Yên Bái: Lính cứu hỏa dầm mình trong lũ

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2016 | 8:32:26 AM

YBĐT - Sáng ngày 21/8, nước sông Hồng xuống nhanh, để lại bùn đất nhầy nhụa trên các tuyến phố. Những chiến sỹ quân đội, công an lại xắn quần, xắn áo cùng với nhân dân nạo đất, vét bùn... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh dùng bè cứu sinh đưa người dân vùng lũ tới nơi an toàn.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh dùng bè cứu sinh đưa người dân vùng lũ tới nơi an toàn.

Đã quá quen với hình ảnh những người lính cứu hỏa hăng say luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, dũng cảm lao vào lửa nhằm giải cứu người và tài sản hay dùng những phương tiện hiện đại để dập lửa. Khi cơn bão Thần sét đổ vào Yên Bái, gây ra lũ lụt ở nhiều nơi, trong cơn nguy cấp ấy, người dân đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời, khẩn trương, hiệu quả của lực lượng quân đội, công an; trong đó, có những chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH). Vận động người dân sớm chạy lũ, đưa người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm, khi nước rút lại hăng hái vét đất, rửa bùn cho đường phố sạch - đẹp..., các chiến sỹ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.

Tận mắt chứng kiến những chiến sỹ cảnh sát dùng phao cứu sinh, xuồng cứu hộ đưa người và tài sản của người dân phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ; khi bão tan, nước rút, tôi quyết định làm một phóng sự để nói về ý chí, tinh thần trách nhiệm của những anh lính mang “chiếc mũ màu lửa”; đồng thời, nói lên tình cảm, lòng biết ơn của người dân vùng lũ đối với các anh.

Gặp Đại tá Tạ Khắc Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC66) Công an tỉnh, anh cười vui rồi bảo: “Cán bộ, chiến sỹ cũng vất vả đấy, nhưng anh em đều rèn luyện kỹ từ bản lĩnh chính trị, thể lực và kỹ, chiến thuật nên mọi công việc và mệnh lệnh được giao đều tổ chức thực hiện nghiêm, đạt kết quả tốt. Qua đây, người dân cũng hiểu thêm về chức năng của chúng tôi, ngoài nhiệm vụ PCCC, còn thêm nhiệm vụ hết sức quan trọng khác đó là CNCH”.

Nhận thức rõ chức năng và nhiệm vụ của mình; đồng thời, nhận định tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều sông, suối, thường xuyên diễn ra tình trạng lũ, lụt, sạt lở đất, gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản, những năm qua, lực lượng PC66 Công an Yên Bái đều xây dựng phương án, tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu sát hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có nội dung, thời lượng đáng kể cho việc CNCH khi mưa bão xảy ra, đảm bảo mục tiêu không bị động bất ngờ, lấy phòng làm chính, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại gây ra…

Trở lại với cơn bão số 3 mang tên Thần sét, khi bão còn chưa vào đến đất liền, căn cứ vào dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão, Phòng PC66 đã cử cán bộ phối hợp với các đơn vị chức năng khác thực hiện công tác tuyên truyền đối với các đơn vị, cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Tại cơ quan đơn vị, thực hiện kiểm tra phương tiện PCCC-CNCH đã được cấp như: áo phao, cuốc, xẻng, dây cứu hộ, phao cứu sinh, xuồng cứu hộ, xe ô tô...).

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh đối với việc theo dõi, nắm tình hình mưa lũ, từ đó xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó kịp thời. Đây là khâu được đánh giá là rất quan trọng nhằm bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời và hiệu quả, ưu tiên cứu người và những nơi nguy cấp nhằm phát huy hiệu quả công tác ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Khi nước sông Hồng lên nhanh, uy hiếp nhiều khu dân cư thuộc phường Hồng Hà, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được chuẩn bị, lực lượng PCCC-CNCH Công an tỉnh đã chia làm 3 mũi.

Mũi thứ nhất, do Đại tá Tạ Khắc Hồng trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn tại đường Thanh Niên, khu vực rạp Hồng Hà và phía sau Trường THPT Lý Thường Kiệt. Thượng tá Lê Tiến Dũng chỉ huy lực lượng ứng cứu khu vực đường Trần Hưng Đạo, các tuyến đường ngang (nối đường Trần Hưng Đạo với đường Thanh Niên), khu vực chợ Yên Bái và chợ Yên Ninh. Trung tá Nguyễn Kim Oanh trực tại đơn vị, đồng thời trực tiếp chỉ huy lực lượng cơ động, tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các lực lượng cơ sở khi cần thiết.

Cán bộ, chiến sỹ lao vào vùng lũ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, dùng xuồng, phao cứu sinh, thuyền nan... đưa người qua dòng nước xiết; trong đó, ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ và những đối tượng ốm đau, bệnh tật.

Có thể nói, không ít người dân sinh sống trên đường Thanh Niên, nhất là những nhà bên phía bờ sông Hồng đã khá chủ quan, thấy nền nhà mình cao nên không sơ tán sớm, không chủ động di chuyển tài sản lên cao hoặc đi nơi khác từ khi mực nước còn thấp.

Đến khi nước dâng cao, đường Thanh Niên biến thành dòng nước chảy xiết thì không thể chạy lũ và tự mình di chuyển tài sản. Trong tình huống nguy cấp ấy, đã có lực lượng cứu hộ; cần thiết cứ gọi là các anh lao tới cõng người già, bế trẻ em lên phao, xuồng đưa ngay đến nơi tránh trú. Xe máy, tủ lạnh, máy giặt..., toàn đồ có giá trị và rất dễ hỏng khi ngập nước đã được anh em khiêng lên tầng cao hoặc đưa lên bè mảng vận chuyển đến nơi an toàn.

Được đưa qua dòng nước sâu và chảy xiết mà quần áo không hề ướt, cụ già móm mém hay trẻ nhỏ lên 5 đều cảm phục và nói lời cảm ơn nhưng đáp lại chỉ là một nụ cười thân thiện rồi các anh lại lao qua bờ bên kia khi có tiếng gọi cần giúp đỡ. Chị Diệu Thúy - nhà trên đường Thanh Niên vừa được các chiến sỹ công an đưa đồ đạc lên tầng hai và vận chuyển hai xe máy lên thuyền đưa tới đường Nguyễn Du đã nói: “May quá, không có các anh, mẹ con tôi chẳng biết làm thế nào nữa”.

Đêm 20/8/2016, khi mà cả thành phố đã chìm trong giấc ngủ thì hàng trăm đồng chí bộ đội, công an; trong đó, có hàng chục cán bộ, chiến sỹ cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Yên Bái vẫn thức để ứng trực tại các điểm nguy hiểm và tuần tra bằng xuồng trên các tuyến phố.

Lực lượng công an cùng với cán bộ chính quyền địa phương vận động người dân không ở lại qua đêm trong vùng nguy hiểm.

Thượng tá Lê Tiến Dũng - Phó trưởng Phòng PC66 cho biết: “Thiên tai không thể chủ quan được, ngay cả khi nước bắt đầu rút, chúng tôi vẫn bố trí người và phương tiện ứng trực đầy đủ, thứ nhất là để góp phần bảo đảm trật tự an ninh, tiếp đó là đề phòng nhà dân sụt lún, nứt đổ, cần mình ứng cứu”.

Rất may, đêm đó không có sự cố nào xảy ra, tình hình an ninh trật tự bảo đảm. Mắt cũng đã cay xè vì thức trắng, người cũng đã thấm mệt vì ngâm nước lạnh sông Hồng nhưng các chiến sỹ không một lời kêu ca bởi “thức cho dân ngủ” đã là truyền thống của lực lượng công an nhân dân hơn 70 năm qua.

Sáng ngày 21/8, nước sông Hồng xuống nhanh, để lại bùn đất nhầy nhụa trên các tuyến phố. Những chiến sỹ quân đội, công an lại xắn quần, xắn áo cùng với nhân dân nạo đất, vét bùn. Lúc này, xe cứu hỏa, máy bơm của Phòng PC66 đã phát huy hiệu quả khi tham ra làm vệ sinh, rửa dọn bùn đất, đặc biệt là khu vực ngã ba, ngã tư, khu công cộng không có nhà dân sinh sống. Công sức của cán bộ, chiến sỹ và người dân bỏ ra, mồ hôi đổ xuống là các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Trần Nguyên Hãn... lại khang trang, sạch - đẹp, để người dân phấn khởi thêm yêu thành phố quê hương mình.

Ông Nguyễn Văn Thái - Bí thư Chi bộ phố Hồng Thái, phường Hồng Hà tâm sự: “Xin được thay mặt bà con cảm ơn các cán bộ, chiến sỹ nhiều lắm. Lũ trên diện rộng, nhà nào cũng ngập nên huy động lực lượng tại chỗ là không thể, trong lúc khó khăn, người dân đã có chỗ dựa vững chắc là lực lượng quân đội và những chiến sỹ công an”.

Vẫn những gương mặt thân quen dầm mình trong lũ để giúp dân mấy hôm trước, hôm nay, lại bắt tay vào sắp xếp phương tiện, bảo dưỡng công cụ, tổ chức ứng trực, sẵn sàng chờ lệnh khi thiên tai, địch họa xảy ra.

 Lê Phiên

Các tin khác
Giã bánh dày trong lễ hội chợ phiên của đồng bào Mông Mù Cang Chải thu hút rất đông du khách. (Ảnh: Mai Linh)

YBĐT - Những năm gần đây, cụm từ “kinh tế du lịch” đã trở nên quen thuộc với người dân Yên Bái. Thậm chí, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những cách làm mô hình du lịch cộng đồng vô cùng sáng tạo, phong phú, hấp dẫn thu hút du khách.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn mỗi năm cho thu nhập 120 triệu đồng.

YBĐT - Năm 2007, từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu đến nay huyện Yên Bình có trên 450 lồng nuôi cá và 120 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Với chủ trương đúng, cách làm hay, việc phát triển và nuôi cá lồng không chỉ giúp ngư dân nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.

Ông Nguyễn Thu Hưởng giới thiệu mô hình nuôi ong của gia đình.

YBĐT - Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: “Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. “Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.

Lãnh đạo, cán bộ xã Đào Thịnh cùng cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Trấn Yên kiểm tra việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại thôn 3.

YBĐT - Trả lời câu hỏi về quan điểm của địa phương khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Đào Thịnh- Chu Đức Hiền  thẳng thắn bày tỏ: “Không làm gì quá sức dân, không vội vàng, không dồn dập, tạo cho người dân sự đều đều trong các khoản đóng góp”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục