Theo đó, các "điểm đen" TNGT đã được khắc phục bằng các biện pháp như: tăng cường vạch sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư. Riêng các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm, cơ quan chức năng đã tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh, hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc.
Từ khi các "điểm đen" nêu trên được khắc phục, TNGT trên một số tuyến quốc lộ huyết mạch đã giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.
Điển hình là cung đường đèo Lò Xo - Đường Hồ Chí Minh, nếu như giai đoạn 2015 - 2016, số vụ TNGT là 50 vụ khiến 11 người chết, 45 người bị thương thì từ tháng 7/2018 đến nay, sau khi đoạn tuyến được mở rộng, nâng cấp, bổ sung 1 đường cứu nạn, 12 hốc cứu nạn và sửa chữa 5 đường cứu nạn kết hợp lắp tường lốp tại một số vị trí có nguy cơ xe lao xuống vực sâu, số vụ TNGT đã giảm chỉ còn 11 vụ, bị thương 5 người.
Tương tự, ở quốc lộ (QL) 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, năm 2017, trên đoạn tuyến này có tới gần 100 vụ TNGT xảy ra, làm chết 37 người, bị thương 104 người. Năm 2017, Bộ GTVT đã chỉ đạo xử lý 12 điểm đen, 1 đường cứu nạn; tăng cường các vạch sơn, gờ giảm tốc, đinh phản quang, biển báo, mở 2 điểm dừng kiểm tra xe khi xuống dốc, lắp đặt tường hộ lan, camera quan sát.
"Kết quả, 6 tháng đầu năm 2019, đoạn tuyến này chỉ xảy ra 3 vụ, chết 5 người, bị thương 6 người”, Bộ GTVT thông tin.
Liên quan đến "điểm đen" điểm mất ATGT khu vực xã Cộng Hòa (Km62-Km64+700) trên QL5 đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương, vị trí mới đây (23/7) đã xảu ra vụ TNGT thương tâm khiến 5 người chết, 2 người bị thương, Bộ GTVT cho biết, ngay sau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, Tổng cục Đường bộ VN, Ban ATGT Hải Dương, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) kiểm tra xem xét hiện trường và khẩn cấp khắc phục những tồn tại gây mất ATGT.
Tổng cục đường bộ đã yêu cầu VIDIFI trước ngày 30/7 phải bổ sung sơn kẻ đường, gồm: vạch đi bộ, vạch mắt võng và sơn vạch gờ giảm tốc; Lắp đặt đinh phản quang ở vạch biên khu vực; cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 km/h) khoảng 700 m.
Cùng đó, VIDIFI được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án thiết kế cầu vượt dân sinh (cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ) vượt qua QL5 và đường sắt tại Km63+530; Tổ chức lại giao thông 2 nút giao trước và sau vị trí ngã tư (tại Km63+020; Km64+620) theo hướng lắp đèn tín hiệu giao thông, đảm bảo ATGT tuyệt đối cho người dân sống hai bên đường.
Hiện nay, lưu lượng giao thông trên QL5 rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế 10.000 - 15.000 xe/ngày đêm). Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT, Công an của 4 địa phương dọc QL5 (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), đơn vị quản lý tuyến đường đã rà soát các điểm tiềm ẩn TNGT, các điểm giao cắt, bàn biện pháp trước mắt và lâu dài. Bao gồm: Tăng cường cảnh báo, sơn kẻ đường, giảm tốc, phản quang tại các điểm xung yếu, các điểm mở dải phân cách; xem xét đầu tư thêm cầu vượt dân sinh, đèn tín hiệu tại những vị trí nguy hiểm có lưu lượng người xe máy đi lại lớn và khẩn trương thực hiện trùng tu, sửa chữa mặt đường.
(Theo chinhphu.vn)