Mong mỏi của Piềng
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2014 | 9:42:58 AM
YBĐT - Sinh năm 1972 nhưng đến năm 2007, Lò Thị Piềng ở thôn Bản Xẻ, xã Sơn Lương (Văn Chấn) mới lấy chồng là anh Lường Văn Th. đã qua một đời vợ. Dù muộn mằn nhưng hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Piềng khi sinh hạ được bé Lường Thành C.
Bởi thế, là hộ nghèo nhưng gia đình của Piềng khá đầm ấm. Những tưởng niềm hạnh phúc ấy sẽ lớn dần lên khi những khoảng trống tình cảm của vợ chồng Piềng dần được lấp đầy. Nào ngờ, mọi thứ bắt đầu cho một sự đổ vỡ khi người vợ đầu của Th bất ngờ trở về làng sau những tháng ngày bỏ đi làm ăn xa biền biệt. Chị ta đã bớt đi nét quê mùa, có phần trẻ trung hơn tuổi và còn tự xây được cả ngôi nhà mới. “Tình cũ không rủ cũng đến”, chẳng hiểu từ lúc nào Th thậm thụt qua lại với người vợ cả.
Nhưng rồi người vợ đầu của Th. cứ ngày một ốm o, gầy tọp đi, mụn mọc đầy người, lở loét rồi qua đời. Triệu chứng này thì ai trong bản cũng biết chị ta mắc căn bệnh thế kỷ và Th. cũng không tránh khỏi lây nhiễm. Năm 2010 Th qua đời. Piềng cùng bé C đi làm xét nghiệm. May mắn, bé C không bị nhiễm nhưng đây cũng là lúc bao nhiêu đau khổ ập đến với Piềng. Bản thân bị lây nhiễm bệnh từ chồng, tài sản lớn nhất là con trâu 11 triệu đồng mua từ vốn vay ưu đãi hộ nghèo cũng bị cơn đại hàn kéo dài nhiều ngày ở miền Bắc năm 2010 - 2011 cướp mất. Sức khỏe suy sụp, nhưng Piềng vẫn cố gắng gượng nhờ người bán giúp con trâu đó được gần 3 triệu đồng để trả bớt vốn vay ngân hàng. Nhưng càng khổ tâm hơn khi chị thấy như bị mọi người xa lánh, cô lập giữa cộng đồng.
Lúc đầu thì không quá lộ liễu nhưng dần dần công việc trong bản không thấy mấy ai nhờ mình giúp, thậm chí khi ngồi ăn cỗ, chị động đũa vào đĩa thức ăn nào là mọi người bơ đĩa thức ăn đó. Sự kỳ thị ấy có nguyên nhân từ sự nhận thức chưa đầy đủ của bà con người Thái trong bản về con đường lây truyền của HIV.
Sự đau khổ tột cùng về tinh thần khiến cho bệnh tật của Piềng càng nhanh trầm trọng. Piềng sút cân nhanh, mụn nhọt bắt đầu lan ra toàn thân, tóc rụng hết và mù một bên mắt. Trong lúc tuyệt vọng, Piềng lại thêm sự đau khổ khi nghe những người thân trong nhà bàn tán chuyện nuôi bé C sau khi chị mất, có người đã đưa ra phương án gửi bé vào trại trẻ mồ côi. Bất lực trước số phận và lo lắng cho tương lai của con khiến nước mắt của Piềng cứ lăn dài hàng đêm. Nguồn động viên lớn nhất của chị là những lời động viên của mẹ sẽ cố tìm thuốc cho chị.
Thật may, trong cơn cùng cực ấy, có người mách anh trai của Piềng đi lấy thuốc của một bà lang trong vùng cũng vừa chữa cho một người nhiễm HIV giai đoạn cuối đã khỏi được lở loét. Thực tình, những người thân của chị và bà con trong bản cũng biết là chưa có thuốc nào chữa được bệnh này nhưng “có bệnh thì vái tứ phương” nên người nhà cũng đi lấy thuốc với mục đích duy nhất là động viên Piềng có thiên sự động viên tinh thần trong tình trạng bệnh tật như thế.
Không ngờ, sau gần hai tháng vừa uống thuốc vừa xông cùng với chấm nước thuốc vào những chỗ lở loét, những chỗ lở đã khô miệng dần, đóng vảy. Piềng cũng thấy khỏe lại và tự đi xe đạp được quãng chục cây số đến nhà bà lang kia lấy thuốc về tự chăm sóc cho mình. Bây giờ, chị đã được điều trị theo thuốc hỗ trợ của Nhà nước.
Sau khi qua cơn “thập tử nhất sinh”, tinh thần của Piềng phấn chấn hẳn lại. Chị bảo, mừng nhất là lại có thể chăm sóc cho bé C để nó không phải sớm côi cút. Hơn nữa, từ khi khỏe lại, chị thấy mọi người không còn xa lánh mình như trước đây vì có thể do công tác tuyên truyền của các ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đã giúp cho bà cho trong bản nhận thấy HIV không quá dễ lây như suy nghĩ của họ từ trước đến giờ. Đồng thời, bà con có phần gần gũi hơn để giúp Piềng dần hòa nhập vào công việc, quan hệ xóm giềng như thuở trước.
Những sự quan tâm ấy khiến cho Piềng càng khao khát được sống trong sự sẻ chia của gia đình, làng xóm và sống để lo lắng cho bé C được đến trường, được lớn lên năm nào hay năm đó trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Điều Piềng mong mỏi nhất lúc này là những người không may bị mắc bệnh như mình sẽ không bị kỳ thị để họ có thêm động lực vượt qua nỗi đau bệnh tật và tinh thần. Piềng đã được chữa trị bằng thuốc nam của bà lang kia và khỏe lại nên chị mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc tập nghiên cứu để có những kết luận khoa học về bài thuốc này.
Nếu đây thực sự là bài thuốc quý thì chị hy vọng những người cùng mắc bệnh như mình cũng sẽ được chữa trị. Với cá nhân mình, điều chị mong muốn nhất là trả món nợ ngân hàng gần chục triệu đồng khi trước để chị có thể tập trung nuôi nấng bé C. Có lẽ mong muốn này quả là điều quá sức đối với bản thân chị lúc này. Và sẽ trở nên đơn giản hơn khi cơ quan chức năng, độc giả cùng chung tay giúp đỡ.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Trong các ngày từ 7 - 9/10, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại các huyện Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình.
YBĐT - Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Cùng em tôi đến trường" và làm "Nhà bán trú cho em" do Tỉnh Đoàn - Hội đồng đội tỉnh Yên Bái phát động. Vừa qua, Huyện Đoàn Yên Bình tổ chức bàn giao công trình "Nhà bán trú cho em" cho trường Mầm non Xuân Lai, điểm lẻ thôn Cây Mơ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.
YBĐT - “Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Yên Ninh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động từ thiện. Đội ngũ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên đã chăm lo, trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Hội CTĐ phường Yên Ninh là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo”. Đó là đánh giá của bà Bùi Hải Oanh - Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Yên Bái.
YBĐT - Ngày 21/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, có hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.