Về nơi tỷ phú rừng trồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/4/2016 | 9:27:45 AM

YBĐT - Thời điểm này, ở Việt Cường (Trấn Yên) tấp nập những chuyến xe ra vào chở gỗ rừng trồng đi tiêu thụ. Tiếng máy cắt gỗ, tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp các triền đồi.

Anh Bồ Xuân Tân, thôn 3B, xã Việt Cường, cùng bà con chuyển cây giống đi trồng rừng.
Anh Bồ Xuân Tân, thôn 3B, xã Việt Cường, cùng bà con chuyển cây giống đi trồng rừng.

Mưa ướt tóc nhưng những giọt mồ hôi vẫn chảy trên trán anh Bồ Xuân Tân - chủ của 30 ha rừng ở thôn 3B. Hôm nay, anh quyết tâm trồng bằng xong 2.000 gốc quế.

Dừng tay cuốc, dẫn chúng tôi đi trên con đường mới được mở lên đến tận đỉnh đồi, xung quanh là những đồi keo lai, bồ đề, quế ngút ngàn, anh Tân chia sẻ: “Trước đây con đường này lau lách khó đi, để trở được cây vào rừng phải mất cả buổi, tôi quyết định đầu tư mua máy xúc về mở hơn 1 km đường. Giờ xe chở gỗ có thể tới tận chân đồi. Đất ở đây phù hợp cho cây keo lai chị ạ! Chỉ cần đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ khoảng 5 - 7 năm, với thời giá như hiện nay, trừ chi phí còn lãi trên 60 triệu đồng/ha”.

“Mình xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ  đã cùng bố mẹ lên rừng làm nương. Những năm đó, đất đai thuộc quản lý của Lâm trường Việt Hưng. Sau này, Lâm trường giao lại đất cho Nhà nước, chủ trương giao đất, giao rừng cho dân được chính quyền xã Việt Cường khuyến khích, gia đình nhận hàng chục héc ta. Lúc đầu trồng sắn rồi xen dần cây bạch đàn. Những ngày đó chỉ cơm độn sắn, mà sau buổi học là tôi lại cầm dao, cuốc lên nương cùng bố mẹ, đúng là “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” vừa đi học, vừa làm như thế mà cũng không thấy mệt” - anh Tân chia sẻ.

Trong tay có khối tài sản lên đến vài tỷ đồng, nhưng hành trình để thành tỷ phú với vài chục héc-ta rừng như hôm nay của người đàn ông này cũng thật lắm gian nan, nếu không có sự quyết tâm lớn, chắc khó thực hiện. Quyết tâm của anh Tân, tôi hiểu, đó là ý chí vươn lên, quyết không cam chịu đói nghèo! Học xong cấp III, anh Tân tiếp tục học Cao đẳng Sư phạm Yên Bái để rồi chia tay gia đình mang con chữ lên với các em học sinh Trường Tiểu học xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Đi công tác mới được một năm thì bố anh đổ bệnh. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, anh từ bỏ ước mơ làm thầy giáo để trở về quê thay bố gánh vác việc gia đình. Nhưng về quê phải làm gì đây để đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình luôn là câu hỏi khiến bao đêm anh trăn trở. Đất đai có nhưng trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Thời gian đầu, do chưa biết kỹ thuật nên rừng bạch đàn còi cọc, mùa mưa cỏ mọc che hết cây, nắng thì dễ gây cháy. Năm 2000, Tân quyết định lặn lội về tận Viện Nghiên cứu khoa học lâm nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm. Được hướng dẫn, anh quyết định mua cây keo, bồ đề về trồng thay thế bạch đàn, và cũng kể từ dấu mốc đó rừng trồng của gia đình đã phát triển xanh tốt.

Rừng phủ xanh rồi nhưng giá trị kinh tế không cao, bởi công sức bỏ ra nhiều mà giá gỗ nguyên liệu thấp. Đến năm 2006, gỗ rừng trồng bắt đầu có giá. Gần 30 ha rừng trồng của gia đình anh Tân bắt đầu mang lại hiệu quả khi mỗi héc-ta keo lai đến chu kỳ thu hoạch được thương lái mua với giá 80 triệu đồng. Được giá, anh Tân cho khai thác 10 ha, cho thu tới gần tỷ đồng.

Cầm thành quả trên tay, quá phấn khởi trước hiệu quả từ rừng, anh Tân tiếp tục tái đầu tư, thuê nhân công phát dọn sạch để đầu tư trồng mới. Trồng keo đã có hiệu quả, nhưng anh Tân vẫn đau đáu với những thử nghiệm mới để đất cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đọc báo, nghe đài thấy nhiều nơi trong tỉnh trồng quế, anh lên xã Đại Sơn (Văn Yên) tìm hiểu kỹ thuật và mua cây giống về trồng thử nghiệm.

Đúng là đất không phụ công người, cây quế hợp đồng đất phát triển tốt. Phấn khởi với thử nghiệm của mình, anh mạnh dạn mở rộng diện tích. Sau trên chục năm, hiện nay trong tay anh Tân đã có trên 10 ha quế. Chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi, anh Tân đã xây dựng thành công mô hình vườn rừng. Từ những người tiên phong như anh Tân, nhiều người dân trong xã Việt Cường cũng phát triển kinh tế rừng và làm giàu từ rừng.

Tạm biệt tỷ phú rừng Bồ Xuân Tân, theo Phó chủ tịch xã Việt Cường - Đỗ Kim Chiến, chúng tôi tiếp tục đến với tỷ phú Phạm Việt Hùng, thôn 4A. Đang tranh thủ luổng cỏ cho rừng keo 4 năm tuổi, anh Hùng cho biết: “Năm 1994 khi mình xây dựng gia đình, ra ở riêng, ông bà để lại cả đồng đất này nhưng gỗ lúc đó không có giá trị nên vợ chồng mình không để ý đến việc trồng cây mà chủ yếu đi làm thuê kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Phải đến năm 1999, khi thấy anh em trong xã họ trồng rừng mang lại giá trị kinh tế, hai vợ chồng mới chuyển dần về trồng rừng. Ban đầu cũng khó khăn lắm, vay vốn ngân hàng để lấy tiền mua giống cây về trồng, vừa làm vừa tích cóp cộng với chăn nuôi thêm để mở rộng dần diện tích”.

Đến nay, anh Hùng đã có 34 ha rừng, trong đó có 7 ha quế, 27 ha keo, bồ đề. Năm 2015, gia đình đã khai thác trên 10 ha keo thu về gần 1 tỷ đồng và còn gần 20 ha keo, bồ đề cũng chuẩn bị cho khai thác.

Ông Đỗ Kim Chiến phấn khởi cho biết: “Từ khi gỗ rừng trồng có giá, bộ mặt nông thôn ở Việt Cường đã dần thay đổi, ngày càng nhiều những ngôi nhà xây mới mang kiến trúc hiện đại, những con đường bê tông hóa ngày một nối dài. Diện tích rừng của xã hiện là trên 3.100 ha, có đến 80% hộ dân sống bằng nghề rừng. Đặc biệt, gần 200 hộ có tới vài chục héc-ta rừng, điều này đồng nghĩa với nhiều tỷ phú rừng. Cũng nhờ sản phẩm gỗ rừng trồng mà hiện xã có tới 13 xưởng chế biến gỗ ván bóc, 1 xưởng xẻ, 6 xưởng đóng đồ mộc dân dụng, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương”.

Đó là kết quả của sự áp dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện vào phát triển kinh tế đặc biệt là trồng rừng của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Một niềm vui mới với người trồng rừng Việt Cường khi tới đây, UBND phối hợp với Ban Quản lý dự án KFW8 huyện Trấn Yên tiến hành khảo sát đất đai để tham gia Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2”.

Đây là Dự án do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ tại một số tỉnh thành có diện tích rừng lớn trong cả nước. Để đảm bảo sự cân bằng về môi trường sinh thái, đồng thời tăng thu nhập cho bà con, từng bước góp phần phát triển kinh tế ổn định, lâu dài, bền vững cho địa phương. Đây cũng là cơ sở để ngày càng nhiều hơn những tỷ phú rừng như anh Tân, anh Hùng… gắn bó lâu dài với rừng và giàu lên từ rừng.

Minh Huyền - Quyết Thắng

Các tin khác
Giáo viên TTDN&GDTX huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên.

YBĐT - Thật khó có thể tìm thấy ở đâu cây quế lại mang đến nhiều lợi ích cho con người như ở huyện Văn Yên. “Cây quế ở đây chẳng vứt đi thứ gì, chỉ có mỗi rễ không đào lên được thì phải chịu” - câu nói đùa mà thật ấy của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.

Những cánh đồng ở xã Khao Mang vào vụ mới.

YBĐT- Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm, những dải rừng già nhuộm màu vàng úa vì hanh khô, thế nhưng từ đồi Thung Là cho đến cánh đồng Trống Cáng Là, Páo Sa Lá… thuộc xã Khao Mang, lúa xuân vẫn xanh tốt. Đó chính là màu xanh của kỳ tích, màu của ấm no khi những đồng đất khô hạn, trơ rạ ngày nào đã trổ bông, mang về hàng nghìn tấn thóc cho nông dân nơi đây.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình anh Lò Văn Bình.

YBĐT - Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch Yên Bái, rộng hơn nữa là du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu ấy, không thể không kể đến phần đóng góp của đoàn viên Lò Văn Bình.

Anh Đặng Văn Nanh (người đứng) trực tiếp chỉ đạo công an viên xử lý vụ việc.

YBĐT - "Chúng tôi không sợ anh ấy mà nể anh ấy”, anh Trần Văn Nam - thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình nói về anh Đặng Văn Nanh - người Trưởng Công an xã của mình như vậy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục