Bài 1: Câu chuyện chung - riêng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 10:13:20 AM
YBĐT - Việc mở rộng, phát triển chăn nuôi quy mô lớn phải gắn với xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết đối với các hộ chăn nuôi, với các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dần - Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (bên trái) thăm chuồng trại chăn nuôi lợn của hộ ông Phạm Văn Cử ở thôn 8.
|
Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh Yên Bái đã tác động tức thì và cho hiệu quả là sự gia tăng về số lượng, giá trị kinh tế của đàn vật nuôi. Người chăn nuôi đã và đang chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại và theo hướng trang trại. Yêu cầu đặt ra là việc mở rộng, phát triển chăn nuôi quy mô lớn phải gắn với xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết đối với các hộ chăn nuôi, với các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới…
Gia đình anh Hoàng Văn Kiên, thôn 3 Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái bắt đầu nuôi lợn năm 2008 với vài con nái và 20 con lợn thịt. Khi ấy, nhà anh chưa chuyển xuống nơi ở hiện nay. Ba năm trước, được bố mẹ đẻ cho đất, anh Kiên quyết định san gạt mặt bằng để về chỗ mới. Hơn 600 m2 đất, vợ chồng anh đã giành 150 m2 làm chuồng trại nuôi lợn. Chỗ này, chỉ cách tường rào, qua con đường thôn rộng 3 m là trụ sở UBND xã và ngay sau trụ sở xã là Trạm Y tế xã Tân Thịnh. Năm 2013, anh có 5 lợn nái, 30 lợn thịt. Vấn đề phát sinh từ đây bởi khu chuồng trại chăn nuôi không ngừng bốc mùi hôi thối.
Anh Kiên như chưa hết nỗi ngại ngùng khi kể lại: “Thật chẳng biết làm sao nữa, gia đình đã vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hết mức có thể nhưng cũng không thể nào khiến cho cái mùi chất thải khó chịu ấy của đàn lợn tan biến đi được!”.
Thỉnh thoảng, lãnh đạo xã Tân Thịnh lại “cho” khuyến nông viên phụ trách xã và cán bộ Địa chính - Kinh tế xã lên nhắc nhở gia đình “xem thế nào, mùi hôi quá, cần tăng cường việc vệ sinh chuồng trại”. Chị Nguyễn Thị Kiều - cán bộ Địa chính - Kinh tế xã cho biết: “Tôi và chị Hồng là khuyến nông viên phụ trách xã sang nhà nhắc anh Kiên như vậy mà cũng chỉ nói đúng như thế rồi đi ngay vì không chịu được, không thở nổi”.
Mùa hè ngột nắng cộng thêm mùi chất thải nực nồng, hai phòng làm việc của UBND xã gần nhất với khu chăn nuôi của nhà anh Kiên, trong đó có một phòng trên tầng hai của Chủ tịch UBND xã luôn phải đóng hai cửa sổ kín mít vì đúng hướng gió lùa. Thậm chí, có lần Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp gọi điện cho anh. Chưa hết, mỗi tháng, Trạm Y tế xã tổ chức tiêm chủng định kỳ cho trẻ là mỗi lần vợ chồng anh đều cảm thấy “khó nói” với chị Trạm trưởng Trạm Y tế xã.
“Cũng đúng thôi, chúng tôi chả trách gì chị ấy cả. Chị ấy mong là mong tốt cho chung tất cả, cho gia đình tôi, cho mọi người sống xung quanh, cho môi trường trong lành. Thấy đông người đưa trẻ đến là tôi y rằng phải vào chuồng dọn sạch đến mức có thể” - anh Kiên giãi bày.
Anh nói thêm rằng, anh ngại lắm vì gây ảnh hưởng không tốt đến người khác, hơn nữa là những người trong gia đình phải chịu đựng nhiều nhất, tổn hại nhất. Anh đã tìm mua men khử mùi về trộn vào cám cho lợn ăn, song “chả ăn thua gì”. Vẫn cố nữa, anh cũng dùng vài ba loại khử mùi hôi chuồng trại mà “mùi cứ nguyên xi”. Tìm kiếm các cách không cho hiệu quả như mong muốn, chuyện vệ sinh hàng ngày thì đều đặn cọ rửa chuồng và thu gom chất thải, anh Kiên có lúc sinh ra phiền lòng.
Anh bức xúc: “Vệ sinh chuồng trại, tôi làm sạch lắm. Thử các cách khác, tôi cũng đã dùng. Xây bể biogas 15 m3, tôi xử lý rồi. Mọi người vẫn nhắc, tôi biết làm sao? Có lúc, tôi trả lời mọi người là chuồng lợn nhà tôi sạch có thể trải chiếu ngồi để chơi đấy. Nếu muốn hết mùi, chắc tôi bỏ lợn. Mà thôi chăn nuôi, nhà tôi treo niêu”.
Chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Đài cách xa khu dân cư.
Tách biệt trên một gò cao, xa khu dân cư, đầm Hổng ngay trước mặt, tầm nhìn vút mắt, xung quanh nhiều cây xanh, ngôi nhà ở và khu chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Đài, thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái có lẽ là niềm mơ ước của không ít người. Diện tích chuồng trại hơn 100 m2, ông Đài nuôi khoảng 40 con lợn cả nái lẫn thịt.
“Cỡ này, tôi duy trì đã ba năm nay” - ông cho hay. Cùng thời gian đó, ông đã thí điểm làm đệm lót sinh thái chăn nuôi lợn. Ưu điểm của đệm lót sinh thái có nhiều, nhất là lớp trấu làm đệm lót sau khoảng 5 tháng bỏ đi, ông có một lượng phân cực tốt bón cho hơn một nghìn cây chanh tứ thời vườn nhà. Đến tháng 7/2014, ông Đài chuyển sang nuôi lợn theo cách bình thường như các nhà khác, làm bể biogas 26 m3 để tận dụng chất đốt phục vụ sinh hoạt.
Khí đốt gas đã giúp gia đình ông từ nấu ăn ba bữa mỗi ngày đến đun nước uống, nấu cám cho lợn nái... vô cùng thoải mái cũng như vẫn bảo đảm nguồn nước tưới. Có chất đốt, có nước tưới qua hệ thống bể biogas, ông Đài lại phải đối mặt với một vấn đề khác nảy sinh là mùi hôi rất khó chịu, đặc biệt trong mùa hè. Dẫu không gay gắt về việc ảnh hưởng đến thôn xóm, láng giềng song môi trường không gian sống của chính gia đình ông bị tác động ngày càng xấu đi.
Không bao giờ quên được những buổi họp thôn, vợ chồng anh Nguyễn Biên Thùy, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cùng chung ký ức đó. Là thế này, chuồng nuôi lợn nhà anh cách nhà văn hóa thôn Ngọn Ngòi khoảng dăm chục mét. Cứ mỗi lần được báo chiều nay họp thôn chẳng hạn thì anh chị phải dành cả buổi trưa không nghỉ để dọn chuồng sạch đến khi không thể sạch hơn, các loại khử mùi cũng được sử dụng triệt để.
Cơ sở chăn nuôi lợn của hộ anh Hoàng Văn Kiên ở thôn 3 Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.
“Như thế không phải thường ngày chúng tôi không vệ sinh chuồng trại. Có điều, có cố hết sức thì có khi ô bên này vừa rửa xong, ô bên kia đã có con nào đó tiếp tục thải ra rồi” - anh Thùy phân bua. Ấy vậy mà mỗi lần họp thôn cũng là một lần người dân lên tiếng về việc không khí ô nhiễm từ chăn nuôi lợn của gia đình anh. Ai cũng như ai, mọi người dân Ngọn Ngòi chẳng lạ với chuyện vì sao cánh cửa sau của nhà văn hóa thôn lúc nào cũng khép im ỉm.
Tất nhiên, ai cũng đều muốn cánh cửa khít thêm và có thể không tồn tại nữa sẽ tốt hơn vào thời điểm đàn lợn nhà anh Thùy chuẩn bị xuất bán bởi lợn to, lượng phân thải lớn đồng nghĩa mùi hôi thối lên đến đỉnh điểm. Tối ngày 30 hàng tháng, Chi bộ và các đoàn thể thôn tổ chức giao ban. Tối ngày 5 hàng tháng, Chi bộ thôn sinh hoạt định kỳ. Các buổi họp thôn thì không định kỳ, tùy theo công việc cụ thể, tình hình thực tế của thôn.
Ông Trần Văn Đa - Bí thư Chi bộ thôn Ngọn Ngòi cho biết: “Nói chung là bà con đều không chịu được sự ô nhiễm môi trường của khu chuồng trại chăn nuôi lợn nhà anh chị Thùy Liễu. Chúng tôi với trách nhiệm của mình đã trực tiếp nhắc nhở, vận động gia đình cần lưu ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hơn nữa. Đồng thời, giải thích để bà con hiểu rằng, gia đình anh Thùy đã luôn có ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Chúng tôi xác định rằng, nếu như về lâu dài thì cũng sẽ báo cáo với xã để tìm biện pháp giải quyết triệt để. Khó nhất là làm sao vừa giúp các hộ phát triển chăn nuôi vừa bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Chuồng trại chăn nuôi gần nhà văn hóa thôn như anh Thùy là trường hợp gia đình ông Phạm Văn Cử, thôn 8, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên. Chăn nuôi lợn từ năm 2013, ông Cử xem ti vi và học cách tự làm đệm lót sinh thái. Ông bảo, làm đệm lót không có nhiều mùi hôi nhưng phức tạp, phải mất công đi mua trấu ở xa. Vì thế, sau một thời gian, ông thôi đệm lót, làm bể nhựa biogas 11 m3 để xử lý chất thải chăn nuôi và lấy khí đốt. Dọn vệ sinh chuồng trại tốt, các loại khử mùi được dùng nhưng ngay lập tức, bốc sực mùi hôi, xuất hiện ruồi nhặng. Nhà ông ngay trục mặt đường chính, người qua lại luôn đông đúc nên “không chịu được mùi hôi, có người đi đường vào tận nhà bảo tôi”. Bên kia đường chính, đối diện chuồng nuôi lợn của nhà ông Cử còn có một quán hàng bán nước. Chị Bùi Thị Thanh - chủ quán cho biết, mùa hè thì mùi nhiều hơn, nặng hơn.
Ông Hoàng Trọng Lưu - Trưởng thôn 8 chia sẻ: “Nhà văn hóa thôn 8 chỉ cách chuồng trại chăn nuôi lợn nhà ông Cử tầm 60 m. Tình trạng ô nhiễm môi trường phải nói là … không nhẹ. Trách nhiệm của những người đứng đầu thôn như chúng tôi cũng nặng nề. Dịp trước tết Trung thu năm ngoái, đúng thời điểm lứa lợn nhà ông Cử sắp xuất bán nên vấn đề ô nhiễm càng trở nên bức xúc. Người dân nói, nếu không giải quyết được tình trạng này thì Tết Trung thu sẽ không cho con em đến nhà văn hóa vui chơi. Nhân dân có ý kiến, chúng tôi không thể qua quýt, xem thường”.
Nguyễn Thơm
Bài 2: Giải pháp EMINA
(Xem tiếp số sau)
Các tin khác
YBĐT - Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện Lục Yên có khoảng 550 ha cây ăn quả có múi đặc sản và trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
YBĐT - “Là người đã gắn bó, cống hiến cho công tác phụ nữ của Đảng, tôi rất hiểu và đồng cảm với chị em. Nhìn thấy những mảnh đời, những số phận chị em còn thiệt thòi, tôi muốn được làm việc gì đó cho họ đỡ khó khăn về tinh thần và vật chất...” .
YBĐT - Thời điểm này, ở Việt Cường (Trấn Yên) tấp nập những chuyến xe ra vào chở gỗ rừng trồng đi tiêu thụ. Tiếng máy cắt gỗ, tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp các triền đồi.
YBĐT - Thật khó có thể tìm thấy ở đâu cây quế lại mang đến nhiều lợi ích cho con người như ở huyện Văn Yên. “Cây quế ở đây chẳng vứt đi thứ gì, chỉ có mỗi rễ không đào lên được thì phải chịu” - câu nói đùa mà thật ấy của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.