Đảng bộ, chính quyền xã đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên, mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành nhận phụ trách từ 1 đến 2 thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào sản xuất các loại cây con giống mới có chất lượng, năng suất, giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, Trúc Lâu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Kha ở thôn Nà Hiên.
Nhận thấy nhu cầu cây quế giống của nhân dân ngày càng cao, gia đình ông Kha đã đầu tư làm vườn ươm bầu quế giống. Để có cây quế giống đạt chất lượng, ông đã lên xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên mua hạt quế giống về ươm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật ươm và chăm sóc tốt nên bình quân mỗi năm gia đình ông đã xuất bán trên 30 vạn bầu quế.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển cây quế của người dân trong vùng, ông Kha đã nhập thêm 20 vạn cây quế giống từ nơi khác về cung cấp cho người dân. Từ mô hình vườn ươm cây quế giống, mỗi năm gia đình ông thu nhập đạt 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Kha chia sẻ: "Từ khi làm vườn ươm, kinh tế gia đình phát triển tốt hơn so với trước đây. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở thêm một vườn ươm nữa tại xã Khánh Hòa để ươm bầu quế giống, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trồng rừng của bà con”.
Cơ sở sản xuất gạch không nung của gia đình ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Trung Tâm cũng là một điển hình. Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 3.000 viên gạch phục vụ bà con. Ngoài sản xuất gạch không nung, gia đình ông còn làm dịch vụ cho thuê phông bạt, bát đĩa phục vụ ngày lễ, tết, cưới xin, ma chay...
Bằng cách làm này, gia đình ông Thân đã thu nhập đạt từ 350 đến 400 triệu đồng/năm và đã tạo được công ăn, việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương có mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thân tâm sự: "Nhờ có chính sách ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay vốn về đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất gạch. Mô hình sản xuất gạch của gia đình tôi đạt hiệu quả nên gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng”.
Ở xã Trúc Lâu không chỉ có ông Nguyễn Thanh Kha, ông Nguyễn Văn Thân biết làm kinh tế giỏi mà còn có nhiều gia đình khác cũng làm kinh tế giỏi như các hộ gia đình: ông Hoàng Trung Thành, ông Hoàng Văn Hồi, ông Đặng Tiến Kim, ông Hà Văn Đồng, ông Sầm Văn Tính, bà Khổng Thị Nga…
Để kinh tế địa phương luôn phát triển ổn định, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực học tập và làm theo lời Bác: "Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra”.
Lời dạy của Người, đã tạo động lực cho phong trào thi đua phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn xã Trúc Lâu đã có 4 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, 1 xưởng sản xuất gạch không nung, 1 hợp tác sản xuất tràng hạt… Xã đã giải quyết việc làm cho 350 lao động địa phương. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Với những kết quả đạt được trong học tập và làm theo lời Bác, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và cải thiện đời sống nhân dân ở Trúc Lâu.
Chí Sinh