Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
- Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 9:27:51 AM
YBĐT - “Là người đã gắn bó, cống hiến cho công tác phụ nữ của Đảng, tôi rất hiểu và đồng cảm với chị em. Nhìn thấy những mảnh đời, những số phận chị em còn thiệt thòi, tôi muốn được làm việc gì đó cho họ đỡ khó khăn về tinh thần và vật chất...” .
Bà Lê Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Trung tâm SUDECOM (thứ năm từ phải sang) cùng các cộng sự bàn giao công trình nước tự chảy ở xã Tân Hương (Yên Bình).
|
Đó là lời tâm sự của bà Lê Thị Hồng Hiệp, 64 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nay là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) Yên Bái.
Tìm gặp những thành viên của Dự án Phòng chống bạo lực gia đình - một trong số nhiều dự án của Trung tâm SUDECOM tôi được nghe rất nhiều tâm sự của những người một thời chịu nhiều đắng cay, thua thiệt.
Chị Đặng Thị V. - tổ 22, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) mắt rơm rớm tâm sự: “Trước kia, gia đình tôi rất khó khăn, hai vợ chồng làm công nhân xây dựng ở một công ty. Thời thế thay đổi, công ty không có việc, vợ chồng tôi đành bỏ về làm việc tự do, chồng chạy xe ôm, vợ buôn bán lặt vặt kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Do công việc không đều, thu nhập thấp, chồng tôi lao vào rượu chè rồi nghiện rượu lúc nào không hay. Khi say, anh ấy đập phá, chửi bới vợ con. Rồi những trận đòn vô cớ diễn ra, chịu đựng nhiều năm không nổi, tôi tủi nhục ôm 2 con về nhà mẹ đẻ”.
Chị Nguyễn Thị H. - tổ 8 cũng ở phường Yên Thịnh thì bộc bạch: “Tôi đã đứt một bàn tay, một bên tai trái do con rể gây ra chỉ vì mở cửa đón con gái trở về sau một trận đòn của chồng nó. Có lẽ đời này, tôi không bao giờ quên được”.
Còn chị Hà Thị T. - tổ 5 cùng phường Yên Thịnh cũng buồn rầu nhớ lại: “Vợ chồng tôi lấy nhau do hai gia đình giới thiệu. Do không có việc làm, con thường xuyên đau ốm, nên chúng tôi hay va chạm. Ban đầu thì cãi nhau, sau này anh ta cậy làm ra tiền rồi sinh ra cờ bạc, rượu chè. Mỗi lần về nhà lại lấy cớ đánh vợ, dần dần anh ta bỏ ra ngoài với người đàn bà khác. Khi bỏ nhau, anh ta chia cho mẹ con ở dưới bếp, tài sản là cái giường và ít bát đĩa. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ vượt qua để sống và nuôi con”.
Tôi nhìn chị V., chị T. như già hơn tuổi bởi những vệt nám xám xịt trên khuôn mặt khắc khổ. Còn chị H., những lọn tóc mỏng lòa xòa không thể che khuất một bên tai bị mất, những vết sẹo chằng chịt đan xen với những nếp nhăn... Nhưng rồi nhờ có Trung tâm SUDECOM những trang mới đã mở ra với cuộc đời chị V., chị T. và cả chị H.
Chị V. bảo: “Trong thời gian về nhà mẹ đẻ, tôi đã được cán bộ tư vấn của Trung tâm SUDECOM chia sẻ, động viên và chỉ cho tôi phương cách có thể tự điều chỉnh để kiềm chế bạo lực gia đình. Sau đó tôi đã nỉ non động viên chồng cùng mình tham gia mô hình nuôi thỏ của Dự án. Được tập huấn kiến thức và được hỗ trợ con giống, tiền làm chuồng, từ đó chúng tôi đã trở thành gia đình nuôi thỏ phát triển với nguồn thu đáng kể. Kinh tế ổn định và phát triển, gia đình không còn cảnh bạo lực gia đình, các cháu được ăn học đầy đủ, chồng tôi đã bỏ rượu chè, chịu khó làm ăn”.
Chị H. hào hứng: “Tôi là người đầu tiên được tham gia Dự án Phòng chống bạo lực gia đình, được tư vấn kiến thức, được hỗ trợ mô hình nuôi gà đẻ trứng, cuộc sống của bà cháu tôi đã qua những ngày khó khăn, con gái tôi đã làm chủ đời mình và cùng tôi phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái”.
Còn với chị Hà Thị T. sau khi chấm dứt những chuỗi ngày buồn tủi cuộc sống đã có ý nghĩa hơn, chị chia sẻ: “Sau khi gia đình tan vỡ, cán bộ phụ nữ đã giới thiệu tôi đến với Trung tâm SUDECOM. Tại đây, tôi đã được hỗ trợ để phát triển chăn nuôi lợn. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, tôi thành công và hiện nay đã có một trang trại nuôi lợn nái, mỗi năm thu được từ 50 - 70 triệu đồng”.
Nắm chặt những bàn tay ấm đầy vết chai sần của các chị trong niềm xúc động, chúng tôi tìm đến Trung tâm SUDECOM Yên Bái.
Bà Lê Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Trung tâm vui vẻ tiếp chúng tôi. Bà kể, năm 2007, cầm sổ hưu trên tay chưa tròn ba tháng thì con gái ra trường, chưa biết xin việc ở đâu, cháu trai ngoài 20 tuổi tàn tật không biết làm gì để nuôi bản thân. Đúng thời điểm đó, các cộng sự làm việc tại các dự án nước ngoài lại tìm đến nhờ giúp đỡ, tư vấn để họ được đầu tư vào Yên Bái, mục đích là muốn hỗ trợ chị em và cộng đồng bớt khó khăn. Suy nghĩ trước những vấn đề về việc làm của con cháu, những dự định còn dang dở chưa thực hiện được và lời vận động của cộng sự, tôi đã mạnh dạn đăng ký với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đứng ra thành lập Trung tâm SUDECOM tại Yên Bái.
“Có lẽ tôi sinh ra đã có duyên đồng cảm với phụ nữ, nhìn thấy những mảnh đời, những số phận chị em ở mọi lĩnh vực, tôi muốn được làm việc gì đó cho họ đỡ khó khăn về tinh thần và vật chất...” - bà Hiệp chia sẻ.
Bà đưa cho tôi tập tài liệu và những bản hợp đồng mà bà các cộng sự đang hợp tác. Thông tin trong bản tham luận tại Hội thảo “20 năm hình thành và phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ghi rõ: từ khi thành lập, Trung tâm SUDECOM Yên Bái đã tạo công ăn việc làm cho nhiều sinh viên mới ra trường; trên 4.700 lượt cán bộ nòng cốt từ xã, thôn và các hộ gia đình trong toàn tỉnh đã được tham gia các tập huấn các dự án lập kế hoạch sản xuất, thích ứng giảm nhẹ phòng ngừa thiên tai, vệ sinh môi trường…; kỹ năng truyền thông tư vấn cho nạn nhân của bạo lực gia đình, chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, bình đẳng giới; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đời sống sinh hoạt…
Trong đó, hỗ trợ xây dựng 2 công trình nước tự chảy và 21 giếng nước cho 185 hộ sử dụng; 21 công trình vệ sinh, 80 bếp tiết kiệm củi, hỗ trợ 70 mô hình gà thả vườn, 25 mô hình thỏ, 30 mô hình giun quế, 4.200 cây giống bản địa trồng bổ sung cho vườn rừng phòng chống thiên tai; hỗ trợ trên 50.000 kg gạo, trên 2.500 kg thóc và ngô giống... đã có trên 3.300 người dân được hưởng lợi trực tiếp và gần 29.000 người được hưởng lợi gián tiếp từ thành quả của dự án.
Bà Lê Thị Hồng Hiệp (người đứng) trao đổi với người dân về sự tham gia các hoạt động dự án.
Xã Suối Bu, huyện Văn Chấn là một trong những nơi Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi gà thả vườn cho 40 hộ gia đình người Mông. Trong một chuyến đi, tôi tình cờ gặp đồng chí Vàng Sáy Tùng - Bí thư Đảng ủy xã. Anh cho biết: “Mô hình nuôi gà thả vườn do Trung tâm SUDECOM hỗ trợ tại xã rất thành công. 40 hộ tham gia thì có 38 hộ nuôi gà thành công, gà sống và lớn nhanh. Chỉ trong thời gian 3 tháng, các hộ dân đã có gà thương phẩm, mọi người đều rất vui và có nguồn vốn để tiếp tục chăn nuôi các lứa tiếp theo. Tôi rất mong Trung tâm có nhiều dự án được thực hiện tại xã, để mọi người đều hưởng lợi và có kinh nghiệm để xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
Nói về mô hình ở Suối Bu, bà Hiệp tâm sự: “Chúng tôi đã phải theo sát người dân trong cả quá trình triển khai. Các hộ tham gia nuôi thử nghiệm 100% là người Mông, cho nên cán bộ kỹ thuật và người truyền thông phải hướng dẫn người dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chăm sóc gà theo tuổi sinh trưởng, giai đoạn nào ủ ấm, thắp điện, giai đoạn nào ăn cám nhỏ, cám to, ăn dặm với thức ăn của đồng bào cho đến khi gà tự thích ứng với tự nhiên. Do đó, tỷ lệ thành công đạt trên 95%”.
Bà Hiệp cho biết, dự án nào của Trung tâm cũng hướng đến người dân, giúp người dân trực tiếp tham gia để cải thiện cuộc sống cho chính mình. Ví dụ như dự án xây bếp tiết kiệm củi, nhân dân không phải mất nhiều công sức để kiếm củi, rừng không bị phá bừa bãi...
Đang chuyện thì bà có điện thoại. Trong lúc chờ, tôi quan sát và vô cùng cảm kích trước những hình ảnh các cán bộ Trung tâm đi cơ sở. Đó là những con đường lầy lội, trơn trượt ở Túc Đán (Trạm Tấu), Chế Tạo (Mù Cang Chải), Suối Bu (Văn Chấn), Quang Minh (Văn Yên) mà cán bộ dự án đi qua; là những buổi họp thôn, tổ phụ nữ, rồi những cuộc nói chuyện khi đến thăm hộ nghèo, những cái ôm hôn đậm tình thân ái của chị em phụ nữ xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).
Điện thoại xong, bà Hiệp quay vào vui vẻ khoe: “Điện thoại của Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương (Yên Bình) đấy! Nhờ có Dự án của Trung tâm mà xã được đầu tư 2 công trình nước sạch ở thôn Ngòi Vồ và Khe Gầy, hàng trăm hộ dân đã có nước hợp vệ sinh để dùng”.
Ngày ngắn mà chuyện còn dài. Tôi hẹn gặp bà một dịp khác để nghe thêm về dự án, về những cộng sự và người dân tham gia dự án; được gặp gỡ thêm những phụ nữ nay đã đổi đời nhờ có Trung tâm hỗ trợ, nâng đỡ. Niềm tin trong tôi về cuộc đời, về con người nhân lên gấp bội. Cuộc đời này, hẳn sẽ tốt đẹp hơn khi có thêm thật nhiều những tấm lòng như bà Hiệp và những việc làm như Trung tâm SUDECOM Yên Bái.
Thanh Thủy - Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Thời điểm này, ở Việt Cường (Trấn Yên) tấp nập những chuyến xe ra vào chở gỗ rừng trồng đi tiêu thụ. Tiếng máy cắt gỗ, tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp các triền đồi.
YBĐT - Thật khó có thể tìm thấy ở đâu cây quế lại mang đến nhiều lợi ích cho con người như ở huyện Văn Yên. “Cây quế ở đây chẳng vứt đi thứ gì, chỉ có mỗi rễ không đào lên được thì phải chịu” - câu nói đùa mà thật ấy của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.
YBĐT- Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm, những dải rừng già nhuộm màu vàng úa vì hanh khô, thế nhưng từ đồi Thung Là cho đến cánh đồng Trống Cáng Là, Páo Sa Lá… thuộc xã Khao Mang, lúa xuân vẫn xanh tốt. Đó chính là màu xanh của kỳ tích, màu của ấm no khi những đồng đất khô hạn, trơ rạ ngày nào đã trổ bông, mang về hàng nghìn tấn thóc cho nông dân nơi đây.
YBĐT - Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch Yên Bái, rộng hơn nữa là du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu ấy, không thể không kể đến phần đóng góp của đoàn viên Lò Văn Bình.