Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho rằng, kết quả trên chưa phản ánh đầy đủ được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Thực tế còn nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý.
Tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều tuyến quốc lộ (QL) như QL1, QL6, QL20, QL45, QL47, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực và thùng chở hàng gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc dùng để chở quá tải hơn 200%, xe chở các thùng dạng container "phi tiêu chuẩn” đang lưu thông trên đường bộ thuộc các địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Nguyên nhân được Cục Đường bộ chỉ ra là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm, tuyến đường nhỏ nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Tại một số địa bàn, thanh tra giao thông của các Sở GTVT mới chỉ kiểm soát xe quá tải trên QL được ủy quyền quản lý và đường địa phương, còn các lực lượng khác còn chưa vào cuộc quyết liệt. Đồng thời, các công trình, dự án đồng loạt khởi công trở lại sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao đã làm xe quá tải tái diễn.
Việc kiểm tra xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do phải có sự phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế.
Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ đơn vị vi phạm.
Năm 2023, để xử lý tốt xe quá tải, trả lời báo chí, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ cho hay, Cục sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kiểm soát xe quá tải, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả tham mưu, bảo đảm ngăn chặn triệt để và có hiệu quả các vi phạm về tải trọng.
Đồng thời, chỉ đạo các Sở GTVT, các Khu Quản lý đường bộ bố trí lực lượng, kinh phí, xử lý quyết liệt, triệt để, xử lý nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục về công tác kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe như dùng cân tự động, đo kích thước phương tiện, hàng hóa tự động làm cơ sở để xử lý vi phạm hành chính, giảm áp lực cho lực lượng thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát xe quá tải được thực hiện 24/24h, xử lý vi phạm đúng quy định, chống tiêu cực.
Cùng với đó là mua sắm, trang bị thiết bị ghi hình, sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính gửi về Cục Đăng kiểm để xử lý theo quy định.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe cũng sẽ được các đơn vị liên quan thực hiện ngay tại các đầu nguồn hàng, trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải. Cùng với đó tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường.
Xử nghiêm vi phạm về chở quá tải trọng
Bộ GTVT vừa có công điện gửi các cơ quan, đơn vị ngành GTVT về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023.
Theo đó, Cục Đường bộ có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt, đặc biệt thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định.
Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội lớn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tổ chức cá nhân liên quan tới tình trạng "xe dù, bến cóc”, hành vi tăng giá vé trái quy định.
Thường xuyên phối hợp các Sở GTVT để quản lý hoạt động của phương tiện (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô) để xử lý vi phạm theo quy định.
(Theo PLVN)