Quy chuẩn mới, lái xe vượt đèn vàng bị xử lý thế nào?

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/4/2020 | 3:57:37 PM

Luật Giao thông đường bộ quy định, khi gặp đèn vàng phải dừng lại, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp...

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, khi nhìn thấy đèn vàng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch - Ảnh minh họa
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, khi nhìn thấy đèn vàng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch - Ảnh minh họa

Cơ bản giữ nguyên quy định tại Quy chuẩn 41:2016

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 sửa đổi quy chuẩn 41:2016, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, quy định vượt đèn vàng không có sự khác biệt với quy định hiện hành.

Theo đó, Quy chuẩn 41:2019 quy định, tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong khi đó, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt chỉ quy định mức phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Quy định này khiến dư luận từng tranh cãi vào năm 2016 về mức xử phạt vượt đèn vàng bằng với mức phạt vượt đèn đỏ.
 
Theo PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng Bộ môn đường ô tô và đường đô thị, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, tín hiệu đèn vàng được quy định trong quy chuẩn đường bộ hoàn toàn đúng với tinh thần của công ước Viên về báo hiệu đường bộ.

Cả Quy chuẩn số 41:2016 và Quy chuẩn 41:2019 đều quy định: Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "vạch dừng xe”; Nếu không có vạch sơn "vạch dừng xe”, phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn "vạch dừng xe” sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn "vạch dừng xe” khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm, phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Theo PGS.TS Nam, nếu chỉ quy định đèn vàng phải dừng lại sẽ gây ra những tranh cãi như trước đây, CSGT cho rằng theo quy định gặp đèn vàng thì phải dừng lại, trong khi theo quy chuẩn 41 nếu dừng lại không an toàn thì được đi tiếp. Tuy nhiên, thực hiện quy định này phần nhiều phụ thuộc vào ý thức người dân, nếu họ đi với tốc độ chậm, thấy đèn vàng thì nên dừng lại, không nên vin vào lý do dừng lại không an toàn để tranh cãi với CSGT.

Khẳng định, định nghĩa quy chuẩn 41:2016 và đến quy chuẩn 41:2019 không thay đổi là phù hợp với các vấn đề về mặt khoa học cũng như quy định của Công ước Viên, ông Nam cho rằng, các quy chuẩn đã bám vào các vấn đề về mặt kỹ thuật để giải quyết vấn đề mất ATGT. Theo đó, đèn vàng là tín hiệu để chuyển pha sang đèn đỏ hay còn gọi là thời gian dọn nút giao, để khi xe đi vào nút giao với tốc độ cao gặp tín hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu đèn đỏ nếu dừng lại sẽ không an toàn thì được phép đi tiếp. Trong trường hợp xe đi từ xa với tốc độ chậm dừng lại an toàn thì phải dừng lại.

"Quy định đèn vàng phải dừng lại giống như tín hiệu đèn đỏ đương nhiên sẽ dễ cho nhà quản lý. Để tránh tranh cãi, việc xử phạt nên sử dụng minh chứng hình ảnh hoặc công cụ kỹ thuật là camera hoàn toàn có thể chứng minh được người đó có cố tình vượt đèn vàng hay không. Khi đó, lực lượng CSGT sẽ biết được các trường hợp đi với tốc độ chậm, hoàn toàn có thể dừng lại an toàn nhưng vẫn cố đi”, ông Nam nói.

Phù hợp với Công ước Viên và thực tế Việt Nam

Lý giải vì sao không có sự thay đổi về quy định đèn vàng, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định, khi gặp đèn vàng phải dừng lại, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Công ước Viên về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên cũng quy định, khi gặp đèn vàng phải dừng lại, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc tiến quá gần vạch dừng nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì được đi tiếp.

"Khi tiến hành thảo luận, tranh luận, theo ý kiến của các nhà khoa học và của các bên liên quan, đặc biệt lực lượng CSGT, trước đây, có ý kiến chưa đồng ý với nội dung này trong quy chuẩn năm 2016, giờ đa phần xác nhận nội dung này là phù hợp và đề nghị giữ lại. Quy định này vừa phù hợp với Công ước Viên, vừa phù hợp với giao thông chung của thế giới, trong đó có nhiều người nước ngoài cũng tham gia giao thông ở nước ta. Quy định trên cũng mang tính nhân văn, an toàn hơn cho người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh. Đồng thời, tránh các vụ tai nạn khi phanh đột ngột, xe phía sau đâm vào. Luật Giao thông đường bộ 2008 đang được sửa đổi sẽ cập nhật lại nội dung này", ông Lăng cho biết.

Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức phạt hành vi này tại Nghị định 46 trước đây chỉ phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng.

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông cũng chịu mức phạt tương tự.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, Điểm e, khoản 4, Điều 6 quy định phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Mức phạt hiện hành tại Nghị định 46/2016 với cùng hành vi là 300.000 - 400.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
(Theo baogiaothong.vn)

Các tin khác
Cảnh sát giao thông huyện Lục Yên kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện giao thông.

Lục Yên có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy tương đối lớn, nhất là trên địa bàn có tuyến quốc lộ 70 đi qua với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nên tình hình tai nạn giao thông (TNGT) luôn diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tập trung, không chủ quan, buông lỏng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Cục CSGT khuyến cáo đường phố vắng dễ khiến tài xế phóng nhanh, vượt ẩu.

Toàn quốc xảy ra 32 vụ tai nạn trên đường bộ, làm chết 14 người. So với 3 ngày liền kề trước đó, số vụ và người tử vong do va chạm giao thông giảm mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục