Thầy giáo âm nhạc và nguồn cảm hứng về Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2020 | 8:00:56 AM

YênBái - Hình ảnh về Bác và tình cảm nhân dân đối với Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của thầy giáo âm nhạc Lê Minh - người đã có nhiều ca khúc ca ngợi về Bác.

Tác giả âm nhạc Lê Minh cùng tác giả thơ Hoàng Thị Hạnh với niềm vui giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 cho ca khúc “Thuộc điệu ru quê”.
Tác giả âm nhạc Lê Minh cùng tác giả thơ Hoàng Thị Hạnh với niềm vui giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 cho ca khúc “Thuộc điệu ru quê”.

Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT), báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đã lan tỏa và tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác giả yêu VHNT của tỉnh nói chung và thị xã Nghĩa Lộ nói riêng.

Tác giả Lê Văn Minh (bút danh Lê Minh) - giáo viên môn Âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Miền Tây là một trong những tác giả có nhiều ca khúc ca ngợi về Bác hưởng ứng Cuộc vận động.

Một trong những tác phẩm đó là ca khúc "Không thể sống thiếu niềm tin”, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 224 tháng 2/2018. Ca khúc được viết xuất phát từ cảm xúc một niềm tin nhỏ bé với tình làng nghĩa xóm, với tình đoàn kết đồng đội trong bài thơ "Tự ngẫm” của tác giả Ngọc Bái đăng trong tập thơ "Trong trẻo trước mùa thu” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2004). 

Từ niềm tin cá nhân của tác giả thơ khiến cho tác giả Lê Minh cảm xúc viết ca khúc với ý nghĩa được mở ra, rộng lớn hơn là niềm tin vào chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 



Ca khúc như thêm một minh chứng khẳng định hình ảnh Bác luôn tỏa sáng và khắc ghi trong trái tim mỗi người con đất Việt và nhắc nhở mỗi người không ngừng học tập, rèn luyện và làm theo "tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. 

Ca khúc với những giai điệu tự hào, sâu lắng như: "…Ôi diệu kỳ khi ta vững niềm tin. Những tháng năm cam go dữ dội. Gương sáng trong muôn con tim ghi nhớ lời. Bền lòng niềm tin, vẹn màu tình yêu, ngẩng đầu lên mà bước trước mặt trời…” khơi dậy trong lòng người nghe một niềm tin sâu sắc.

Sau "Không thể sống thiếu niềm tin”, ca khúc "Thuộc điệu ru quê” tiếp tục được tác giả Lê Minh sáng tác khi gặp bài thơ "Nhớ mẹ” của tác giả Hoàng Thị Hạnh đăng trong Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 228 (6/2018). 

Hình tượng người mẹ trong ca khúc được điển hình hóa thành người mẹ Việt Nam với truyền thống tốt đẹp kế thừa từ ngàn xưa, hội tụ nhiều hình ảnh đẹp của các bà mẹ trên mọi miền Tổ quốc, trong đó phải kể đến hình ảnh cụ Hoàng Thị Loan - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các câu chuyện thời thơ ấu của Bác Hồ luôn được hiện hữu trong quá trình viết ca khúc. Ca khúc muốn gửi gắm chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. 

Ca khúc "Thuộc điệu ru quê” đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 240 (tháng 6/2019). Ca khúc với nhiều ca từ ngọt ngào, dịu dàng, tha thiết như: "…Lời dịu ngọt, mẹ chỉ bảo lựa màu thêu, quay xa đều tay sợi tơ vàng óng mịn. Lòng hiếu thảo, mẹ mong con từ tấm bé. Yêu thương kẻ khó, sẽ có phúc, có phần, miền nhân gian…” thật gần gũi, dễ đi vào lòng người.

"Không thể sống thiếu niềm tin” từng đạt giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái năm 2018; "Thuộc điệu ru quê” cũng đạt giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Việt Nam năm 2019 và giải C Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái năm 2019. 

Đây cũng là hai ca khúc mà tác giả Lê Minh tham dự Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đợt II này. 

Trong đợt trao giải đợt I, tác giả Lê Minh đã được Tỉnh ủy Yên Bái trao giải C ca khúc "Nhớ ơn Bác Hồ”; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái trao giải Nhì ca khúc "Tên Người rạng rỡ Việt Nam”. Ngoài ra, thời gian này, tác giả Lê Minh còn có nhiều bài hát ca ngợi quê hương như: "Đằm thắm Mường Lò”, "Hội Mường quê em”… 

Trong mỗi ca từ, mỗi lời bài hát đều thể hiện tình yêu, niềm kính trọng của nhân dân đối với Bác, lòng biết ơn vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc, khẳng định niềm tin sắt son một lòng theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cùng tinh thần đoàn kết các dân tộc cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, ngày càng đổi mới, ấm no, hạnh phúc. Các ca khúc như lời cổ vũ, thúc giục, nhắc nhở mỗi người ra sức và rèn luyện việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

Với ý nghĩa đó, nhiều ca khúc trong số này đã được biểu diễn trong các hội thi "Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” hay trong các chương trình văn nghệ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương, đất nước đổi mới của địa phương và giới thiệu trên sóng truyền hình, Tạp chí Văn nghệ của tỉnh. 

Năm 2019, tác giả Lê Minh được Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển sự nghiệp VHNT tỉnh Yên Bái. 

Tác giả Lê Minh cũng được Ban Tuyên giáo Thị ủy Nghĩa Lộ chọn đề nghị khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2020). 

Trong công tác giảng dạy, với thầy giáo Lê Minh, việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ bằng âm nhạc cũng là phương pháp  giáo dục hiệu quả, thiết thực. Bởi vậy, hình ảnh về Bác và tình cảm nhân dân đối với Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của người thầy giáo âm nhạc Lê Minh.

Thu Hạnh

Tags Lê Minh Ban Tuyên giáo Thị ủy Nghĩa Lộ thầy giáo âm nhạc

Các tin khác

Cuộc thi là dịp để thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ các em trong học tập và rèn luyện.

Lễ ra quân huấn luyện đầu năm tại Sư đoàn 355.

Nội dung "làm theo” Bác đã hướng tốt vào các công việc, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, tạo ra hiệu quả trong tu dưỡng phẩm chất, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hoàn thành tốt các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đơn vị có nề nếp chính quy.

Lãnh đạo Thành ủy trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05.

Giai đoạn 2019 - 2020, Đảng bộ thành phố xây dựng 225 mô hình tập thể và 157 gương cá nhân điển hình tiên tiến học và làm theo Bác.

Mô hình trồng phong lan của anh Lò Văn Dũng, thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi mang lại hiệu quả cao.

Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ hiện có 34 tổ chức cơ sở đảng, 128 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số 2.454 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, mô hình tập thể, cá nhân điển hình được cấp ủy cơ sở lựa chọn, đăng ký với Thị ủy tăng dần theo từng năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục