Làng Ro ngày mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:19:26 AM

YBĐT -  Bệnh phong đã được Nhà nước chữa trị và thanh toán xong, người dân Làng Ro giờ  không còn biệt lập như trước nữa. Giờ đây, cả làng đã có 64 hộ dân, sống quây quần đùm bọc thương yêu nhau.

Ông Hoàng Minh Tiến (thứ 3 trái sang) đang giới thiệu mô hình nuôi dê của gia đình.
Ông Hoàng Minh Tiến (thứ 3 trái sang) đang giới thiệu mô hình nuôi dê của gia đình.

Sau bao lần hẹn hò, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với Làng Ro - một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Phan Thanh, huyện Lục Yên. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt và nụ cười tươi rói, Trưởng thôn Làng Ro Hoàng Minh Chiến phấn khởi cho biết: “Làng Ro bây giờ đã có tất cả, điện, đường, trường. Vậy là gần 50 năm trôi qua, người dân Làng Ro đã có điện lưới quốc gia về thắp sáng bản làng”.

Rót ly trà nóng mời khách, đôi mắt hướng về phía lòng hồ, nơi mà gần 50 năm về trước, người dân Làng Ro chuyển đi để nhường chỗ cho việc khởi công và xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà và rồi ký ức đau thương về căn bệnh phong quái ác như vẫn còn hiện hữu trên gương mặt người Trưởng thôn.

Giọng chùng lại, đôi mắt đượm buồn, Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến kể: “Ngày ấy, cách đây gần 50 năm, 37 hộ dân trong thôn di dời lên làng để nhường chỗ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Thế rồi căn bệnh phong quái ác ở đâu ập đến, từ một hộ rồi tới 10 hộ bị phong, người làng sợ lây bỏ đi hết. Vì gia đình, vì người thân, nhiều người đã ở lại rồi cứ thế xa dần, biệt lập, không ai dám tới gần vì sợ lây bệnh. Không ai muốn đến Làng Ro, không đường, không điện, không thông tin liên lạc, cũng không có trường học và Làng Ro dần bị lãng quên. Người ta quên mất Làng Ro ngày nào cũng không biết. Thế rồi bệnh phong đã được Nhà nước chữa trị và thanh toán xong, người dân Làng Ro cũng không còn biệt lập như trước nữa. Giờ đây, cả làng đã có 64 hộ dân, sống quây quần đùm bọc thương yêu nhau. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước giúp người dân xóa đói giảm nghèo đã được triển khai tại thôn đã mở ra cuộc sống mới cho người dân”.

Làng Ro giờ đã đổi thay rất nhiều. Những câu chuyện tưởng như chỉ có ở trong mơ nay đã trở thành hiện thực. Những con đường bê tông uốn lượn quanh sườn núi đã về đến tận cuối thôn. Thông thương hàng hóa giờ cũng rất thuận tiện, các sản phẩm nông sản, thủy sản, lâm sản làm ra đều tiêu thụ dễ dàng.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, vi vu trên con đường bê tông chạy dài từ trung tâm xã đến tận cuối Làng Ro, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Hoàng Quang Hòa cho biết: “Để có được con đường ý Đảng, lòng dân như thế này, công lao lớn nhất phải kể đến những người như Bí thư Chi bộ thôn Trương Văn Chiến và Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến”.

Với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước cấp kinh phí để làm đường, còn người dân bỏ công sức giúp các đơn vị thi công hoàn thành nhiệm vụ. Nhân lực, vật lực chỉ có vậy trong khi khối lượng công việc nhiều. Vậy mà với uy tín, sự nhiệt tình của mình, hai đồng chí đã vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia, không quản ngày đêm để tuyến đường được hoàn thành.

Trong quá trình làm đường, 64 hộ dân trong thôn đã đóng góp gần 400 ngày công, trong đó có hơn 24 hộ dân trong làng hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường mà không nhận đồng tiền đền bù nào. Rồi chuyện vận động nhân dân tham gia ngày công giúp Công ty cổ phần Khoáng sản Phan Thanh kéo trạm điện hạ thế về thôn... đều có công lao đóng góp của Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến. Từ khi có con đường, đời sống người dân trong làng đã khác hẳn. Các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được triển khai đến thôn một cách hiệu quả nhờ sự tích cực của những người “đứng mũi chịu sào” của thôn.

Khoát một vòng tay chỉ về phía những triền ruộng xanh ngút ngàn, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Mặc dù đất canh tác nhiều song trước đây, người dân chưa có kiến thức khoa học kỹ thuật nên việc canh tác lạc hậu, manh mún, mạnh ai nấy làm, chỉ trồng vài cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn rồi trồng thêm ít lúa, chăn nuôi cũng chủ yếu là tự cung, tự cấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vậy, năm nào thôn cũng có tới nửa số hộ đói giáp hạt, đứt bữa. Vậy mà nay đã khác, mới chỉ 3 năm trở lại đây, khi kết cấu hạ tầng được đầu tư, có sự tận tình giúp đỡ của cán bộ xã, thôn, người dân đã biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ một thôn nghèo khó nhất thì nay tỷ lệ hộ khá đã tăng lên đáng kể với trên 23%, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt. Nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm với các mô hình kinh tế tổng hợp”.

Chỉ về phía ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang vừa mới khánh thành trị giá tới vài trăm triệu đồng, Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến cho biết đó là gia đình ông Hoàng Minh Tiến, một điển hình làm kinh tế giỏi của thôn cũng là người giàu nhất thôn. Trước kia, khi chưa có đường, gia đình ông Tiến ở tận trong gò đồi, chăn nuôi cũng chỉ manh mún, nhỏ lẻ. Song từ khi đường được mở, thông thương hàng hóa dễ dàng, gia đình ông đã mạnh dạn ra gần đường để phát triển kinh tế gia đình, tập trung phát triển mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi.

Hiện tại, gia đình ông đã có một mô hình kinh tế tổng hợp với 14 con trâu, gần 100 con dê và 10 ha đồi rừng đang đến kỳ thu hoạch. Tổng mức thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng mỗi năm. Dự định sang năm, gia đình ông Tiến sẽ mua chiếc máy xay xát để làm dịch vụ cho nhân dân trong thôn; đồng thời, vay thêm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư mở xưởng bóc gỗ, tạo công ăn việc làm cho những lao động nông nhàn trong thôn. Không chỉ có ông Tiến mà nhiều hộ dân khác trong thôn cũng đang vươn lên phát triển kinh tế gia đình với các mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm như hộ ông Ngôn Văn Lực, ông Hoàng Văn Vinh... với mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi đại gia súc và kinh tế đồi rừng.

Câu chuyện trở nên rôm rả hơn cả khi Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Hòa cho biết thêm, sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, người dân Làng Ro sẽ có điện sinh hoạt bởi trước đó, năm 2015, với sự giúp đỡ của các ban, ngành của tỉnh, của huyện, Công ty cổ phần Khoáng sản Phan Thanh đã kéo một trạm điện hạ thế 75 KVA đến tận trung tâm thôn. Hiện tại, Công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương để làm cột điện kéo đường điện sinh hoạt 0,4 KV về cho nhân dân trong thôn.

Hiện xã cũng có chủ trương mở rộng phát triển các mô hình kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến các mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để tạo bước đột phá nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trong thôn. Có điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn của địa phương. “Chỉ nay mai thôi, số hộ giàu khá của thôn sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba là điều không còn hiếm ở thôn đặc biệt khó khăn này” - Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Hòa khẳng định như vậy.

Nắm chặt tay tôi, Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến cho biết: “Mục tiêu của thôn từ nay đến cuối năm 2016 sẽ đưa số hộ khá giàu lên trên 30%, giảm số hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Điện đã có nên mong muốn của người dân trong làng lúc này là nhờ các ban, ngành chức năng cấp trên tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mua sắm máy móc làm dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, vươn lên thoát nghèo; đồng thời, cũng để giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho những lao động nông nhàn. Bằng giờ này sang năm, mời nhà báo tới thăm Làng Ro chắc là sẽ không kém gì trên phố huyện”.

Chia tay Làng Ro khi ánh bình minh đang ló sáng phía đằng Đông, bao trùm Làng Ro một màu xanh no ấm, tôi tin rằng, nơi đây sẽ bứt phá đi lên khi có những con người năng nổ, nhiệt tình, đầy trách nhiệm chung sức, đồng lòng, sẵn sàng gánh vác trọng trách của mình để Làng Ro ngày thêm no ấm. 

Thanh Tân

Các tin khác
Trên những cánh đồng ở xã Vĩnh Lạc đều có bể rác công cộng.

YBĐT - Giờ ra ngoài đồng cấm thấy cái vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nào vứt lung tung, mọi người đều bỏ vào một cái bể chung được xây ngay tại cánh đồng, sau đó đốt. 

Với 400 thỏ sinh sản, trung bình cứ 3 tháng đàn thỏ của gia đình ông Hiên tăng lên khoảng 2.000 con.

YBĐT - Mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng cho mô hình nuôi thỏ thương phẩm hiện đại, nhiều người cho rằng ông Hiên đã quá mạo hiểm, bởi với số tiền đó, ông có thể yên tâm an nhàn ở cái tuổi 65 bằng cách gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Nhưng tôi hiểu ông Hiên có cơ sở để làm ăn lớn mà không hề “liều” - đó là một sự nắm bắt cơ hội mới.

Toàn cảnh Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc.

YBĐT - Từ một khu đầm lầy chỉ cấy lúa một vụ chưa chắc ăn, nay đã mọc lên một nhà máy may mặc quy mô lớn, hiện đại, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Không chỉ mang lại những lợi ích trong nhà máy như giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động... Sức hấp dẫn của nhà máy còn lan tỏa, kéo thêm đời sống kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn phát triển.

Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Bản Van đang được khẩn trương xây dựng bảo đảm cho nuôi nhốt 30 con gia súc.

YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn vốn có của một xã vùng thượng huyện Văn Chấn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Gia Hội có một số mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi, chè Shan được trồng mới, cải tạo có năng suất, chất lượng cao, những giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục