Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ''Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của ngành giáo dục, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, những năm qua, đội ngũ những người làm công tác khuyến học Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực để việc học trở thành thường xuyên trong mỗi học sinh, sinh viên, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.
Căn cứ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, Hội Khuyến học các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành văn bản chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, phối hợp với các ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp hiệu quả mà vai trò, vị trí, tổ chức của tổ chức Hội Khuyến học không ngừng lớn mạnh. Đến nay, mạng lưới tổ chức Hội phát triển từ tỉnh đến cơ sở với tổng số 1.615 chi hội khuyến học thôn, bản, tổ dân phố, trường học, với 196.410 hội viên.
Nâng cao trình độ cho người dân, thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập” theo Quyết định 89/QĐ-TTg, Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 44/2014/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch 97, 95, 86 của UBND tỉnh, qua triển khai đồng bộ các giải pháp, hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 63% gia đình đạt Gia đình học tập; 61% dòng họ đạt Dòng họ học tập; 70% cộng đồng đạt Cộng đồng học tập/ thôn, bản, tổ dân phố; 90% đơn vị học tập cấp xã quản lý.
Tại các xã, phường, thị trấn, trung tâm học tập cộng đồng đã phát huy tốt vai trò chuyển tải nhiều kiến thức đến người dân như: đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các kiến thức về kỹ thuật sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; đào tạo nghề; xóa mù chữ…
Đây chính là cơ hội giảm đi số người thất nghiệp và tạo cơ hội có thêm nhiều việc làm trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong, mỹ tục truyền thống của dân tộc.
Để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, những năm qua, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực xây dựng quỹ khuyến học, phối hợp với ngành giáo dục vận động học sinh ra lớp, phát động Phong trào "Nuôi heo đất khuyến học” trong trường học; triển khai thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và phối hợp chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 44/TT-BDGĐT về xây dựng "Cộng đồng học tập” cấp xã; tuyên truyền công tác vận động của các tập thể, cá nhân hỗ trợ ngành giáo dục…
Hàng năm, có hàng vạn học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích trong học tập được Hội động viên, khen thưởng, hỗ trợ về vật chất trị giá hàng chục tỷ đồng. Qua đó góp phần để không có học sinh nào, giáo viên nào bị bỏ lại phía sau.
Sự học không bao giờ ngừng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão, bên cạnh đó sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, nếu không ngừng học tập sẽ tụt lại phía sau.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau”, hay "Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ... không học là lùi”.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác năm nay (19/5/1890 - 19/5/2020), thấm nhuần tư tưởng của Người, đội ngũ những người làm công tác khuyến học Yên Bái sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, tự nguyện làm "cầu nối”, là "cánh tay nối dài” cho sự học qua việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gắn với đẩy mạnh các hình thức vận động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Cụ thể là tổ chức các sự kiện khuyến học, khuyến tài, xây dựng quỹ khuyến học các cấp, tham gia củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng để chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông - lâm - thủy sản; kiến thức về chăm sóc sức khỏe; chuyển tải chính sách, pháp luật… tới người dân.
Từ đó góp phần để mỗi người dân Yên Bái hôm nay, dù vị trí xã hội khác nhau, dù thành phần kinh tế khác nhau nhưng cùng chung một quyết tâm - quyết tâm học tập theo tấm gương tự học vĩ đại của Hồ Chí Minh, để sống và phát triển trong xã hội học tập, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái phát triển khá nhất trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; xây dựng Tổ quốc Việt Nam mạnh giàu, "sánh vai với các cường quốc năm châu” như Người hằng mong đợi.
Đình Tứ