Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời dạy của Người và phát huy truyền thống, đạo lý
"Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã luôn chú trọng quan tâm, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ (TBLS), người có công với cách mạng (NCCVCM) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách.
Trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác chính sách đối với NCCVCM và thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCCVCM, Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 89-CTr/TU ngày 27/10/2017.
Chương trình hành động số 89 đã xác định rõ việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mục tiêu chung của Chương trình hành động số 89 là thực hiện đầy đủ, toàn diện, kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác NCCVCM; phấn đấu đến hết năm 2020, 100% gia đình NCCVCM có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Quán triệt tinh thần đó, Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, giúp cho các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và toàn dân có nhận thức toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về công tác chính sách đối với NCCVCM. Các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất. Nghiêm túc triển khai thực hiện công tác này, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái vào kế hoạch công tác hàng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng đó, tỉnh Yên Bái chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với NCCVCM. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chế độ, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần gia đình NCCVCM; thực hiện tốt công tác xác nhận NCCVCM; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; bố trí tăng ngân sách Nhà nước gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt công tác NCCVCM; tăng cường công tác tham mưu, cải cách hành chính trong công tác NCCVCM; đồng thời, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc NCCVCM.
Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hiền ở thôn 7A, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên phấn khởi khi được cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Trấn Yên - đơn vị nhận đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời thường xuyên thăm hỏi, động viên Mẹ. (Ảnh: Thanh Chi)
Nỗ lực, quyết tâm thực hiện hiệu quả
Hiện nay, tỉnh Yên Bái quản lý, thực hiện chính sách trên 112.000 hồ sơ
người có công (NCC), người hoạt động kháng chiến cơ bản đã được số hóa. Tại thời điểm tháng 6/2022, toàn tỉnh có 5.619 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền chi trả 10.693 triệu đồng.
Việc chi trả trợ cấp ưu đãi, tổ chức thực hiện các chính sách khác đối với NCC được thực hiện đầy đủ, chu đáo, kịp thời. Các cấp, ngành, địa phương đã tập trung, phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung công tác NCCVCM.
Giai đoạn 2018 - 2022, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh đã thẩm định, ra quyết định, giải quyết 38.070 lượt hồ sơ NCC bao gồm: trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, mai táng phí, trợ cấp ưu đãi học sinh và sinh viên... đảm bảo kịp thời, đúng qui định.
Giai đoạn này, toàn tỉnh cũng giải quyết chế độ điều dưỡng cho 10.578 người đến niên hạn; thẩm định, cấp kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 805 người; chỉ đạo các huyện mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho NCC đảm bảo kịp thời, đúng qui định...
Công tác thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngày lễ khác... luôn được quan tâm và đã tổ chức thăm hỏi, tặng 134.371 suất quà, tổng kinh phí 32,43 tỷ đồng. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tiếp nhận, trao tặng 78 suất quà, tổng kinh phí 1,17 tỷ đồng cho thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ suy giảm khả năng 81% trở lên từ nguồn tài trợ của Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup.
Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2018 - 2022 huy động ủng hộ đạt 7.823,31 triệu đồng. Nguồn quỹ này được thực hiện hỗ trợ NCC, thân nhân NCC khi gặp khó khăn, ốm đau, khám chữa bệnh; hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà gia đình NCC dịp lễ, tết; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC, thân nhân liệt sĩ…
Với 63 công trình ghi công liệt sĩ, tổng số 2.085 mộ, hàng năm, từ nguồn ngân sách Trung ương, Yên Bái tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quản lý, chăm sóc. Ngoài ra, 3 nghĩa trang người Trung Quốc luôn bảo đảm việc đón tiếp chu đáo các đoàn đại biểu, thân nhân liệt sĩ sang thăm viếng và phục vụ tốt công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện theo quy định.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn và các đại biểu dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân tại các phần mộ anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: Anh Hải)
Tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu
Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu 100% gia đình NCCVCM có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, tức là tiến tới không còn hộ gia đình NCC thuộc diện nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo kết quả rà soát năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2837/QĐ-UBND ngày 15/02/2021 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, Yên Bái còn 101 hộ nghèo có thành viên là NCCVCM, chiếm 0,4% hộ gia đình NCC toàn tỉnh.
Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu giúp tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách, NCC; đồng thời, hướng dẫn, vận động trực tiếp để các hộ tự giác tham gia, phát huy trách nhiệm của bản thân, nội lực của gia đình, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện kế hoạch thoát nghèo.
Các địa phương sẽ rà soát, điều tra điều kiện, hoàn cảnh, xác định nguyên nhân nghèo để xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp thực hiện quyết liệt, phù hợp với từng hộ.
Trên cơ sở đó, UBND cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cán bộ, đảng viên… theo dõi, triển khai các nội dung hỗ trợ. Đặc biệt, cần phải thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo NCC cải thiện các chiều, chỉ số thiếu hụt chủ yếu, đảm bảo mỗi hộ chỉ còn thiếu hụt dưới 3/10 chỉ số của 5 dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Đối với hộ không có khả năng thoát nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người nào có khả năng lao động, tham gia sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập cho gia đình thì địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp về nhà ở, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe, xem và vận động hỗ trợ thường xuyên từ nguồn vận động xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái tặng quà cho người có công trên địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 516 gia đình NCCVCM và thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở. Giai đoạn 2018 - 2022, Yên Bái đã hỗ trợ làm 1.845 nhà cho NCCVCM , trong đó làm mới 1.149 nhà, sửa chữa 696 nhà với tổng kinh phí 61.621,5 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, nguồn xã hội hóa.
Cùng với sự quan tâm, chăm lo NCCVCM của các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn xã hội bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp và sự nỗ lực vươn lên, phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ của các hộ NCCVCM sẽ giúp tỉnh Yên Bái sớm hoàn thành mục tiêu phấn đấu cơ bản không còn hộ NCCVCM thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Sớm hoàn thành mục tiêu này chính là tiếp tục thiết thực "Đền ơn đáp nghĩa”, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tiếp nối truyền thống đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn”.
■ Ông Đồng Quang Hưng - tổ 6, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:
Với sứ mệnh người lính Cụ Hồ, dù là khi còn ở chiến trường hay khi đã trở về địa phương, tôi luôn tích cực kết nối, giúp đỡ giải quyết việc làm cho nhiều con em là con, cháu của đồng chí, đồng đội, thương, bệnh binh.
Đến thời điểm hiện tại, tôi đã tham gia vận động kinh phí ủng hộ làm được 53 nhà tình nghĩa cho gia đình người có công, gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng; vận động và đóng góp thêm của gia đình 1 tỷ đồng để xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn; 80 chiếc xe lăn tặng cho người tàn tật tại thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Văn Yên; vận động đóng góp hơn 500 triệu đồng tổ chức đưa nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở Hội Thương binh Thống Nhất đi tham quan lại các chiến trường xưa như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Gia Lai, Khánh Hoà, Sài Gòn, Trường Sơn...; cùng Hội Thương binh tham gia bốc cất trên 10 hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh: Gia Lai, Khánh Hoà, Sài Gòn, Nha Trang, Tây Nguyên về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Yên Bái...
■ Ông Hoàng Văn Thảo - thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên:
Vinh dự được phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Hao, bản thân tôi rất tự hào và lấy đạo lý truyền thống tốt đẹp đó để dạy bảo cháu con sống thảo hiền, hiếu lễ. Gia đình luôn gương mẫu đi đầu, tham gia đầy đủ các cuộc vận động, phong trào, hoạt động ủng hộ, đóng góp mà các cấp, các ngành phát động, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Gia đình tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, như chăn nuôi trâu, trồng hơn 2 ha tre măng Bát độ, trồng quế.... Kinh tế ổn định, chúng tôi có thêm điều kiện chăm lo tốt hơn cho mẹ Hao có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên cháu con cũng như tham gia tích cực vào các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương.
■ Ông Trương Đăng Hùng - Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải:
Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng hưởng chính sách người có công, trong đó có 2 thương binh, 2 vợ liệt sĩ, còn lại 21 đối tượng là người thờ cúng liệt sĩ.
Với đặc thù là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức của bà con về các chế độ chính sách của Nhà nước còn có những hạn chế nhất định, mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ, chứng từ một cách linh hoạt và nhanh nhất để đảm bảo các khoản chế độ, chính sách và hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ đối với người có công, gia đình chính sách luôn được nhanh, kịp thời, đúng hạn trong từng tháng, quý.
Bởi các chế độ chính sách này ngoài động viên tinh thần, củng cố lòng tin của bà con đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, còn góp phần quan trọng giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống của người thụ hưởng.
A Mua (thực hiện) |
Nguyễn Thơm