Chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà: Cú hích hợp lòng dân
- Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2016 | 7:50:44 AM
YBĐT - Năm 2007, từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu đến nay huyện Yên Bình có trên 450 lồng nuôi cá và 120 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Với chủ trương đúng, cách làm hay, việc phát triển và nuôi cá lồng không chỉ giúp ngư dân nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn mỗi năm cho thu nhập 120 triệu đồng.
|
Giàu lên từ nuôi cá
Dù đã hẹn nhưng vì trời mưa nên phải sau hơn một tuần tôi với chị Phùng Thế Hồng - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Yên Bình mới đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn. Có hẹn, anh Đông đánh thuyền đợi chúng tôi tại bến Tân Minh (bến cá Tân Minh thuộc xã Mông Sơn).
Sau hơn 30 phút lênh đênh trên mặt hồ, trước mắt chúng tôi hiện ra chiếc nhà bè, xung quanh là những lồng cá được đầu tư khá công phu của anh Nguyễn Văn Đông. Nói đến gia cảnh của anh Đông, người dân sống ở vùng này không ai lạ gì. Bởi trước đây cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng giờ đây gia đình anh đã là hộ khá giả trong thôn.
- Điều gì làm cho đời sống của gia đình anh đổi thay nhanh vậy? Tôi gợi chuyện.
- Tất cả là nhờ nuôi cá lồng chú ạ! Anh Đông thành thật chia sẻ rồi cởi mở chuyện:
- Trước đây gia đình mình gặp không ít khó, đất nông nghiệp ít. Nhận thấy tiềm năng từ lòng hồ Thác Bà, nhất là nguồn nước, nguồn thức ăn nuôi cá dễ kiếm. Đầu năm 2015, gia đình mình đã mạnh dạn vay mượn đầu tư 6 lồng nuôi cá nheo. Ngay từ vụ cá đầu mình đã thu về hơn 4 tấn, trừ chi phí cũng lãi hơn 120 triệu đồng.
Và rồi nhận thấy nuôi cá lồng cho hiệu quả về kinh tế cao, đầu năm 2016 theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Đông đăng ký thực hiện đóng mới 14 lồng để nuôi đa dạng các loại cá như: nheo, chép, rô phi, trắm cỏ... “Cứ đà này và có đầu ra ổn định thì ngư dân nuôi cá lồng trên hồ sẽ giàu”. Anh Đông phấn khởi nói.
Tôi nghe mà thấy mừng cho bà con, bởi nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà không khó, chỉ mất công chăm sóc, trông coi, bỏ tiền mua giống ban đầu, trong khi đó nguồn thức ăn trên hồ đa dạng, phong phú dễ kiếm mà lợi nhuận kinh tế hàng năm từ cá mang về cao gấp 4 - 5 lần so với việc nuôi và trồng các loại cây, con khác.
Chia tay anh Đông, con thuyền nhỏ lướt sóng đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Trần Văn Từ ở thôn Minh Tân, xã Mông Sơn. Mấy năm trước đây gia đình anh Từ luôn phải vất vả lo cho cuộc sống thường nhật. Khi đất sản xuất nông nghiệp ít, quanh năm chỉ trông chờ vào việc đánh bắt cá, tôm trên hồ và buôn bán nhỏ tại bến cá Tân Minh.
Đầu năm 2016, anh quyết định vay mượn vốn để đầu tư nhà bè và đóng 4 lồng nuôi cá trắm cỏ, nheo, lăng. Sau hơn 7 tháng nuôi, 4 lồng cá đã thu về cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. “Nuôi cá lồng trên hồ không khó, thức ăn có sẵn như tép dầu, cỏ, nguồn nước sạch, ít dịch bệnh nên cá lớn nhanh. Đầu ra chủ yếu là bán lẻ, tuy bán hơi chậm nhưng cũng được giá. Hiện mình đang đóng mới 10 lồng. Nhờ nuôi cá mà gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu” - anh Từ vui mừng cho biết.
Tận dụng được nguồn nước và thức ăn sẵn có, đến nay nhiều hộ dân ở xã Mông Sơn đã chuyển hướng đầu tư nuôi cá lồng, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đồng chí Vũ Quang Ưng - Phó Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho biết: “Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay toàn xã có 12 hộ đầu tư nuôi cá với 80 lồng và 1 mô hình quây lưới nuôi cá với diện tích 4,5 ha.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã đề ra chỉ tiêu đóng mới 60 lồng cá, vậy mà chỉ trong năm 2016, người dân đăng ký và đóng mới được 24/ 60 lồng. Đặc biệt, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân 10 triệu đồng/ lồng thì nhu cầu đóng lồng mới để nuôi cá trên hồ Thác Bà ngày càng tăng”. Mạnh dạn “dám nghĩ dám làm” cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, hầu hết các chủ hộ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã vươn lên làm giàu, có cuộc sống khá giả.
Chính sách thiết thực
Yên Bình có 20 xã, thị trấn có diện tích mặt nước hồ Thác Bà, với khoảng trên 2.000 ngư dân chiếm 15% dân số ven hồ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng đánh bắt tôm, cá tự nhiên trên hồ trong 5 năm trở lại đây đạt từ 2.000 - 2.500 tấn/ năm.
Nhận thấy tiềm năng từ lòng hồ Thác Bà đem lại rất lớn, nhất là đầu tư phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Yên Bình đã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liền với tiềm năng của vùng hồ. Trong đó, nuôi cá lồng là chủ trương lớn, đúng, sát với thực tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhờ vậy, từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu, đến nay toàn huyện có trên 450 lồng nuôi cá, 120 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà với giống cá nuôi chủ yếu: rô phi, nheo, trắm cỏ, chim trắng... tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Ninh, Mỹ Gia, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Hán Đà, thị trấn Thác Bà, Thịnh Hưng, thị trấn Yên Bình, Mông Sơn.
Theo đánh giá thực tế của các nhà chuyên môn và ngư dân nuôi cá, mỗi lồng cá sau 8 tháng nuôi cho sản lượng cá thịt trung bình từ 5 - 6 tạ cá/ lồng, cho thu nhập từ 20 - 75 triệu đồng/ lồng; còn nuôi cá bằng biện pháp quây lưới cho hiệu quả kinh tế từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.
Hiệu quả từ việc nuôi cá lồng mang lại cho người dân là rất khả quan, tuy nhiên việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là, hầu hết việc nuôi cá lồng của người dân còn theo kiểu truyền thống, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng còn hạn chế.
Mặt khác, hệ thống đường giao thông lên các vùng nuôi cá lồng trên hồ xa xôi, hiểm trở, gây khó khăn cho việc cung cấp con giống và vận chuyển thủy sản đi tiêu thụ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ ít, trong khi nội lực để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể khai thác hết tiềm năng dồi dào của hồ Thác Bà...
Nắm bắt được những hạn chế đó, trong thời gian qua UBND tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối với người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2008 - 2015 toàn huyện Yên Bình được tỉnh hỗ trợ đóng mới 333 lồng nuôi cá với tổng kinh phí hỗ trợ 1.047 triệu đồng. Trong đó, từ năm 2008 - 2014 hỗ trợ 309 lồng với định mức hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng; năm 2015 hỗ trợ 24 lồng với định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng; hỗ trợ quây lưới 42 ha với định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ ha với tổng kinh phí hỗ trợ 420 triệu đồng; năm 2016 tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đóng mới 188 lồng với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ lồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình phấn khởi cho biết: “Trong nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm và hỗ trợ cho người dân Yên Bình trong việc nuôi trồng thủy sản. Đây là cú hích quan trọng, hợp lòng dân. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh mà các hộ nuôi cá lồng không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng”.
Với chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế nói chung và đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà nói riêng đã tạo được sự đồng thuận, cho ngư dân cái “cần câu” để phát triển và nhân rộng các mô hình. Anh Nguyễn Quang Trung ở thị trấn Yên Bình tâm sự: “Được sự hỗ trợ của tỉnh, mình đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 20 lồng nuôi cá, đây là nguồn vốn lớn nên gia đình mình đã tập trung cao độ vào làm ăn để không phụ sự quan tâm của Nhà nước”.
Cũng như anh Trung, gia đình Nguyễn Văn Đông ở xã Mông Sơn khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, anh đã đăng ký đóng mới 14 lồng để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế và đến nay các lồng nuôi cá của gia đình đều phát huy hiệu quả kinh tế.
Rõ ràng, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo công ăn việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân chăn nuôi thủy sản, góp phần tăng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, giảm áp lực khai thác cá ngoài tự nhiên. Đặc biệt, người dân từng bước nâng cao được ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường nuôi, tránh được dịch bệnh xảy ra, cho sản phẩm cá sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, phát triển ổn định và bền vững.
Vĩ thanh
Mục tiêu đến năm 2020, Yên Bình phấn đấu có 500 lồng nuôi cá, 400 ha cá quây lưới, sản lượng thủy sản khai thác đạt 6.350 tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt 3.800 tấn, sản lượng đánh bắt tự nhiên 2.550 tấn. Với nhu cầu thực tế của người dân thì mục tiêu mà huyện Yên Bình phấn đấu sẽ sớm về đích trước thời gian.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là vấn đề quy hoạch, giải pháp và đầu ra cho sản phẩm cá đang được các chủ hộ nuôi cá quan tâm, lo lắng. Bởi hiện tại, sản phẩm của họ đang bán tự do, chưa có nơi để bao tiêu sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Đông ở xã Mông Sơn tâm sự: “Gia đình tôi có thể nuôi tới 50 lồng, mỗi năm ước đạt 40 - 50 tấn cá nhưng cái khó nhất là đầu ra. Bởi từ đầu năm đến nay gia đình tôi nuôi được hơn 6 tấn cá nhưng chỉ bán lẻ, bán tự do, một ngày bán từ 30 - 50 kg cá”.
Tâm sự của anh Đông cũng là nỗi niềm của hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Họ cho rằng, hiện tại quy mô sản lượng nhỏ, chủ yếu người nuôi tự khai thác thị trường. Nhưng một vài năm tới khi quy mô và số lượng người nuôi nhiều, sản lượng tăng mạnh thì đây lại là cả vấn đề đáng lo ngại.
Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với các giải pháp về giống, vấn đề phát triển, nuôi trồng, hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, thâm canh công nghệ cao; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, huyện Yên Bình cần nghiên cứu và phối hợp với các sở, ban ngành để xây dựng thương hiệu sản phẩm cá hồ Thác Bà; nghiên cứu, áp dụng hình thức sơ chế, chế biến sản xuất quy mô nhỏ; hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản bảo quản sản phẩm sau thu hoạch tại nông hộ để tạo giá trị gia tăng giúp ổn định sản xuất thông qua các đơn đặt hàng, các hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và làm tốt công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản của hồ Thác Bà... Có như vậy, người dân mới yên tâm gắn bó lâu dài với nghề nuôi cá lồng.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: “Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. “Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.
YBĐT - Trả lời câu hỏi về quan điểm của địa phương khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Đào Thịnh- Chu Đức Hiền thẳng thắn bày tỏ: “Không làm gì quá sức dân, không vội vàng, không dồn dập, tạo cho người dân sự đều đều trong các khoản đóng góp”.
YBĐT - Cái tên Giàng A Phử - thôn Sài Lương 4, xã An Lương (Văn Chấn) được nhiều người biết đến là một đảng viên người Mông tiên phong, đi đầu trong việc vượt qua khó khăn mở mang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng rừng quế bạt ngàn.
YBĐT - “Em yêu cây lắm! Từ bé em đã theo ông nội ra vườn. Học xong cấp III em muốn thử sức, được đi học chuyên nghiệp cho bằng bạn bằng bè. Nhưng niềm đam mê kinh doanh như đã “ăn” vào máu, thôi thúc em về quê hương lập nghiệp” - đó là tâm sự của Hà Mạnh Đức, chàng giám đốc 22 tuổi của Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái, ở thôn 3 Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.