhìn thấy công an đang phục đằng trước mà đi tới thì “rơi 1 củ” như chơi!”. Đúng vậy, cũng chỉ vì “1 củ” mà hành khách phải cùng nhà xe đi đường vòng len lỏi vào đường nhánh để không dính phạt hoặc làm luật. Cuối cùng chiếc xe về đến bến chậm tới gần tiếng đồng hồ so với dự kiến. Nhiều khách “VIP” về bến hết sức mệt mỏi vì bị hành chẳng khác “chuyến xe bão táp”.

Chiếc xe khách từ từ tiến đến rồi dừng lại nơi chúng tôi và vài khách đợi xe. Không thấy phụ xe nhảy xuống xách hộ hành lý lên xe, tôi khoác vội chiếc ba lô, tay xách túi đồ giục người nhà lao vội lên xe. Mấy bà, mấy chị đưa người nhà ra xe cũng cuống quýt quàng hành lý đưa lên xe cho người nhà. Tôi đang quay xuống xe tay phụ xe gắt: “Có đi đâu mà leo lên xe làm gì…?”. Một bà ra tiễn con gái lên xe thấy thế cáu thay: “Gớm quá, hôm nay làm gì mà nhặng lên thế…?”.

Chiếc xe khách đã chuyển bánh từ lâu rồi nhưng mấy bà đưa người nhà ra xe vẫn cằn nhằn không hết chuyện. Một ông ca thán “lơ xe” gì mà thấy khách chẳng chăm sóc nhiệt tình gì cả, chẳng đỡ hộ hành lý thì thôi lại còn gắt gỏng. Bà Thảo nhà cùng phố với tôi, làm ở ngành đường sắt vội giải thích, chẳng qua hành lý của khách thôi chứ là hàng hóa thuê chở xem, tay “lơ xe” này có mà nhảy phốc xuống bao nhiều cũng ẵm lên xe hết. Gọi là xe VIP nhưng nhiều khi họ hành khách là chính, hàng hóa mới là vật quan trọng để cánh “lơ xe” kiếm tiền.
 
 “Hành khách”

Nghe mấy bà, mấy ông bàn tán tôi chợt nhớ lại việc được nếm mùi “hành khách”. Đúng chiều ngày cuối cùng của tháng 10 tôi bắt chuyến xe khách VIP từ Hà Nội lên Yên Bái. Hôm đó có vẻ vắng khách nên trên xe vẫn còn nhiều ghế trống. Thỉnh thoảng xe lại dừng bắt khách hay bốc hàng hóa. Tuy nhiên, đến đoạn đường gần bến xe khách Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chiếc xe dừng lại bốc một lô hàng hóa có tới trên chục hộp các tông vuông vắn. Khi phụ xe đang bốc gần hết số hàng thì tay lái xe giục: “Nhanh tay lên công an đang đón lõng phía trước kia kìa!”.

Một số thùng hàng được “lơ xe” vứt vội lên cabin cho xong. Tài xế hạ vội biển hành trình trên kính xuống rồi quay ngoắt xe ngược lại rẽ vào một con đường nhánh gần đó. Chiếc xe dừng lại nơi an toàn đợi người gửi hàng tới thanh toán tiền cước phí, ghi số điện thoại, địa chỉ trả hàng và cũng để “tay lơ” chuyển mấy thùng hàng trên cabin xuống thùng xe cho gọn.

Tất thảy cũng mất độ 15 phút dừng bốc, giao dịch chiếc xe bắt đầu lăn bánh nhưng nó không thể đi theo hành trình của tuyến đường qui định. Chiếc xe lao sâu vào con đường vừa rẽ để đi lòng vòng tránh cảnh sát. Tay lái xe vừa lái vừa nói vẻ như phân trần với khách, vẻ như thể hiện ta đây tài tình ứng phó với cảnh sát giao thông: “Quả đấy không nhìn thấy công an đang phục đằng trước mà đi tới thì “rơi 1 củ” như chơi!”.

 Đúng vậy, cũng chỉ vì “1 củ” mà hành khách phải cùng nhà xe đi đường vòng len lỏi vào đường nhánh để không dính phạt hoặc làm luật. Đã thế, vừa đi chiếc xe vừa phải dừng lại vài lần để “lơ” hỏi đường ra quốc lộ 2 cho đúng tuyến. Mấy hành khách nôn thốc nôn tháo, vài khách tỏ rõ sốt ruột khi chốc chốc lại có điện thoại của người nhà hỏi bao giờ đến điểm này, điểm kia để ra đón… Sau một thời gian “hành khách” chiếc xe đã bắt vào đúng tuyến đường qui định của hành trình. Nó chạy qua Vĩnh Yên đến Việt Trì rồi Đoan Hùng, Cát Lem…, thỉnh thoảng dừng rất nhanh để trả khách.

“Chuyến này chắc lại về muộn so với nhà xe thông báo rồi” - một ông khách râu xồm ngồi cạnh có lẽ hay đi tuyến này cho hay. Được một lúc, tôi rút điện thoại gọi cho người nhà thông báo hôm nay xe chậm một chút chắc khoảng gần 7 giờ tối mới tới nơi. Chiếc xe VIP tiếp tục lao nhanh trên đường về trung tâm thành phố Yên Bái nhưng đến chợ Km 6 nó không đi thẳng đường Đinh Tiên Hoàng mà rẽ phải vào một đoạn đường khác.

Hành khách lại được phen nhốn nháo thắc mắc: Đi đâu thế nhỉ? Sao lại vào đường này? Anh lái tỉnh bơ dừng xe nhảy xuống hô tay “lơ” lái xe vào ngã ba gần đó để quay đầu xe còn anh ta thì chạy vào một nhà gần đường để lấy thứ gì đó. Lại mất vài phút chiếc xe quay đầu chạy ra đợi tài tài xế lúc nãy lên xe rồi tiếp tục rẽ ra đường về bến vừa chạy vừa trả khách, trả hàng.

Đến khu vực Km 3, chiếc xe khách lại quẹo phải vào đường Kim Đồng rồi rẽ vào tận cổng Trung tâm Y tế dự phòng để trả một đống hàng. Trả xong hàng tại đây, chiếc xe to ềnh khó nhọc lùi ra tiếp tục lòng vòng để giao hàng rồi qua ngã tư Nam Cường ra ngã ba Cao Lanh để nhập vào tuyến đường qui định về bến. Lần này khách không tỏ ra bất ngờ bởi trước đó nhà xe thông báo bâng quơ sẽ rẽ vào điểm này - điểm kia để trả hàng. Cuối cùng chiếc xe về đến bến chậm tới gần tiếng đồng hồ so với dự kiến. Nhiều khách VIP về bến hết sức mệt mỏi vì bị hành chẳng khác “chuyến xe bão táp”. Ông khách râu xồm tặc lưỡi: “Chuyện xe lòng vòng trả hàng về muộn xảy ra như cơm bữa ấy mà!”

Thay lời kết

Chuyện nhà xe dừng đỗ để đón, trả khách hay bốc thêm hàng đối với các xe chở khách đã là “chuyện thường ngày”. Đây chính là hành vi vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường tác động, hơn nữa cũng bởi tạo điều kiện hành khách đi xe không phải ra bến, về bến cách nội đô vài cây số đường. Điều này nhìn về góc độ nào đó khách cũng có thể chấp nhận được nếu dừng đỗ đúng tuyến. Thế nhưng, ngoài việc dừng đón trả khách tùy tiện nhiều lái xe cho xe chạy không đúng tuyến, không đúng luồng qui định chủ yếu để trả hàng hóa, tránh công an, gây phiền hà, mất thời gian của hành khách đi xe. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, thương hiệu của nhà xe một khi phương châm “khách hàng là thượng đế” không được coi trọng. 

 H.V

Các tin khác

Nhiều hành vi vi phạm về trật tự giao thông đường bộ, đường sắt có mức xử phạt giảm so với mức hiện hành, đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP, thay thế cho các Nghị định 34, Nghị định 71 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành.

Xử phạt xe không chính chủ từ ngày 1/1/2014.

Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mới được ban hành, kể từ ngày 1/1/2014, đối với những xe máy và ô tô không chính chủ sẽ bị xử phạt.

Trong 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam có gần 8.000 người tử vong, hàng chục nghìn người bị tàn phế vì tai nạn giao thông, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước...

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến ngày 1/1/2014, cả nước sẽ có khoảng 13.387 ôtô hết niên hạn sử dụng sẽ cấm lưu hành theo Nghị định số 95/2009/NĐ-CP quy đinh đối với các loại xe ôtô chở hàng và xe ôtô chở người tham gia giao thông đường bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục