Kiến nghị nâng mức xử phạt lái xe uống rượu bia

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2011 | 2:15:56 PM

40% vụ tai nạn giao thông do chủ phương tiện uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống này. Nhiều chuyên gia đề xuất nâng mức phạt cho hành vi lái xe uống rượu.

Cảnh sát giao thông cần được trang bị đủ máy đo nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông cần được trang bị đủ máy đo nồng độ cồn.

Ngày 15/11, tại hội thảo phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới uống rượu bia, ông Đặng Thanh Sơn, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng chế tài xử phạt hành vi lái xe uống rượu bia còn thấp. Hiện lái xe uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng mới bị tước giấy phép.

"Cần tăng mức phạt như tước giấy phép lái xe hoặc giữ phương tiện khi lái xe có nồng đồ cồn cao, bổ sung hình phạt tù giam khi uống rượu gây tai nạn", ông Sơn đề xuất và cho rằng với cán bộ công chức, không chỉ xử lý hành chính mà còn xem xét kỷ luật khi lái xe uống rượu bia.

Dẫn kinh nghiệm nhiều nước như Anh, Pháp xử phạt rất nặng hành vi uống rượu bia khi lái xe, đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, cho rằng cần nâng mức phạt tiền đối với lái ôtô uống rượu gấp 2,5 lần và lái xe môtô gấp 2 lần hiện nay.

Ngoài ra, ông Tuấn đề xuất lái xe uống rượu bia nên bị phạt bổ sung, như tước bằng, tạm giữ xe, buộc học và kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ. Cơ quan công an sẽ thông báo vi phạm về nơi cư trú, nơi công tác để kiểm điểm.

6 tháng đầu năm nay, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 24.600 lái xe có nồng độ cồn quá quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, số người bị xử lý vẫn chưa đúng hiện trạng, vi phạm quy định về nồng độ cồn khá phổ biến.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn bởi người lái xe thường phản ứng chậm, buồn ngủ, thiếu tập trung. Người này có thể phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường rất dễ gây tai nạn. Theo thống kê của Ủy ban, 40% vụ tai nạn giao thông có chủ phương tiện uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống này.

Ông Thái kiến nghị, bên cạnh việc tuyên truyền vận động người lái xe không uống rượu bia, cần trang bị đủ máy đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông để tăng cường kiểm tra tài xế vào thời gian 12-14h và 18-21h. Ngoài ra, cần hạn chế quảng cáo rượu bia trên phương tiện truyền thông, không bán rượu bia tại các bến xe, trạm dừng nghỉ.

TS Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cũng cho rằng thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam rất đáng lo ngại. Việt Nam sản xuất gần 350 triệu lít rượu và 2,5 tỷ lít bia mỗi năm. Như vậy, bình quân hiện nay mỗi người uống 29 lít mỗi năm, trong khi năm 2006 bình quân mỗi người uống 18 lít.

Ông Tiên cho rằng, các chính sách hạn chế sử dụng rượu bia thời gian qua chưa có nhiều do ngành rượu "lobby" mạnh. Do vậy, cần tăng thuế rượu bia và cấm quảng cáo tài trợ, tiến tới xây dựng Luật phòng chống lạm dụng rượu bia.

Theo nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người lái môtô bị phạt 200.000-300.000 đồng, và cùng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.

Nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người lái môtô bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn, mức phạt này sẽ bị tăng gấp đôi.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Giờ học ngoại khoá về luật an toàn giao thông của các bé Trường mầm non Minh Huệ (TP Yên Bái).

YBĐT - Với mục tiêu phấn đấu đưa thành phố Yên Bái đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2020, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã cơ bản làm tốt công tác giữ gìn trật tự đô thị.

Khoảng 4h00 ngày 10/11, tại cầu Ô Sông trên Quốc lộ 1A, đoạn km 1038+818 thuộc xã Bình Long (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ tai nạn hy hữu. Xe ô tô tải tông gãy thành cầu và rơi xuống sông. Rất may, 3 người trên xe thoát chết trong gan tấc.

Lễ phát động ATGT ở Trường THPT Sơn Thịnh.

YBĐT - Là đơn vị có số cán bộ, giáo viên và học sinh đông (hơn 800 học sinh và 63 cán bộ giáo viên) tại hai cơ sở Sơn Thịnh và Nậm Búng. Những năm qua, Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn) luôn là đơn vị làm tốt công tác TTATGT, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng Văn hóa giao thông công cộng và giảm thiểu số vụ vi phạm luật, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.

9 tháng đầu năm 2011, mặc dù số vụ tai nạn giảm, song số người chết và số người bị thương đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục