Một đời tâm huyết giữ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 3:42:34 PM

YBĐT - Trong hơn 500 mô hình dân vận khéo của huyện Trấn Yên, tôi ấn tượng với mô hình “Vận động cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng (BVR)” của thôn Đồng Song, xã Kiên Thành mà gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người đảng viên dân tộc Dao - Dương Kim Trọng đã dồn cả tâm huyết gây dựng...

Cán bộ Ban Dân vận huyện Trấn Yên trao bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho ông Dương Kim Trọng.
Cán bộ Ban Dân vận huyện Trấn Yên trao bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho ông Dương Kim Trọng.

Suốt chặng đường đến thôn Đồng Song, được nghe cán bộ Ban Dân vận huyện Trấn Yên kể về người đảng viên mẫn cán ấy nên lần đầu gặp ông, cảm giác trong tôi như đã có gì đó rất gần gũi, thân quen. Cái bắt tay thật chặt cùng phong thái điềm tĩnh, đậm chất lính toát lên ở ông, cho người ta sự tin cậy, dễ gần.

Gợi chuyện được viết về mình, ông Trọng trầm tư, khiêm tốn: “Công lao là của bà con trong thôn cả. Mình chỉ là người khơi lên phong trào để nhân dân cùng thực hiện chứ có đóng góp gì to tát đâu. Trước đây khó khăn lắm nhưng giờ phong trào thành nếp rồi, bà con cũng đã hiểu cả nên ý thức giữ rừng tốt hơn rất nhiều”. Với tay lấy con dao phát vừa đi nương về, ông Trọng dẫn chúng tôi ra cuối thôn.

Chỉ về phía những cánh rừng xanh thẫm trước mặt, tựa hồ cánh tay khổng lồ của thần rừng ôm gọn Đồng Song vào lòng thung lũng rộng lớn, ánh mắt ông vui như cười: “Cả xã Kiên Thành bây giờ chỉ còn khu rừng Tầm Khầm này là vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn. Trên đó có những cây gỗ quý to cả vài người ôm; chim, thú và hệ thực vật rừng phong phú, chưa chịu sự tác động mấy của con người. Thế nhưng, giữ được rừng là cả một quá trình gian nan, nếu không bền bỉ bám trụ, kiên trì vận động, thuyết phục thì khó mà có thể thành công…”.

Nằm cách trung tâm xã 7 km, Đồng Song là thôn rộng lớn nhất nhì của Kiên Thành với diện tích tự nhiên 1.800 ha, trong đó có tới trên 1.025 ha rừng tự nhiên phòng hộ và trên 309 ha rừng tự nhiên sản xuất. 109 hộ dân trong thôn với gần 500 nhân khẩu là đồng bào Dao. Tập quán du canh, du cư và thói quen sản xuất nương rẫy đã khiến tình trạng lấn chiếm trái phép đất rừng trên địa bàn xã, trong đó có thôn Đồng Song những năm 2008 - 2009 có chiều hướng “nóng” lên, nhất là lợi dụng sự chuyển đổi từ Lâm trường Việt Hưng sang Dự án 661 quản lý đất rừng, không ít hộ dân đã xâm lấn, phá rừng tự nhiên phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất để canh tác. Có thuận lợi là đúng thời điểm này, huyện Trấn Yên phát động phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cộng đồng dân cư.

Với khí chất của một người lính, một đảng viên và trách nhiệm đứng đầu của một Bí thư Chi bộ, ông Trọng đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho Đảng ủy xã đăng ký xây dựng mô hình “Vận động cộng đồng dân cư tham gia quản lý, BVR”, mục đích là để ngăn chặn tình trạng xâm lấn, phá hoại rừng trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý, BVR.

Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm lại chẳng hề đơn giản. Giữ rừng - đồng nghĩa với việc động chạm đến lợi ích kinh tế của người dân. Cũng có nghĩa là hạn chế nguồn thu nhập chính đáng vốn được xem là nguồn tài nguyên vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho người dân bản địa.

Nhớ lại những ngày đầu khó nhọc ấy, ông Trọng bộc bạch: “Ban đầu, bà con phản ứng quyết liệt lắm. Tư tưởng không đồng tình với chủ trương của Chi bộ và của thôn. Họ sinh nghi cho rằng, mình làm thế là để hạn chế không cho nhân dân phát triển kinh tế. Nhìn sang các thôn bên, thấy người dân trong xã vẫn phá rừng làm nương rẫy nên không hiếm hộ trong thôn vừa làm vừa nghe ngóng, dò xét thái độ của cán bộ thôn, cán bộ xã thấy thực sự nghiêm túc, kiên quyết thì mới chấp hành”.

Nắm bắt được tư tưởng của bà con, Bí thư Trọng đã quán triệt sâu sắc đến các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Với phương châm “Đảng viên đi trước”, 100% đảng viên trong Chi bộ đã tham gia ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, BVR của thôn. Tổ BVR thôn Đồng Song đồng thời được thành lập, với con số thành viên những năm đầu lên tới gần 50 người; nhiệm vụ cụ thể được phân công cho từng thành viên, lấy tinh thần, trách nhiệm và sự gương mẫu làm trọng để thuyết phục quần chúng nhân dân, vận động người thân, gia đình, dòng họ hành động tham gia quản lý, BVR.

