Thực hiện Quyết định 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu hàng năm giảm từ 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), tiến tới xây dựng hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện môi trường, người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT…
Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030 xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước về TTATGT hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông theo công nghệ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý…; xóa bỏ các điểm đen, tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường bộ trên địa bàn Yên Bái, 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn giao thông theo quy định; lập lại trật tự hành lang ATGT và chống tái lấn chiếm trên tất cả các tuyến đường tỉnh; các công trình xây dựng lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, quốc lộ và đường tỉnh không gây gia tăng ùn tắc, TNGT.
100% tuyến đường xây dựng mới đạt mức độ ATGT từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn đánh giá ATGT đường bộ toàn cầu. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu hành khách, phương tiện dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh bảo đảm lái xe không quá 4 giờ là được dừng nghỉ… phương tiện giao thông kiên quyết loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông.
100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm giao thông. Người tham gia giao thông được giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về TTATGT và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định. Cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT trên các tuyến quốc lộ trong vùng phục vụ của cơ sở y tế có khả năng cấp cứu nạn nhân TNGT, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân TNGT trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu. Xây dựng trung tâm cấp cứu y tế 115, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian nhanh nhất.
Tầm nhìn đến năm 2045, hàng năm giảm TNGT đường bộ ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do TNGT đường bộ. Đa số người dân trong đô thị hình thành thói quen tham gia giao thông bằng dịch vụ vận tải công cộng. Vận tải hành khách công cộng phát triển với hạ tầng kết nối và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách được nâng cao.
Triển khai, áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực ATGT, nhất là trong dịch vụ công. Hệ thống đường bộ được xây dựng hiện đại, đồng bộ và được lắp, xây dựng trang thiết bị ATGT đáp ứng tiêu chí về tuyến đường thân thiện cho mọi đối tượng tham gia giao thông; tất cả các điểm, điểm đen TNGT trên hệ thống đường bộ được xóa bỏ kịp thời...
Các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, trật tự hành lang an toàn đường bộ. Thường xuyên, liên tục thực hiện chiến dịch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, đặc biệt tập trung vào đối tượng là lái xe chuyên nghiệp; các hành vi tổ chức đua xe mô tô, ô tô trái phép...
Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kế hoạch của tỉnh phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT. Tuyên truyền, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có trách nhiệm tham gia, thực hiện; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả triển khai thực hiện.
Ngọc Trúc