Xây dựng nông thôn mới ở Đào Thịnh: Đích đến đã gần
- Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2016 | 8:44:38 AM
YBĐT - Trả lời câu hỏi về quan điểm của địa phương khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Đào Thịnh- Chu Đức Hiền thẳng thắn bày tỏ: “Không làm gì quá sức dân, không vội vàng, không dồn dập, tạo cho người dân sự đều đều trong các khoản đóng góp”.
Lãnh đạo, cán bộ xã Đào Thịnh cùng cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Trấn Yên kiểm tra việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại thôn 3.
|
- Thôn 7 “sốt” lắm rồi vì thôn 3 và thôn 5 đã làm từ mấy hôm nay, Chủ tịch cho chúng tôi khởi công đi thôi! - vừa bước vào phòng, ông Trưởng thôn Nguyễn Hải Nhiên đã “sôi sục”.
Anh Chu Đức Hiền - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đáp ngay: - Không “sốt” mới lạ! Nhưng phần mặt bằng của các anh đã thật sự ổn chưa? Tôi lo nhất khoản này đấy!
- Tất tật đâu đã vào đấy, tiền góp xong, nền đường xong, mọi người còn đang tính thuê máy làm đường, xin báo cáo anh!
- Tùy vào sự thống nhất của bà con, các anh cứ triển khai. Điều quan trọng nhất vẫn là đừng để người dân phải gắng hết sức thì rất mệt về sau này, “hồi sức” dân còn khó hơn cả cố sức!
- Đương nhiên cũng khó tránh khỏi vài đôi hộ còn “lững thững” nhưng đã 3 lần thôn họp, nhân dân đồng thuận cao, Chủ tịch cứ yên tâm!
Sang tháng Tám âm lịch đã bước vào vụ thu hoạch quế nên người dân thôn 7 quyết tâm bê tông hóa xong toàn bộ 1,2 km đường trong dịp này có sự hỗ trợ cát, sỏi, xi măng của Nhà nước.
Nhanh chóng đến rồi cũng nhanh chóng đi, ông Nhiên mang theo ý nguyện và mong ước của người dân về một con đường sớm thành hình hài đẹp đẽ chỉ nay mai sẽ hiện hữu ở thôn mình.
Năm 2016, xã Đào Thịnh được đầu tư xây dựng 5 km đường giao thông nông thôn tại các thôn 1, 2, 3, 5, 7. Đây là một trong số bốn tiêu chí còn lại mà xã đang phấn đấu hoàn thành để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cuối năm nay.
Các tuyến đường bê tông khi hoàn thành sẽ cắm biển tuyến đường giao thông nông thôn tự quản và giao cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phụ trách. Nội dung này được coi là một tiêu chí thi đua của các tổ chức đoàn thể, các thôn, các chi bộ và Đảng ủy viên phụ trách thôn.
Trong câu chuyện về quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Chủ tịch Chu Đức Hiền chia sẻ nhiều tâm tư. Có trăn trở và nhiệt huyết của một người lãnh đạo, anh còn có cả ước vọng và tình cảm của một người con với quê hương của mình.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của địa phương khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, anh thẳng thắn bày tỏ: “Không làm gì quá sức dân, không vội vàng, không dồn dập, tạo cho người dân sự đều đều trong các khoản đóng góp”.
Để “kích cầu” và “tiếp lửa”, xã Đào Thịnh xác định hai vùng kinh tế và có định hướng phát triển hiệu quả dựa vào các thế mạnh riêng. Bám theo trục đường Yên Bái - Khe Sang, các thôn 1, 2, 3, 4 tập trung phát triển dịch vụ, thương mại và sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất soi bãi nằm trong mục đích chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.
Chủ động cân đối, tiết kiệm ngân sách, xã cấp không giống dâu và chỉ đạo Hội Nông dân xã vay phân trả chậm hỗ trợ người trồng. 12,6 ha dâu tại thời điểm giữa năm 2016 thì có 9 ha cho nuôi tằm với 2 tấn sản lượng kén tằm, giá trị thu nhập đạt trên 170 triệu đồng.
Rõ ràng thu nhập khá hơn trồng lúa không phải ít và đó cũng là cơ sở để người dân có thêm sức đóng góp trở lại để xây dựng địa phương. Vùng còn lại với các thôn 5, 6, 7 là tập trung phát triển trồng rừng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng.
Quế là loại cây chủ lực của Đào Thịnh bởi người dân trồng quế đã lâu, cho hiệu quả cao. Tiếp tục giúp người dân có thêm kiến thức chăm sóc, bảo vệ nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và nếu như trước đây, cây quế cứ lớn tự nhiên thì nay đã được đầu tư chăm sóc tốt hơn nhiều.
Đào Thịnh cũng tạo điều kiện cho nhân dân mở các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng và sản phẩm từ quế. Việc tạo điều kiện thể hiện ở công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất cũng như tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng.
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn 6, xã Đào Thịnh đã được chỉnh trang.
Bảo vệ môi trường luôn đi cùng với phát triển kinh tế, hơn 200 hộ dân nằm theo trục đường Yên Bái - Khe Sang đã đóng góp 50.000 đồng mỗi hộ xây dựng hố rác tập trung; còn những hộ khác đều tự làm, có thể mỗi hộ một hố rác, mỗi xóm chung một hố rác.
Không còn hình ảnh túi ni - lông phập phều khắp con ngòi Đào Thịnh như trước mà là dòng nước sạch, trong nhờ những hố rác ở khắp các thôn, trên các cánh đồng. Hiện nay, cả xã đã có 547 hố rác. Địa phương quy định ngày 14 hàng tháng là nhân dân các thôn dành một buổi chiều để thực hiện vệ sinh môi trường với sự trực tiếp chỉ đạo của cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn.
Cuối năm 2015, Ủy ban nhân dân xã Đào Thịnh xây dựng Quy chế tổ chức lễ tang và sử dụng nghĩa trang nhân dân đồng thời tiến hành chỉnh trang Nghĩa trang Gốc Vối, cụ thể là láng bê tông đường vào và đường trong nghĩa trang. Nguồn tiết kiệm của xã cùng vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ cát, sỏi cộng với huy động nhân dân góp công, góp 2 tạ xi măng đã hoàn thành hạng mục đường.
Còn một số hạng mục khác cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện như nhà để xe, lư hương... nhưng xã đã tạm dừng để dành nguồn lực trong dân làm đường giao thông nông thôn năm 2016. Các thôn nằm trong kế hoạch làm đường năm nay đã chính thức khởi công từ giữa tháng Sáu âm lịch tranh thủ thời tiết thuận lợi.
Chủ tịch Chu Đức Hiền nói rằng nếu nghiên cứu kỹ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì chỉ một ý trong đó cũng phải cần rất nhiều công sức mới có thể làm được. Đi từng bước nhỏ mà chắc chắn, phù hợp với sức dân mới là điều đáng quan tâm nhất, tránh tình trạng người dân phải nợ nần.
Đảng ủy, chính quyền xã Đào Thịnh đã chỉ đạo các thôn vận động nhân dân tự chỉnh trang nhà ở, bờ rào, đường ngõ xóm làng. Đặc biệt, các cụm dân cư đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Trục đường Yên Bái - Khe Sang đoạn chạy qua địa bàn Đào Thịnh, người dân thôn 2, 3 đã lắp 26 bóng điện com-pắc trên đoạn đường dài 1 km tại các cột điện với sự cho phép của Điện lực Trấn Yên đúng dịp 30/4/2016.
Tổng vốn đầu tư lắp đặt hệ thống đèn đường là 44 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 200.000 đồng mỗi hộ, còn lại xã hỗ trợ 21 triệu đồng. Mùa hè, đèn đường bật lúc 19 giờ, 23 giờ tắt và mùa đông sớm hơn một tiếng, nếu gia đình nào có việc hiếu hỉ, lễ tết... thì sẽ thắp sáng suốt đêm.
Với hệ thống này, mỗi gia đình sẽ đóng thêm tiền điện theo chỉ số công tơ riêng, mức bình quân khoảng 2.000 đồng một tháng. Người dân hai thôn khu trung tâm đã đề nghị xã cho lắp đặt hệ thống đèn đường từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Nhận thấy năm 2015, người dân trong khu đã đóng góp làm hơn 2 km đường giao thông nông thôn cùng với góp công, góp của chỉnh trang Nghĩa trang Gốc Vối nên xã quyết định lùi lại sang cuối tháng Tư.
“Biết tâm lý người dân muốn chỉnh trang đón năm mới song chúng tôi quyết định như vậy bởi để lúc nào người dân cũng thấy nhẹ nhàng với việc đóng góp” là lý giải của anh Hiền. Ngay như thôn 1 cũng muốn lắp hệ thống đèn đường nhưng xã chưa đồng ý cho làm trong năm nay vì từ đầu năm 2016, người dân đã đóng góp đủ tiền làm đường giao thông nông thôn và xây lại nhà văn hóa.
Xây nhà văn hóa, thôn đã đóng góp 140 triệu đồng và dự kiến xong trước ngày 18/11 tới. Thôn 4 cũng xin lắp từ năm ngoái song đến giữa tháng Bảy vừa rồi mới được xã cho triển khai vì năm 2015 đã làm 600 m đường rồi chỉnh trang, mở rộng khuôn viên, xây rào, cổng, làm sân nhà văn hóa.
Thôn 5, thôn 7 cũng vậy bởi xã đã tính mọi khoản đóng góp từng năm, xem năm trước, ước năm sau để liệu sức dân bởi ngoài thôn 2, thôn 3 có hỗ trợ của xã thì các thôn còn lại phải tự lo toàn bộ chi phí. Nhất là thời điểm này chuẩn bị vào năm học mới, vấn đề các gia đình cần quan tâm trước hết phải mua sắm đầy đủ sách vở, quần áo cho con đến trường. Riêng thôn 6 đã triển khai lắp đặt từ cuối tháng Bảy vì năm nay không có khoản đóng góp lớn, đường đã xong, nhà văn hóa cũng đã chỉnh trang xong từ năm trước.
Quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 này, Đào Thịnh đã và đang đi từng bước thận trọng, chắc chắn và hợp lý. Việc đã làm được thì phải duy trì tốt, việc đang cố gắng sẽ phải thực hiện tốt.
Chủ tịch Chu Đức Hiền khẳng định: “Bức tranh nông thôn mới tươi đẹp thật nhưng đâu dễ thực hiện. Sẽ không có nông thôn mới nếu nhân dân không ủng hộ, nhân dân không hài lòng, nhân dân không công nhận. Nông thôn mới, dân xây dựng, dân thụ hưởng. Vậy nên nông thôn mới sẽ chỉ đẹp khi nhân dân ấm no, hạnh phúc, nhất là không phải nợ một đồng nào mới thực chất”.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Cái tên Giàng A Phử - thôn Sài Lương 4, xã An Lương (Văn Chấn) được nhiều người biết đến là một đảng viên người Mông tiên phong, đi đầu trong việc vượt qua khó khăn mở mang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng rừng quế bạt ngàn.
YBĐT - “Em yêu cây lắm! Từ bé em đã theo ông nội ra vườn. Học xong cấp III em muốn thử sức, được đi học chuyên nghiệp cho bằng bạn bằng bè. Nhưng niềm đam mê kinh doanh như đã “ăn” vào máu, thôi thúc em về quê hương lập nghiệp” - đó là tâm sự của Hà Mạnh Đức, chàng giám đốc 22 tuổi của Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái, ở thôn 3 Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.
YBĐT - A Mua vừa đi chợ huyện mua sắm ít vật dụng cho gia đình. Quay sang tôi, A Mua cười bảo: “Nhờ cái giống ngô mà cuộc sống gia đình mình đã thoát nghèo, với 3.000 m2 ruộng để cấy lúa lấy lương thực còn 2 ha ngô đồi mỗi năm gia đình mình trồng 2 vụ để phát triển chăn nuôi và bán để lấy tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình”.
YBĐT - Lúa mì chỉ là 1 trong 2 loại cây trồng mới mà huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ tại cánh đồng Nậm Khắt ở vụ đông 2015 - 2016.