Tiếp tục vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông
- Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2016 | 8:28:11 AM
Chiều 23/11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về ''Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông'' giai đoạn 2011-2016 và triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2021.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị.
|
Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Tuyên truyền - giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất để giảm tai nạn giao thông
Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ cùng với sự tăng trưởng của đất nước, tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Với những nỗ lực của các cấp ngành, sự tham gia vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, số vụ tai nạn giao thông hàng năm đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn và hậu quả để lại hết sức nặng nề, nghiêm trọng về tài sản, tính mạng nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tuyên truyền về luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho mọi người là giải pháp ít tốn kinh phí nhưng sẽ đem lại tác dụng mạnh nhất. Đặc biệt, phương tiện gây tai nạn giao thông đường bộ, môtô, xe máy chiếm 66,7%; ôtô chiếm 27% nên cần tập trung tuyên truyền các đối tượng người sử dụng môtô, xe máy và ôtô.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra năng lực hiểu biết, nhắc nhở ý thức chấp hành pháp luật giao thông của các đối tượng này, nhất là trong bối cảnh số phương tiện giao thông ở nước ta sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu Mặt trận và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đổi mới nội dung, phương thức thực hiện chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đến năm 2020, sẽ đạt mục tiêu có ít hơn 20 người trong một ngày bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Muốn vậy, mỗi gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, mỗi xã nông thôn mới, mỗi phường văn minh phải là một gia đình, khu dân cư, xã, phường an toàn giao thông. Mỗi gia đình, khu dân cư, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan truyền thông phải là một trường học, là nơi thi đua về an toàn giao thông.
Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy qua 5 năm thực hiện chương trình phối hợp đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc gắn tiêu chí đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Thông qua chương trình phối hợp, nhiều cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đã đưa yêu cầu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào việc bình xét công nhận danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên, đoàn viên ở các quan, đơn vị, trường học, nhất là đảng viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông hoặc có hành vi bao che, dung túng cho người thân khi bị vi phạm.
Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với các phong trào thu đua yêu nước. Qua đó, nhân dân nhận thức được tầm quan trọng việc đảm bảo an toàn giao thông là bảo vệ tính mạng chính bản thân và góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu chỉ rõ: tai nạn giao thông hiện nay là vấn nạn của toàn xã hội. 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 15.125 vụ tai nạn giao thông, làm 48.015 người chết, 162.058 người bị thương.
Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông. Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu địa phương chưa đảm bảo, công tác giám sát việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa được đề cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, vẫn còn tồn tại các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...
Giai đoạn 2016-2021, hai bên sẽ tiếp tục chương trình vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông để kiềm chế các vụ tai nạn giao thông, hướng tới giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông hàng năm…
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Chính phủ, Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện việc ký cam kết khu dân cư và gia đình đăng ký bảo đảm trẩ tự an toàn giao thông; phát huy vai trò giám sát của người dân trong giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Thực hiện mục tiêu giảm tai nạn, xây dựng hệ thống giao thông văn minh
Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký chương trình phối hợp ''Vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông'' giai đoạn 2016-2021.
Chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng, thực hiện văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào ''Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông''; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại cộng đồng dân cư; xây dựng khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'' và ''Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông."
Nội dung phối hợp giữa hai bên tập trung vào 4 nội dung: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong các tầng lớp nhân dân; vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hành lang an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về an toàn giao thông đang hoạt động có hiệu quả như ''Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông,'' ''Tổ tự quản,'' ''Nhóm tự quản''... cũng như sáng tạo các mô hình mới.
Kết luận hội nghị, Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bên thực hiện phong trào ''Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông'' trong giai đoạn 2011-2015 đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại cơ sở; biểu dương những kết quả có được từ những hoạt động phối hợp hiệu quả giữa tập thể, cá nhân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban An toàn giao thông các địa phương trong công tác tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng khẳng định cuộc vận động tạo nên một xung lực mới, huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết quả đạt được là nỗ lực chung của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên.
Nhận thức rõ những thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện đồng bộ, nhiều chuơng trình, giải pháp.
Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành cần phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên công trường của các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực; hoàn thành xử lý dứt điểm điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thực hiện các giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông trọng điểm.
Để thực hiện tốt chương trình phối hợp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thành viên cùng thực hiện một cách tốt nhất những nội dung đã ký kết; phối hợp một cách hiệu quả nhất để tạo các điều kiện cần thiết cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động phong trào ''Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông'' góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, xây dựng cho hệ thống giao thông nước ta văn minh, hiện đại, an toàn, góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước, xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thanh bình, thân thiện và là điểm đến an toàn cho bè bạn quốc tế.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong ba ngày, từ 19/11 đến 21/11/2016, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm chết 46 người, bị thương 38 người.
YBĐT - Chính quyền địa phương phải tích cực chỉ đạo lực lượng công an đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tình trạng vi phạm tốc độ ở mức đáng báo động, khi 10 tháng qua, trên cả nước có trên 1,5 triệu lượt xe vi phạm quá tốc độ.
Hai xe chở người đi ăn đám cưới đã gặp nạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên làm 5 người thiệt mạng, 13 người bị thương.