7 năm nay, cứ đến ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11, tỉnh Yên Bái cùng với cả nước và hàng trăm quốc gia trên thế giới lại tổ chức các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Đây cũng là dịp để chúng ta thể hiện sự đồng cảm, thương xót với những người không may qua đời do TNGT và chung tay chia sẻ, xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TNGT của nước ta đã liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn tiếp tục tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường.
Chỉ trong phút chốc, TNGT khiến hàng trăm gia đình đang hạnh phúc phải chia lìa, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Éo le hơn, phần đa những gia đình có người thân bị TNGT đều có hoàn cảnh khó khăn, khiến nỗi đau TNGT lại càng dai dẳng, đau xót.
Để tưởng niệm những nạn nhân TNGT, chung tay xoa dịu nỗi đau do TNGT gây ra với thân nhân người bị nạn, Ban ATGT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động từ tuyên truyền đến thăm hỏi, động viên.
Trong công tác tuyên truyền, Ban phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tập trung phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, những đau thương, mất mát do TNGT và những địa chỉ cần được giúp đỡ, sẻ chia của xã hội.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng tập trung cảnh báo hậu quả nghiêm trọng, các nguy cơ, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh TNGT đối với toàn xã hội. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Ngoài ra, dịp này, Ban ATGT tỉnh thành lập Đoàn công tác tổ chức thăm hỏi, động viên 10 gia đình nạn nhân tử vong, bị thương do TNGT. Đây đều là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, chính sách, có công với cách mạng cần sự sẻ chia, giúp đỡ.
"Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” là thông điệp của Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2018. Đây chính là sự sẻ chia trước nỗi đau, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.
Đồng thời, mỗi người cần tự kiểm điểm bản thân mình xem: phải chăng mỗi chúng ta cũng từng lái xe sau khi uống rượu bia, vi phạm tốc độ, vi phạm tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy... và chính mỗi bậc làm cha, làm mẹ cũng chưa thường xuyên nêu gương về văn hóa giao thông hay còn vô tâm trước những hiểm nguy rình rập con trẻ trên những cung đường.
Một phút cúi mình tưởng nhớ và hứa với những người đã mất, chúng ta hứa tuyệt đối chấp hành pháp luật giao thông! Luôn nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi người lớn, đặc biệt là cha, mẹ và thầy, cô giáo, phải có trách nhiệm giáo dục trẻ em tham gia giao thông an toàn, phải là tấm gương về văn hóa giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông; phải đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy và xe đạp điện.
Cường Hà