“Mưa dầm thấm lâu”, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ - Dương Kim Trọng cùng các đảng viên Chi bộ Đồng Song và những cộng sự tích cực của ông đã giác ngộ sâu sắc ý thức giữ rừng, BVR cho người dân trong thôn. Từ chỗ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đồng bào Dao ở Đồng Song giờ đây đang dồn sức giữ rừng.

Với những cách làm riêng, khơi gợi được sức mạnh đoàn kết và sự cộng đồng trách nhiệm của nhân dân, trong đó việc kịp thời biểu dương những cá nhân, hộ gia đình làm tốt công tác BVR tại các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ; hay như việc xây dựng các hòm thư góp ý trong thôn để người dân tự giác phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, qua đó kịp thời có biện pháp giáo dục, nhắc nhở, răn đe và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm…, góp phần làm giảm đáng kể những vụ vi phạm về quản lý, BVR trên địa bàn thôn.

Đánh giá hiệu quả của mô hình, ông Lý Sinh Quyên - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kiên Thành khẳng định: “Trên địa bàn xã hầu như thôn nào cũng có rừng. Thế nhưng chưa có thôn nào, thậm chí là chưa có xã nào trên địa bàn huyện Trấn Yên xây dựng được mô hình quản lý, BVR hiệu quả như ở thôn Đồng Song. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn thôn không còn trường hợp nào phá rừng làm nương rẫy trái phép hay vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng bào đồng thuận, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý, BVR của thôn. Đây thực sự là một điểm sáng trong công tác tự quản về trông coi BVR, tạo sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, cần nhân rộng kinh nghiệm”.

Gia đình ông Trọng có gần chục héc-ta quế, bồ đề; trong đó gần 100 cây quế trên 20 năm tuổi.

Hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ, rồi Trưởng thôn Đồng Song (từ năm 1993 đến 2015), ông Dương Kim Trọng hiểu hơn ai hết cuộc sống của dân bản mình. Cái đói, cái nghèo còn thì vẫn còn người làm sai. Theo ông, để nói bà con nghe, làm bà con làm theo thì người cán bộ, đảng viên trước hết phải gương mẫu, lấy lợi ích của dân làm trọng. Chẳng thế mà, từ gần 50 thành viên ban đầu, các thành viên trong tổ trông coi BVR của thôn đã giảm dần số người, gồng gánh thêm công việc cho nhau, giành ra một phần tiền từ nguồn phí trông coi bảo vệ trên 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất được Nhà nước giao khoán để đóng góp các loại phí cho bà con trong thôn.

Việc làm tuy nhỏ nhưng người dân đã nhìn thấy sự công tâm, vô tư của cán bộ trong đó mà đồng thuận một lòng. Là người nói được, làm được, không chỉ hoàn thành xuất sắc trọng trách của một người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, ông Dương Kim Trọng còn thực sự là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế của địa phương. Với tư duy trồng rừng chính là cách làm giàu bền vững nhất, thế nên ông Trọng đã dồn cả tâm lực của mình cho công việc này. Đến nay, gia đình ông đã có gần 100 cây quế trên 20 năm tuổi, mỗi cây có giá cả chục triệu đồng và gần chục héc-ta quế, bồ đề, hàng năm cho thu nhập ổn định.

Nhận tấm bằng khen của Ban Dân vận Trung ương trao cho người có thành tích xuất sắc xây dựng mô hình “Vận động cộng đồng dân cư tham gia quản lý, BVR” mang tên mình, ông Trọng vẫn thấy băn khoăn. Điều khiến ông băn khoăn nhất đó là nhiệm vụ giữ rừng thực tế ở cơ sở hiện còn lắm khó khăn và hết sức nặng nề. Để người dân yên tâm giữ rừng, ông mong sao tỉnh sớm quan tâm, xem xét nâng mức tiền hỗ trợ BVR cho các thôn, bản thay vì mức hỗ trợ 100.000 đồng/ha như hiện nay. Và còn một điều mong mỏi nữa, ấy là mong sao Đề án thí điểm giao đất, cho thuê đất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã làm ở xã Y Can sớm được tiếp tục triển khai tới địa bàn các xã trong huyện, trong đó có Kiên Thành, để người dân yên tâm gắn bó với rừng. 

Phạm Minh

Các tin khác
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án

YBĐT - Mọi bức xúc, những điều tiếng, các ý kiến... về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn của các hộ gia đình mà chúng tôi đã gặp bỗng thưa vắng hơn, ắng lặng dần.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dần - Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (bên trái) thăm chuồng trại chăn nuôi lợn của hộ ông Phạm Văn Cử ở thôn 8.

YBĐT - Việc mở rộng, phát triển chăn nuôi quy mô lớn phải gắn với xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết đối với các hộ chăn nuôi, với các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới… 

Trang trại trồng cam của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, thôn 8, xã Khánh Hòa (bên phải) mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng.

YBĐT - Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện Lục Yên có khoảng 550 ha cây ăn quả có múi đặc sản và trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Bà Lê Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Trung tâm SUDECOM (thứ năm từ phải sang) cùng các cộng sự bàn giao công trình nước tự chảy ở xã Tân Hương (Yên Bình).

YBĐT - “Là người đã gắn bó, cống hiến cho công tác phụ nữ của Đảng, tôi rất hiểu và đồng cảm với chị em. Nhìn thấy những mảnh đời, những số phận chị em còn thiệt thòi, tôi muốn được làm việc gì đó cho họ đỡ khó khăn về tinh thần và vật chất...” .

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục