Những "người thầy đặc biệt”

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/12/2015 | 10:04:15 AM

YBĐT - Chuyện giáo viên mầm non là nữ chẳng có gì lạ, bởi nghề “cô nuôi dạy trẻ” được coi là nghề dành cho phái yếu. Song, những thầy giáo mầm non mà chúng tôi được gặp tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan niệm về giới tính và nghề nghiệp. Chúng tôi gọi họ là những "người thầy đặc biệt” đang ngày ngày miệt mài gieo ươm những mầm non nơi vùng cao.

Các cháu mẫu giáo ở điểm trường Tống Trong quây quần bên thầy giáo Thào A Tủa. (Ảnh: Quyết Thắng)
Các cháu mẫu giáo ở điểm trường Tống Trong quây quần bên thầy giáo Thào A Tủa. (Ảnh: Quyết Thắng)

Nghe Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu - Phạm Mạnh Tưởng “khoe” có một lớp học “đặc biệt” của một "người thầy đặc biệt” ở Trường Mầm non Hoa Sen tại thôn Tống Trong, xã Túc Đán, chúng tôi quyết định lên đường đến đó. Từ điểm trường chính đến thôn Tống Trong phải mất hơn 1 giờ đi xe máy, hoặc gần 3 giờ đi bộ trên quãng đường dài chưa đầy 10 km. Nếu trời mưa, đường trơn thì còn mất thời gian nhiều hơn nữa.

Được biết, Tống Trong mới có đường đi xe máy từ khi triển khai Đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, còn trước đây, đi vào thôn chỉ có cuốc bộ. Vượt qua những con dốc, những khúc của ngoằn ngoèo, những cây cầu gỗ bắc tạm, điểm trường mầm non đã hiện ra trước mắt. Không trường xây, không điện, không nước là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến đây.

 Tôi nghe thấy tiếng thầy giáo dạy học sinh trong lớp vọng ra: - Hôm nay, các con học bài “Em yêu cô chú công nhân”. Thầy mong muốn các con sau này sẽ trở thành những người thợ giỏi để xây nhà, làm đường bê tông cho thôn mình nhé! Những đứa trẻ đồng thanh hô “Vâng ạ!” và lời của bài hát lại được cất lên giữa đại ngàn.

Sau tiết học, tôi được gặp "người thầy đặc biệt" ấy - thầy giáo Thào A Tủa hiện là giáo viên mầm non duy nhất tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Trò chuyện với thầy, được biết, thầy Tủa là thầy giáo người Mông ở thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán, cách điểm trường Tống Trong chừng 4 km đường rừng.

20 năm gắn bó với ngành giáo dục là 20 năm thầy Tủa gắn bó với thôn Tống Trong này, trong đó có 10 năm làm giáo viên mầm non. Từ năm 1996, thầy Tủa là giáo viên dạy cấp 1 tại điểm trường này. Đến năm 2005, theo yêu cầu công tác, thầy đăng ký học trung cấp sư phạm mầm non do Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái mở tại huyện. Lớp học của thầy có 22 giáo viên nam thì duy nhất có thầy Tủa về dạy học mầm non tại thôn Tống Trong.

Quan sát thầy Tủa lên lớp, tôi nhận thấy, dù từng cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, từng động tác múa khi dạy hát, hay bón từng thìa cơm, ngụm nước cho trẻ thơ ở đây vẫn còn đôi chút gượng gạo, nhất là múa chưa được đẹp, hát chưa hay như cô giáo, song nó lại thể hiện được sự cố  gắng, quyết tâm và tâm huyết của thầy dành cho các em.

Theo thầy Tủa, để làm được như vậy, ngoài những kiến thức đã học ở trường, học ở các đồng nghiệp nữ, thầy còn học cách chăm sóc cho các em từ chính người vợ thân yêu của mình. Dù là điểm trường lẻ với nhiều khó khăn thiếu thốn, song những năm qua, lớp học của thầy giáo Tủa luôn đạt chất lượng không thua kém gì lớp học của các cô giáo.

Từ khi có lớp mầm non ở thôn, người dân đã quen với hình ảnh người thầy giáo mầm non đứng lớp. Năm nay, do số lượng học sinh đông, Trường Mầm non Túc Đán đã phân công một cô giáo vào dạy học cùng thầy Tủa, đó là cô Phạm Thị Hương. Tình yêu trẻ thơ và sự tâm huyết với nghề, chính là động lực để cô Hương, thầy Tủa vượt qua được những khó khăn, ươm những mầm non tương lai ở nơi vùng cao xa xôi này.

Thêm một cô giáo “cắm bản” chia sẻ công việc, thầy Tủa có thêm điều kiện để trang bị kiến thức nhằm mang lại niềm vui cho các cháu trong mỗi giờ lên lớp. Cô Hương chia sẻ: "Cách dạy ở tiểu học khác mầm non rất nhiều, nó đòi hỏi sự khéo léo của các thầy, cô giáo. Thầy Tủa làm được như vậy, tôi thấy rất là cảm phục, trong cách dạy của thầy, tôi thấy như là tình cảm của người cha dành cho các con của mình".

Chia tay thầy Tủa, chúng tôi đến với Trường Mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Ở đây, không chỉ có 1 mà có đến 3 thầy giáo dạy học mầm non, trong đó có một người làm quản lý. Thầy giáo Hoàng Long Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Chải chia sẻ: "Thi đỗ vào hệ trung cấp, Khoa Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái năm 2007, mình cũng thực sự lúng túng, ngại ngùng vì cả Khoa toàn con gái, nên nhiều lần mình định bỏ học".

Thầy giáo Thào A Tủa đang dạy các cháu mầm non múa hát.

Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, bạn bè, Giang không những tốt nghiệp hệ trung cấp mà còn hoàn thiện xong hệ cao đẳng vào năm 2010 và trở thành thầy giáo đầu tiên ở ngành học mầm non huyện vùng cao Mù Cang Chải. Về công tác ở xã Lao Chải - nơi có 100 % dân số là đồng bào Mông, thầy Giang đã khẳng định, không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng làm tốt công việc của một giáo viên mầm non.

Năm 2014, thầy Giang được bổ nhiệm làm công tác quản lý tại Trường Mầm non Lao Chải. Dù làm quản lý, nhưng thầy giáo Giang vẫn luôn quan tâm đến công tác chuyên môn; tích cực phối hợp với các đoàn thể nhà trường và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân vùng cao hiểu được tầm quan trọng của giáo dục để đưa con em đi học chữ cho sau này bớt khổ.

Cũng công tác tại Trường Mầm non Lao Chải, thầy giáo trẻ Giàng A Lứ đang đứng lớp tại thôn Dào Cu Nha và thầy giáo Cứ A Giàng dạy ở điểm trường chính. Về công tác 3 năm và dạy học tại các điểm trường lẻ, các thầy đã khẳng định được chuyên môn. Cả hai thầy đều là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, nên có những  thuận lợi khi đi dạy tại những điểm trường xa, khó khăn, cùng với lợi thế biết tiếng và hiểu về phong tục tập quán, đã giúp hai thầy gần gũi, năng nổ nhiệt tình giúp đỡ nhân dân trong thôn; đồng nghiệp nữ những công việc nặng nhọc.

Chị Giàng Thị Máy ở thôn Dào Cu Nha, xã Lao Chải cho biết: “Từ  khi các thầy giáo mầm non về thôn công tác, bà con thấy các thầy giáo cũng rất yêu quí trẻ, quan tâm đến các cháu như con của mình. Thầy giáo còn chải tóc, hướng dẫn các cháu giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nữa, nên bà con mình yên tâm lắm”.

Những con đường núi cheo leo, ngoằn ngoèo mà ngày ngày các thầy giáo mầm non vẫn phải đi qua để đến các lớp học.

Là huyện vùng cao, Mù Cang Chải có nhiều điểm trường lẻ xa xôi, đường sá đi lại khó khăn. Do vậy, có những thầy giáo mầm non cắm bản sẽ giúp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao chuyển biến tích cực, nhất là trong việc duy trì và giữ vững đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Sự thay đổi về nhận thức của xã hội, sẽ góp phần có thêm những thầy giáo mầm non về công tác ở vùng cao.

Bà Nguyễn Thị Minh Hằng - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải khẳng định: "Từ trước đến giờ, nếu mà nam giới chọn ngành học mầm non để theo đuổi nghề nghiệp cho mình thì sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, qua thực tế, tôi thấy làm việc gì cũng phải có niềm đam mê và các thầy giáo mầm non cắm bản ở Lao Chải đã thể hiện được sự đam mê, nhiệt huyết của mình đối với nghề nghiệp. Dù bạn là ai hay làm bất cứ việc gì, nếu không có sự đam mê thì sẽ khó có được sự thành công".

Vượt qua những khó khăn thách thức của thầy giáo mầm non, thầy Tủa ở Tống Trong; thầy Giang, thầy Lứ, thầy Giàng vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “ươm” những mầm xanh trên núi, mang ánh sáng của Đảng đến với người dân nơi đây.

Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ và niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, chính là động lực để những “người thầy đặc biệt” tiếp tục cống hiến cho vùng cao, để yêu thương những đứa trẻ như yêu con của mình. Ước mơ trở thành một thầy giáo mầm non của những đứa trẻ nơi đây, được gieo ươm từ chính những “người thầy đặc biệt” - thầy giáo mầm non cắm bản.

Mạnh Cường - Quyết Thắng

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục