Sáng 15-12, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an làm Lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các Lễ hội đầu xuân năm 2022.
Theo đó, đợt cao điểm từ ngày 15-12-2021 đến 14-2-2022, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên cả 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động giao thông vận tải, nhu cầu vui chơi, lễ hội của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trọng tâm của đợt cao điểm này là tấn công, trấn áp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy; phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp cuối năm, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong kế hoạch, Cục CSGT cũng yêu cầu CSGT công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, thông suốt các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam…
Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống đua xe trái phép; trọng tâm là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, CSGT bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền, công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Đặc biệt kiểm tra an toàn kỹ thuật đường ngang được phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường sắt…
Trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, thời gian trước Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động...
Quá trình thực hiện, lực lượng CSGT phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế; nêu cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác; chấp hành nghiêm điều lệnh của ngành; nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn khi thi hành nhiệm vụ.
Trong nội dung giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đợt cao điểm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, đợt cao điểm đặt mục tiêu quá trình thực hiện cần tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về tinh hình trật tự, an toàn giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, trách nhiệm của người thi hành công vụ.
Tại nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với thời gian trước liền kề và cùng kỳ năm trước. Phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Hạn chế thấp nhất số vụ ủn tắc giao thông, nhất là ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến sự lại của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép, gây mất an ninh, trật tự.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trên 3 lĩnh vực công tác: Tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; Đăng ký xe; Kết nỗi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cộng tác phòng chống dịch.
(Theo SGGP)