“Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2020 | 2:07:05 PM

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp cao cả của Người để lại cho Đảng ta, dân tộc, nhân dân ta vô cùng to lớn, quý giá và mãi mãi trường tồn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950.

"Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương. "Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (1).  Bác nói "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (2). Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, mọi lúc, mọi nơi. Đây chính là nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương.

Trong các bài nói, bài viết của mình, Bác sử dụng từ "nêu gương,” "làm gương” với tần suất lớn. Điều đó cho thấy Bác rất coi trọng việc "nêu gương,” "làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm "Đường kách mệnh” (năm 1927), Bác đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mạng với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng phải thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác và với công việc.

Bác nêu rõ: "Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” (3).

Bác nhấn mạnh: "Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang” (4). Do đó, Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải "ghi nhớ, học tập, noi gương các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai...” (5), vì các đồng chí đó "đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (6).

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Bác chủ trương: "Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống  mới” (7).

Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu...

"Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” - 2Nhấn để phóng to ảnh
Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ tại Đại hội thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của các lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất. Ảnh: TTXVN
"Tôi xin thực hành trước”

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu không chỉ nói miệng. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện "nói đi đôi với làm.” Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên mới có được sự tin yêu của quần chúng. Chứng minh cho điều này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tất cả những việc lớn liên quan tới vận mệnh lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là quyết tâm làm cho bằng được. Bằng ý chí, nghị lực của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu xâm lược, mang lại nền độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước.

Việc lớn là vậy, việc nhỏ cũng thế. Bác thường xuyên nhắc nhở đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến vật dụng, phương tiện phục vụ công việc hằng ngày. Ðồ dùng cá nhân của Bác cũng rất giản dị và tiết kiệm. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Bác đã kêu gọi đồng bào cả nước: "cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (8). Và cho dù phải làm việc nhiều, sức khỏe lại giảm sút bởi vừa trải qua trận ốm nặng trước đó nhưng Bác vẫn nêu gương "tôi xin thực hành trước” và Bác đã thực hiện một cách rất nghiêm túc.

Từ những lời nói, hành động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương lớn, một hình ảnh mẫu mực về "người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tấm gương Hồ Chí Minh chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh đã viết trên báo Sao Mai, ngày 5-9-1969: Tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của đồng chí Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta. Đồng chí là một nhà cách mạng, một nhà yêu nước, một người giàu lòng nhân đạo, một nhà hoạt động quốc tế tận tụy.


 

Nhấn để phóng to ảnh

Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ tại Đại hội thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của các lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất.
 
Học và làm theo gương Bác

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại và đã giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng” (9).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến,” "tự chuyển hóa”.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06, ngày 7-11-2006 về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị 03, ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp đến, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thông qua quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhận thức và hành động, nói và làm.

Việc thực hiện tốt những quy định về trách nhiệm nêu gương được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) ban hành là sự phát triển quan trọng trong nhận thức, hành động để tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức và đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm tốt những quy định đó, sẽ củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với dân tộc và nhân dân.

Từ những quy định của Đảng trở thành hành động tự giác của cán bộ, đảng viên đã làm cho tính Đảng được đề cao; tính tiền phong cách mạng của Đảng ngày càng được bồi đắp và phát triển. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện rất cao theo các tiêu chí đã xác định, đảm bảo tính giáo dục sâu sắc; đồng thời, rất cần sự động viên, tôn vinh để trong Đảng, toàn xã hội có được nhiều tấm gương cao đẹp để tôn vinh và nhân rộng.

Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, trong suốt những thập kỷ qua, các thế hệ người Việt Nam đã nối tiếp nhau phấn đấu thi đua, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, trở thành những tấm gương cho thế hệ sau. Đã có biết bao tấm gương bình dị mà cao quý được Ðảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh, góp phần phát huy truyền thống dân tộc và phát triển bền vững đất nước.

(1) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.1, tr.552 
(2) - Sđd, t.5, tr.263 
(3) - Sđd, t.2, tr. 260
(4) - Sđd, t.12, tr. 438
(5), (6) - Sđd, t.9, tr. 284.
(7) - Sđd, t.12, tr. 558
(8) - Sđd, t.4, tr.31
(9) - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 20.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Cánh cung đỏ” của tác giả Hà Lâm Kỳ (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) tỉnh Yên Bái) đã đạt giải A và tác phẩm “Tìm trong dân gian” của tác giả Hoàng Việt Quân (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh) đạt giải B và tập truyện ký "Bản hùng ca Tây Bắc" của tác giả Nguyễn Hiền Lương (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh) đạt giải C về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018 – 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao 2 Giải đặc biệt cho các cá nhân, tập thể đoạt giải.

Tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.

Lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 13-5, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có Văn bản số 547/BQLL-VP về việc tổ chức phục vụ nhân dân vào Lăng viếng Bác nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ảnh: Tiết mục ca ngợi công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).

Ngày 18/5/2020, Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020) sẽ được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục