Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, nhiều năm liền, Yên Bái đã kiềm chế khá tốt tai nạn giao thông (TNGT) và giảm cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có chuyển biến tích cực.
Nhằm giảm thiểu TNGT trên địa bàn, Yên Bái đã chỉ đạo chương trình, kế hoạch triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân; phát động các phong trào thi đua tạo động lực để các cấp, các ngành và người dân tham gia thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh.
Qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, ý thức, nhận thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân nâng lên rõ rệt, các hành vi vi phạm TTATGT, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục giảm trong nhiều năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, Yên Bái tích cực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thường xuyên xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng và sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường đô thị và tuyến đường huyện đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong 5 năm (2015 - 2020), Yên Bái đã dành trên 10.000 tỷ đồng phát triển giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu văn hóa cho người dân thuận lợi. Tỉnh cũng đã xóa bỏ 19 điểm đen TNGT đường bộ (9 điểm trên tuyến quốc lộ 37; 1 điểm trên quốc lộ 32; 9 điểm trên quốc lộ 70).
Đồng thời, việc tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, tình trạng TNGT giảm rõ rệt theo từng năm và trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 164 vụ TNGT, 40 người chết, 194 người bị thương (so sánh với năm 2015 giảm 60 vụ; 15 người chết; 75 người bị thương).
Tuy tình hình TTATGT trên địa bàn, nhất là TNGT giảm rõ rệt nhưng do đặc thù của một tỉnh miền núi, địa hình đèo dốc, chia cắt phức tạp; dân trí không đồng đều, hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ cao vào công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và giữ gìn TTATGT nói riêng nên còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới TNGT.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân gây TNGT có trên 90% là do chủ quan của người lái xe, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh còn kém, chưa thực sự tự giác. Các biểu hiện điển hình là: chạy quá tốc độ, lấn làn đường, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng đồ uống có cồn, lái xe liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật…
Để kiềm chế và từng bước đẩy lùi TNGT, năm 2020 và những năm tiếp theo, Yên Bái xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm, quy định thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT hoặc TNGT trên địa bàn phụ trách.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện cho nhân dân.
Tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Tăng cường quản lý, siết chặt việc sát hạch cấp giấy phép lái xe bảo đảm nghiêm túc, khách quan…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và bảo đảm TTATGT; trọng tâm là thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, bước đầu là tại địa bàn thành phố, thị xã, các tuyến giao thông chính và các địa bàn phức tạp, trọng điểm… Tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu cho phát triển.
Ngọc Trúc