Theo quan điểm của Người "một dân tộc yếu là một dân tộc dốt”. Một dân tộc có tri thức, chắc chắn không thể là một dân tộc yếu trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao và ngược lại.
Chính từ quan điểm ấy, năm 1945, sau khi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc cách mạng tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và trước thế giới tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) thì ngày hôm sau 3/9, Chính phủ mới họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Người đã đề ra 6 nhiệm vụ quan trọng phải làm, trong đó có 3 nhiệm vụ cấp bách và thiết thực nhất là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Mở đầu của nhiệm vụ diệt giặc dốt là phong trào chống mù chữ và khởi đầu phong trào bình dân học vụ với khẩu hiệu: người biết chữ dạy cho người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít. Thế là một phong trào xóa mù chữ được mở ra ở khắp mọi miền. Những nơi không có bảng, không có phấn người ta viết bằng than, bằng vôi lên vách, lên mẹt, lên lưng trâu… để học. Hàng vạn người được xóa mù chữ trong một thời gian ngắn. Phong trào bình dân học vụ mở ra khắp nơi từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, đem lại hiệu quả chưa từng có trong lịch sử nâng cao dân trí của dân tộc ta.
Nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể học sinh với tình cảm một người anh lớn tuổi khuyên bảo các em cố gắng học tập để làm rạng rỡ cho non sông, đất nước. Và Người cũng bày tỏ tâm nguyện tha thiết của mình trước học sinh, Người viết: "Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay, chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là thế hệ cách mạng cho đời sau. Tại lớp bồi dưỡng chính trị cho giáo viên cấp II và cấp III toàn miền Bắc, Bác Hồ đến dự và nói chuyện, Bác nói lời tâm huyết và cũng là một chân lý vô cùng sâu sắc: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.
Lời dạy của Người có ý sâu xa trong đời sống xã hội về chiến lược trồng người cho hôm nay và cho cả mai sau. Người giao cho ngành giáo dục, mà trực tiếp là các nhà giáo sứ mệnh vẻ vang là phải đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt cho đất nước, công việc vẻ vang của giáo dục chính là sự nghiệp trồng người.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó giáo dục giữ vai trò trọng yếu. Người coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người, đào tạo nên những công dân tốt và những cán bộ tốt cho nước nhà.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục phải coi trọng cả đức và tài. Người đặt chữ đức lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Người dạy: có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô, hủ hóa, có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp được gì cho ai. Chữ đức chính là đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, là biết yêu, biết ghét. Yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu lao động, là lòng trung thực, sự dũng cảm. Ghét là ghét thói lừa lọc, gian trá, nịnh bợ, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đức vào tài thống nhất biện chứng trong con người, nó được hình thành trong suốt quá trình giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ của nền giáo dục nước nhà.
Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc chăm lo, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Người đã viết nhiều bài báo về công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng và theo dõi qua báo chí gửi thư khen, gửi tặng huy hiệu của Người cho những em làm được nhiều việc tốt; Người cũng giao cho các cơ quan chức năng tập hợp những tấm gương người tốt, việc tốt in thành sách để nhiều người làm theo, để "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Đối với thiếu niên, nhi đồng Bác Hồ chu đáo đến cả những việc tưởng chừng như nhỏ nhất. Khi nhận được thư của thiếu niên, nhi đồng Yên Bái, Bác Hồ viết thư trả lời: Bác vui mừng nhận được thư của các cháu và biết rằng có 7.500 cháu đã có tổ chức đội, có chừng 4.800 cháu đã biết chữ thế là tốt. Nhưng còn 2.700 cháu chưa biết chữ. Trong cuộc thi đua ái quốc Bác mong các cháu làm được hai việc: Cố gắng tổ chức cho 10.000 cháu vào Đội và cháu nào cũng biết chữ.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phấn đấu, hy sinh, quên mình cho độc lập tự do của dân tộc cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Song Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Kỷ niệm ngày sinh của Người, không gì thiết thực hơn là mỗi người chúng ta bày tỏ lòng thành kính với Người, phải học tập thấm sâu và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đào tạo các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng vừa hồng vừa chuyên, đưa đất nước ta phát triển rực rỡ, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Hải Đường