Trường PTDTBT Tiểu học Lang Thíp thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2020, trong năm học 2017 - 2018, Trường đã thực hiện xóa hai điểm trường Đam II và Bùn Dạo, đưa học sinh về điểm chính học bán trú, hoàn thành trước một năm theo lộ trình của Đề án.
Việc tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú đã nâng cao tỷ lệ chuyên cần và ý thức tự học của các em. Bên cạnh đó, học sinh có nhiều thời gian tự học, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh. Từ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, việc sáp nhập còn có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là tâm lý học sinh, phụ huynh. Bằng sự quyết tâm của cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự tâm huyết, tận tụy của các thầy cô nên đã có nhiều giải pháp hiệu quả.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho phụ huynh (nếu có nhu cầu) xuống ở bán trú cùng các em trong vài ngày vừa là động viên, gần gũi với con em khi tiếp cận môi trường mới, vừa giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường lựa chọn và ký hợp đồng nhân viên nấu ăn, bảo vệ đều là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Họ vừa làm nhiệm vụ được ký hợp đồng, vừa giúp nhà trường ổn định nề nếp, động viên các em.
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp các em có kỹ năng sống, phương pháp học tập và tiếp cận nhanh với môi trường bán trú.
Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,01%; 211 học sinh được khen thưởng; 25 em tham gia giao lưu "Trí tuệ tuổi thơ” cấp huyện, trong đó 1 em đạt giải Nhì, 6 em đạt giải Ba, 1 em đạt giải viết chữ đẹp... Đó là những kết quả của tập thể nhà trường trong việc học và làm theo Bác.
Toàn ngành GD&ĐT huyện Văn Yên có 64 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó có 15 trường PTDT bán trú và trường có học sinh bán trú với tổng số 3.254 học sinh. Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành như: "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề năm 2019...
Từ đó, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cán bộ, giáo viên và học sinh, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả; khơi dậy và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; đấu tranh khắc phục suy thoái về đạo đức, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn khác trong các nhà trường và trong ngành giáo dục.
Việc xây dựng và nhân rộng thành công các mô hình tiêu biểu trong những năm qua đã góp phần làm cho bộ mặt giáo dục huyện Văn Yên có nhiều chuyển biến tích cực như Mô hình giáo dục mũi nhọn của Trường THCS thị trấn Mậu A; Mô hình trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện của Trường Mầm non thị trấn Mậu A...
Qua đó, trong nhiều năm liên tục, ngành GD&ĐT Văn Yên luôn có chất lượng mũi nhọn đứng trong TOP đầu các huyện, thị, thành phố. Chỉ tính riêng năm học 2018-2019, bậc THCS đạt 3 giải tại Cuộc thi Violympic Vật lý cấp quốc gia; 35 giải các môn văn hóa; 5 giải tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 1 giải Nhất Cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh. Cấp Tiểu học đạt 1 giải Nhất Cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh; 3 giải tại Hội thi Trạng nguyên nhỏ tuổi viết chữ đẹp cấp tỉnh... Chất lượng giáo dục chung của toàn huyện được nâng lên rõ rệt.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chuyên đề "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo chủ đề năm 2019, ngành GD&ĐT huyện Văn Yên tiếp tục xác định việc xây dựng các mô hình, điển hình phải thực chất; qua xây dựng phải tốt hơn, tiến bộ hơn và toàn diện hơn.
Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, học tập và làm theo Bác phải bằng hành động và việc làm cụ thể, nhờ đó đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong mỗi cơ sở giáo dục cũng như trong từng cán bộ. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện các mô hình, điển hình mới, vận dụng cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng. Lấy việc thực hiện tốt xây dựng mô hình, gương điển hình trong học tập và làm theo Bác để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Minh Tư