Họ bình dị sáng theo gương Bác

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2019 | 8:14:40 AM

YênBái - Những điển hình tiên tiến không chỉ tỏa sáng trên sân khấu hội thi, mà vẫn sẽ mãi là tấm gương để cộng đồng tôn vinh, nhân rộng ở địa phương, đơn vị và khơi nguồn năng lực nội sinh cho sự phát triển của quê hương trong nay mai.

Anh Lý Văn Thiểu - dân tộc Dao ở xã Yên Thành nhiều năm tình nguyện lái đò chở học sinh qua hồ Thác Bà đến trường.
Anh Lý Văn Thiểu - dân tộc Dao ở xã Yên Thành nhiều năm tình nguyện lái đò chở học sinh qua hồ Thác Bà đến trường.

Hội thi chung kết kể chuyện về Bác Hồ và những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Huyện ủy Yên Bình tổ chức đã diễn ra và thành công tốt đẹp trong đầu tháng 8 vừa qua. Điều tự hào là 12 thí sinh dự thi thì có đến 6 câu chuyện về chính những người đang hàng ngày, hàng giờ học và làm theo Bác kính yêu từ cơ sở.


Được lựa chọn từ vòng thi cơ sở tổ chức ở 5 cụm thi, cũng trải qua phần thi từ xây dựng đề cương và phần thi sân khấu hóa, nhưng có lẽ cả 6 nhân vật được các thí sinh đưa vào chuyện kể cũng không biết trước rằng họ sẽ được nhắc đến trân trọng đến như thế. 

Đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi trao đổi: Hội thi đã làm cho người nghe thực sự xúc động khi các thí sinh kể về các tấm gương người thật, việc thật kiên trì vượt khó, năng động, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác và đều bám sát chủ đề năm 2019. 

"Những điển hình tiên tiến rất đa dạng, chân thực, có người là nông dân, có người làm doanh nghiệp, người là công chức. Những nhân vật được kể tại hội thi đều là những con người bình dị trong cuộc sống hàng ngày nhưng họ đã có những hành động, những việc làm thiết thực đóng góp hữu ích cho cộng đồng, đáng được xã hội tôn vinh” - đồng chí Nguyễn Dũng Giang cho biết. 

Đó là một người cựu chiến binh 74 tuổi - ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Làng Mới, xã Mông Sơn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, ông trở về quê hương với tấm Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và di chứng của chất độc da cam. Nhưng với ông, về được là may rồi. 

Ông cho rằng, mình còn nợ nhiều, trong đó có những đồng đội đã hy sinh. Mình phải sống cho xứng đáng với những người còn nằm lại nơi chiến trường, thế nên ông đã gắng sức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, tận tâm, tận lực đóng góp với địa phương. Rồi khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở Mông Sơn được mọi người dân nỗ lực tham gia, ông đã hiến tới gần 1.000 mét vuông đất để xây nhà văn hóa, mở rộng đường thôn. 

Giờ tuổi cao, nhưng "Dường như ngày nào ông cũng đến nhà văn hóa thôn với cây chổi vệ sinh trong ngoài để nơi đây ấm hơi người” - thí sinh Phan Duy Thập (Đảng bộ Mông Sơn) đã nhận ra làm theo Bác chỉ là những việc bình dị, có lợi cho dân cho xã như của ông Lộc và kể cho mọi người cùng nghe. 

Hội thi lại được cảm nhận những điều bình dị, việc học bác từ những điều giản đơn ấy qua nhân vật trong câu chuyện của thí sinh Nguyễn Hồng Giang - Chi bộ Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện. Đó là anh lái đò Lý Văn Thiểu, người dân tộc Dao ở xã Yên Thành - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình. 

Việc mà anh Thiểu làm tưởng chừng "gàn dở” khi mỗi tuần 2 lần anh lặng lẽ chở con em đồng bào Dao miễn phí từ thôn Ngòi Khương ngoài đảo hồ vào trung tâm xã học trường THCS bán trú. Nhưng đó là bởi anh không thể yên tâm khi con trẻ phải tự bơi thuyền qua hồ đến lớp, bởi anh hiểu khao khát tìm đến cái chữ mà bản thân anh và các con mình từng trải qua. Nhờ việc làm "gàn dở” qua ngày qua tháng của anh, con em đồng bào Dao không còn học sinh bỏ học, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường tăng lên. 

Một nhân vật được cho là kiên trì, tận tâm, hết lòng vì người lao động, anh Nguyễn Đức Dũng đã chèo lái đưa con thuyền doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khởi sự từ người lao động bình thường, anh đã học, tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt thị trường, công nghệ, nhanh nhạy và quyết tâm cao để vượt qua những "chông gai” và sự đổ vỡ của nghề chế biến gỗ. Giờ thì 250 lao động của Công ty cổ phần Yên Thành đều chung lưng đấu sức dưới sự lãnh đạo điều hành của Giám đốc Nguyễn Đức Dũng làm ăn hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. 

Chị Ma Thị Ba - thí sinh đến từ Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Công ty thành lập được 14 năm, tôi làm việc ở đó 12 năm nên chứng kiến nhiều thăng trầm mà Công ty trải qua. Từ bóc gỗ, làm ván ép, đến chế biến măng, người lao động nay có việc làm, nông - lâm sản của người dân được tiêu thụ mới thấm sự sâu sát, tận tụy, lo toan cho người lao động giám đốc công ty. Tôi nhận thấy, đây chính là tấm gương về học tập và làm theo Bác chăm lo đời sống nhân dân”.



Lãnh đạo Huyện ủy Yên Bình và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhân vật trong chuyện kể của các thí sinh. 

Phải chăng, đó là sự cảm phục của mỗi thí sinh về những con người thầm lặng trong từng công việc hết sức bình thường - học và làm theo Bác kính yêu là vậy. Chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 là "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Người đứng đầu địa phương, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từng suy nghĩ, những gợi mở hay hành động cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống cộng đồng sẽ được người dân đánh giá cao. Đến xã Cảm Ân, tiếp xúc với người dân, ai cũng có thể kể tốt, nói hay về Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Mạnh. 

Trong tâm thức của thí sinh Kiều Thị Dung - một đoàn viên ở Chi đoàn thôn Đoàn Kết, xã Cảm Ân, Bí thư Hà Văn Mạnh là người điềm đạm, hòa đồng, luôn quan tâm đến mọi người. Là một cán bộ trẻ, Mạnh đã luôn nỗ lực, cố gắng rèn luyện, học hỏi; tập hợp được sức mạnh tập thể, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Chắc chắn, đó cũng là đánh giá chung của Đảng bộ xã về Bí thư Hà Văn Mạnh, song anh lại hết sức khiêm tốn. 

"Trở thành điển hình tại Hội thi kể chuyện, tôi rất vinh dự, nhưng tôi nhận thấy những đóng góp của mình cho người dân địa phương còn rất nhỏ bé. Tôi thấy mình cần phải nỗ lực để hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao” - Bí thư Hà Văn Mạnh chia sẻ. 

Trong những điển hình tiên tiến phải kể đến đồng chí Đặng Quang Thành - Bí thư Chi bộ thôn Tiên Phong, xã Hán Đà. Là một nhà giáo nghỉ hưu, ông Thành tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở. Làm việc khoa học, tâm huyết, trách nhiệm, ông Thành cùng tập thể chi bộ vận động bà con hình thành mô hình xóm tự quản, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng. 

Thí sinh Hoàng Thị Tâm đã thay mặt cho Đảng bộ và người dân xã Hán Đà kể về tấm gương ông Thành như để cảm ơn, để trân trọng, để thêm người biết rồi hàng ngày cùng nhau học tập, làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất. 

Điều dễ dàng nhận thấy tại Hội thi của Đảng bộ huyện Yên Bình là các thí sinh có tuổi đời còn rất trẻ, 9/12 thí sinh trong độ tuổi đoàn, 7 thí sinh chưa đầy 30 tuổi. Tham gia cuộc thi này là một trải nghiệm thú vị, là cơ hội để rèn luyện bản thân, nhưng cũng là dịp để nói về những gì thế hệ trẻ Yên Bình đang cống hiến. 

Trong phần thi của mình, thí sinh Nông Thị Lụa - Bí thư Đoàn xã Ngọc Chấn tự hào kể về điển hình người dân tộc Tày Nông Kim Ngọc ở thôn Nà Đình trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Với mô hình kinh tế của mình, bạn trẻ Ngọc đã nêu gương về sự chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư, chủ động tiếp thu khoa học kỹ thuật, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất quê hương.

Trước khi diễn ra Hội thi chung kết, huyện Yên Bình đã tổ chức 5 cụm thi cơ sở với sự tham gia của 50 thí sinh. 21 điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thí sinh nêu gương ở hội thi cấp cơ sở đã và đang lan tỏa trong cộng đồng. Đó là con số rất nhỏ so với 207 tập thể, 377 cá nhân đăng ký xây dựng trở thành điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2019 - 2020. 

Hội thi khép lại, dư âm của từ những chuyện kể còn mãi. Những điển hình tiên tiến không chỉ tỏa sáng trên sân khấu hội thi, mà vẫn sẽ mãi là tấm gương để cộng đồng tôn vinh, nhân rộng ở địa phương, đơn vị và khơi nguồn năng lực nội sinh cho sự phát triển của quê hương trong nay mai.

Quang Tuấn

Tags Yên Bình Kể chuyện Bác Hồ Chị thị 05 làm theo Bác Mông Sơn Hán Đà Ngọc Chấn Yên Thành

Các tin khác
Đọc Báo Yên Bái là một sở thích đặc biệt của cụ Trần Tính.

“Còn sống thì còn đóng góp trí tuệ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” là tâm huyết của cụ Trần Tính - cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên Chi bộ 6, Đảng bộ phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ).

Anh Vàng A Rua tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện cuộc sống rất khó khăn; bởi vậy, mong muốn thoát nghèo luôn là trăn trở đối với anh Vàng A Rua ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Ngay khi được xã, huyện tuyên truyền chủ trương chuyển đổi đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, anh đã mạnh dạn đi đầu.

Các thí sinh tham gia Hội thi kể chuyện về Bác Hồ tại cụm thi số 3, vòng thi sơ khảo cấp huyện.

Nhằm triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã tổ chức Hội thi kể chuyện về Bác Hồ theo chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” ở các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn.

Phần tái hiện câu chuyện

Vòng chung kết Hội thi Kể chuyện về Bác Hồ thành phố Yên Bái đã khép lại, song những câu chuyện về Bác, về những tấm gương, điển hình tiên tiến học và làm theo Bác đã để lại những xúc cảm khó quên. Qua cách diễn tả truyền cảm, nội dung câu chuyện sâu sắc, gần gũi, việc học và làm theo Bác đã lan tỏa đến với người dân một cách tự nhiên, giản dị, lắng đọng nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục