Khẩn trương phục hồi vận tải khách đường bộ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/2/2022 | 7:54:10 AM

Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất đến tháng 4 năm nay phục hồi du lịch, vận tải khách cũng phải khẩn trương phục hồi mới đáp ứng được nhu cầu.

Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần
Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần

Khi các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, lưu lượng phương tiện cá nhân tăng khá cao. Trao đổi với phóng viên báo chí, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, nếu để người dân đi xe cá nhân nhiều sẽ xảy ra ùn tắc, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Vì vậy, vấn đề lớn nhất là phải khẩn trương phục hồi vận tải khách bằng đường bộ.



Ông Khuất Việt Hùng

Xử lý kịp thời các tình huống phát sinh

- TNGT dịp nghỉ Tết năm nay giảm cả 3 tiêu chí. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Năm nay có đặc trưng khác với các năm đó là nghỉ Tết trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã có kinh nghiệm thực hiện đồng thời đảm bảo ATGT gắn với phòng chống dịch nên đã ứng phó và xử lý tình huống với mức độ sẵn sàng cao.

Cơ bản Tết năm nay yên bình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo Tết cho người dân được An toàn - An sinh - An ninh - An bình. TNGT dịp Tết năm nay giảm sâu so với các năm.

Trong 9 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 216 vụ, làm chết 121 người, bị thương 138 người. So với cùng kỳ, giảm 17 vụ, giảm 14 người chết, giảm 29 người bị thương. TNGT không còn nóng như các năm trước.

Có được kết quả này, đầu tiên phải nói đến là hạ tầng giao thông trong dịp Tết được cải thiện rất nhiều. Thực tế, không xảy ra vụ TNGT nào có nguyên nhân do hạ tầng.

Năm nay tuy lượng người di chuyển bằng hàng không tăng cao nhưng vận chuyển được đảm bảo. Các đơn vị quản lý và doanh nghiệp vận tải hàng không cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch vận chuyển rất sớm, đảm bảo tính linh hoạt.

Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, thông qua Viber, Zalo, các nhóm phản ứng nhanh mà thành viên là lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia và các đơn vị được thành lập để xử lý kịp thời các chỉ đạo, những phản ánh của người dân và các tình huống phát sinh.

Qua hai năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021, rõ ràng vi phạm nồng độ cồn có sự thay đổi. Vi phạm nồng độ cồn dịp Tết năm nay cũng giảm, không xảy ra các vụ vi phạm lớn.

Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được lực lượng CSGT triển khai từ rất sớm. Bộ GTVT cũng có kế hoạch phục vụ vận tải gắn với thực hiện phục hồi vận tải theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ngay từ đầu tháng 12/2021.

Bên cạnh đó, các công trình bảo trì được trả lại lòng đường cho giao thông. Vận tải năm nay cũng có điểm mới là đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác.

Một số địa phương tình hình dịch phức tạp nhưng vẫn kiên quyết kiểm soát trật tự ATGT...

Cần sớm khôi phục vận tải công cộng

- Có một điều dễ thấy là dịp Tết năm nay, ùn tắc tại các trạm thu phí cửa ngõ các thành phố lớn xảy ra khá thường xuyên. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Năm nay có điều đặc biệt là vận tải khách công cộng bằng đường bộ giảm, các bến xe khá vắng vẻ. Nguyên nhân do người dân vẫn còn tâm lý e dè khi sử dụng phương tiện công cộng. Người dân có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn, dẫn đến ùn tắc giao thông. Mặc dù có nhiều giải pháp như đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng, tỷ lệ người dân dán thẻ sử dụng dịch vụ đã tăng cao nhưng vẫn còn tỷ lệ lớn chưa sử dụng khiến xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố lớn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng điều này không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia vào các dịp cao điểm, kể cả các quốc gia có vận tải công cộng phát triển.

Theo ông, vận tải công cộng nếu không được khôi phục kịp thời sẽ có tác động thế nào đến trật tự ATGT?

Thủ tướng đã chỉ đạo chậm nhất đến tháng 4 năm nay là phải phục hồi du lịch. Nếu như vẫn để tình trạng vận tải khách không phục hồi kịp sẽ khó đáp ứng nhu cầu. Khi để cho người dân đi xe cá nhân nhiều sẽ xảy ra ùn tắc giao thông, đi xe máy nhiều sẽ có nguy cơ xảy ra TNGT. Vì vậy, vấn đề lớn nhất là phải khẩn trương phục hồi vận tải khách bằng đường bộ.

- Vậy cần làm gì để phục hồi được vận tải khách đường bộ như ông nói?

Bên cạnh tâm lý e dè của hành khách thì còn một số địa phương đang hiểu máy móc Nghị quyết 128 của Chính phủ. Khi mở lại tuyến vận tải khách yêu cầu phải có sự công bố và có sự thỏa thuận giữa hai địa phương đầu tuyến.

Giải quyết vấn đề này chỉ cần căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GTVT và Nghị quyết 128 và hướng dẫn chống dịch của ngành Y tế, các doanh nghiệp vận tải tự mở tuyến khai thác theo giấy phép trước đây mà không cần chờ thỏa thuận.

Các địa phương cần thống nhất quan điểm này. Nếu không để vận tải khách đường bộ phục hồi nhanh và kịp thời thì khi các hoạt động kinh tế, xã hội, các hoạt động du lịch mở cửa sẽ xảy ra ùn tắc.

Khẩn trương phục hồi vận tải khách đường bộ 2

- Phải chăng vấn đề quan trọng nhất là làm sao xóa được tâm lý e dè của người dân khi lựa chọn phương tiện công cộng đường bộ?

Cần đặt ra câu hỏi tại sao nhiều người vẫn chọn máy bay để di chuyển? Vì khi lên máy bay họ phải khai báo y tế, có thông tin đầy đủ về quá trình di chuyển. Tại sao không triển khai ra các phương thức vận tải khác, đặc biệt là đường bộ?

Vì vậy, việc đầu tiên cần kiểm tra lại xem đâu đó còn quy định đi xe khách phải ngồi giãn cách hay hạn chế tần suất hoạt động để tháo gỡ ngay.

Kinh nghiệm từ hàng không cho thấy, trước khi lên xe khách phải khai báo y tế thông qua ứng dụng PC-Covid đảm bảo nắm được thông tin hành khách để phục vụ truy vết khi không may có ca F0. Truy vết không phải là để đưa đi cách ly mà qua đó hành khách đi cùng xe có thông tin để có biện pháp theo dõi sức khỏe.

Lúc này cần theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 là an toàn nhưng linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh trong hoạt động GTVT.

Chúng ta đã tiêm chủng bao phủ toàn dân, thậm chí trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân có cả trẻ em nên phải tự tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trách nhiệm của các ngành, các cấp là phải gửi thông điệp này đến người dân để người dân tự tin đi lại bằng phương tiện công cộng. Người dân chỉ tự tin tham gia giao thông khi họ được cung cấp đầy đủ thông tin, được bảo vệ, được hướng dẫn.

Cảm ơn ông!

Tăng cường tuyên truyền về ATGT

Tuy số vụ TNGT dịp Tết năm nay giảm sâu so với các năm trước, song ngay sau thời gian nghỉ Tết đã xảy ra một số vụ nghiêm trọng, điển hình là vụ TNGT thảm khốc tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai làm 6 người tử vong, 3 người bị thương.

Có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh Gia Lai cần tăng cường công tác tuyên truyền về ATGT rộng rãi đến người dân, các chủ phương tiện.

Đặc biệt, lực lượng CSGT phải tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện các trường hợp chở người trong khoang ca bin, xử phạt thật nghiêm để làm gương, đây cũng là một biện pháp tuyên truyền hiệu quả.

(Theo Giao thông)

Các tin khác
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ xe chở sắn lao xuống vực tại Gia Lai

Ngày 9-2, Thủ tướng ra công điện khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Gia Lai, khi xe chở sắn lao xuống vực làm 6 người chết và 3 người bị thương.

Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trong dịp nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Kết thúc 9 ngày nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng và các vụ đua xe trái phép. Người người, nhà nhà được vui xuân, đón tết an toàn và hạnh phúc.

Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai đến thăm nạn nhân sống sót sau tai nạn.

'Lúc xe lao xuống vực nghe rào rào, rầm rầm sợ lắm. Mọi người văng ra xung quanh, có người bị chết ở gần mình nữa. Sợ lắm. Đến khi vào bệnh viện mình vẫn không tin còn sống', anh Guư, người sống sót trong vụ xe tải lao xuống vực, chia sẻ.

Làn thu phí không dừng tại trạm thu phí Pháp Vân (Hà Nội).

Do lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục