Đổi thay nơi non cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/7/2017 | 7:52:39 AM

YBĐT - Nhắc tới huyện vùng cao này, trong mỗi câu chuyện trước đây, người ta thường nói về sự đói nghèo, lạc hậu và vẫn nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thế nhưng, giờ đây đã có một Trạm Tấu đổi thay, từ trong đói nghèo, dần vươn lên phát triển, có cuộc sống no ấm.

Anh Lường Văn Sai - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu (thứ 3 bên trái) hướng dẫn bà con cách phát hiện, phòng chống sâu bệnh hại lúa.
Anh Lường Văn Sai - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu (thứ 3 bên trái) hướng dẫn bà con cách phát hiện, phòng chống sâu bệnh hại lúa.

Trạm Tấu - huyện vùng cao với núi non trùng điệp, khí hậu khắc nghiệt với mùa đông sương giá và mùa hè gió Phơn Tây Nam khô nóng. Trạm Tấu cũng là huyện có tới hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông sinh sống.

Trở lại Trạm Tấu lần này, đúng dịp những cơn gió Phơn Tây Nam mà dân địa phương gọi là gió "Lào" khô, nóng đến ngạt thở nhưng cảm nhận rõ nhất của chúng tôi  là sự đổi thay nhanh chóng của huyện vùng cao này. Từ khắp thị trấn đến các bản làng đều khoác lên mình màu áo mới, với đường bê tông đã được trải dài đến trung tâm xã, xe ô tô đã đi lại được trong suốt 4 mùa.

Màu xanh bạt ngàn của ngô, cây sơn tra đang độ sung sức, màu vàng óng của những ruộng lúa đang mùa gặt; nhiều ngôi nhà xây khang trang, kiên cố 2 - 3 tầng mọc lên san sát; trong góc bếp, góc nhà của người Mông, lúa ngô đầy bồ, con cháu được học hành đến nơi đến chốn.

Quan trọng hơn cả là, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng cao; nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới, sinh nhiều con... gần như đã được xóa bỏ. Để có được những thành công trên, phải kể đến sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, mà trước hết đó là thành quả của việc chuyển đổi mô hình sản xuất thâm canh, tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của huyện Trạm Tấu những năm gần đây.

Đã hẹn trước với ông Nguyễn Thành Hưng - Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trạm Tấu, chúng tôi đến thẳng cơ quan ông. Ông Hưng đón tiếp chúng tôi thật thân thiện và từ con người ông luôn toát lên tình cảm chân thành, mộc mạc. Ông tâm sự: "Đã xác định gắn bó với công việc của một cán bộ nông nghiệp ở vùng cao, chúng tôi từ lãnh đạo đến nhân viên lúc nào cũng sẵn sàng về với dân, gắn bó với dân. Không nói quá, chứ để dân mến, dân tin và lại là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thì chúng tôi phải nỗ lực gấp năm, gấp mười lần những nơi khác. Nói để người ta tin mình thì mình phải gương mẫu, tận tụy làm trước họ mới tin".

Như để minh chứng cho những lời mình nói, ông Hưng cho biết thêm: mùa đông, có sương muối, tuyết rơi, không kể thứ Bảy, Chủ nhật cả Phòng có 9 người đều chia nhau lần lượt xuống từng xã, thôn, bản hướng dẫn dân chống rét cho cây trồng, vật nuôi, góp phần giúp bà con hạn chế được rất nhiều thiệt hại. Thấy thời tiết khắc nghiệt như vậy mà cán bộ vẫn bám bản, người dân xúc động lắm, nên cán bộ nông nghiệp rất thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động và nói dân đều nghe theo hướng dẫn.

Vào mùa mưa bão, Phòng đều cử cán bộ túc trực 24/24 giờ. Dù bão, gió giật mà nhận được tin ở bản này, bản kia có sạt lở đất là cán bộ Phòng ngay lập tức trực tiếp xuống hiện trường cùng với chính quyền cơ sở chỉ đạo khắc phục khó khăn cùng nhân dân. Trong cơ quan lúc nào cũng luôn sẵn sàng ủng, áo mưa, đèn pin cho cán bộ đi cơ sở.

Trong cuộc trò chuyện, được biết đoàn cán bộ Phòng NN&PTNT chuẩn bị đi kiểm tra tình hình sản xuất ở cơ sở, tôi ngỏ ý xin đi cùng. Cảnh quan trên đường đi lên cánh đồng Tàng Ghênh, xã Bản Mù đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Con đường đất đá năm nào giờ đã được bê tông hóa. Từ thị trấn lên cánh đồng Tàng Ghênh khoảng 15 km thì có tới 12 km đường bê tông, 3 km còn lại là đường đất nhưng đã được mở rộng, dễ đi.

Chở tôi trên chiếc xe Win chuyên dụng cho đường đèo dốc, anh Lường Văn Sai vừa đi vừa tâm sự: "Mấy năm trước vận động nhân dân chuyển đổi từ ruộng 1 vụ sang 2 vụ là cả một quá trình đầy khó khăn. Bình thường, dân vẫn canh tác vụ lúa mùa, nhưng sang vụ xuân, thời điểm cấy trước hoặc sau tết thời tiết rất rét nên nhân dân không làm. Cả Phòng chúng tôi, đã cùng với lãnh đạo các xã, xuống từng thôn, bản, hộ gia đình vận động, hướng dẫn và trực tiếp ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa làm mô hình cho dân và vận động cán bộ xã, thôn làm trước để nhân dân học tập làm theo. Dần dần, nhân dân thấy hiệu quả và hiểu vụ xuân dù trời rét, có khắc nghiệt nhưng lại ít sâu bệnh hơn, năng suất hơn và cứ thế dân làm theo. Nhiều người vẫn nghĩ làm cán bộ thì mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, nhưng công việc của chúng tôi là thế, không đơn giản chỉ là ngồi bàn giấy đâu".

Mải mê chuyện trò, chúng tôi đến Tàng Ghênh lúc nào không hay. Trên lưng chừng núi là cánh đồng lúa bạt ngàn. Thông thuộc mọi nơi chẳng khác gì dân bản địa, anh Sai cho biết, để có cánh đồng hơn 200 ha chín vàng này là cả một quá trình vận động không ít khó khăn của nhiều cơ quan, ban, ngành huyện Trạm Tấu; trong đó, cán bộ Phòng Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Thấp thoáng từ xa, bên các thửa ruộng từng tốp người Mông gặt lúa, gió đưa hương lúa chín thơm ngào ngạt quyện vào mùi nắng tạo thành thứ mùi đặc trưng riêng của núi đồi.

Gặp Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù -  Giàng A Phông, anh cười nói: "Nhờ có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp, chúng tôi đã chuyển đổi thành công diện tích canh tác lúa trên địa bàn sang 2 vụ. Trước kia khó khăn lắm, mình đi vận động mãi dân chả nghe. Cánh đồng rộng thế này chỉ cấy 1 vụ, cỏ mọc um tùm nhưng giờ cấy 2 vụ nhà nào cũng nhiều thóc, nhiều ngô lắm".

Nhớ lại quãng thời gian dài cán bộ xuống tận bản cầm tay chỉ việc, hướng dẫn làm mẫu cho bà con, ông Phông cho biết thêm: "Bây giờ người dân ý thức lắm, chả phải vận động gì cứ thế làm thôi. Mấy năm trước, mỗi vụ giáp hạt, phải có đến 30% dân số của xã nhận hỗ trợ gạo cứu đói, nhưng bây giờ chỉ phải trợ cấp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thôi, còn gia đình có lao động là không phải hỗ trợ lúa gạo nữa rồi. Có của ăn của để, hầu như gia đình nào cũng có xe máy để đi lại, không có xe đẹp thì cũng có chiếc xe Win. Mừng lắm cán bộ à!".

Rời cánh đồng Tàng Ghênh, ngược qua thị trấn, chúng tôi đến với những nương ngô bạt ngàn của xã Bản Công. Đồi nối tiếp đồi, màu xanh nối tiếp màu xanh, những bắp ngô to, căng tròn báo hiệu một mùa màng bội thu.

Anh Hảng A Tủa - người dân xã Bản Công hồ hởi chia sẻ: "Nhà báo xem, giống ngô AG59 và LVN 885 mới này năng suất tăng hơn hẳn. Sang tuần là được thu hoạch rồi. Vụ ngô này thắng lợi vừa để chăn nuôi và còn thừa thì bán để có thêm tiền sinh hoạt. Cứ trồng trọt, chăn nuôi liên tiếp như thế này thì không đói nữa đâu à".

Ông Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công phấn khởi cho biết: "Được hướng dẫn chuyển đổi gieo cấy sang 2 vụ và chuyển đổi giống mới. Vụ xuân này, xã Bản Công có 165 ha ngô, gần 210 ha lúa, 100% đều là giống lai đem lại năng suất, chất lượng cao. Lúa năm nay rất được mùa, mọi người đang tiến hành gặt và ngô thì khoảng 1 tuần nữa mới thu hoạch nhưng dự đoán sẽ là một mùa bội thu, nhân dân phấn khởi lắm. Cái đói giờ không còn nữa, hộ nghèo cũng giảm nhiều".

Người dân Trạm Tấu bao đời vẫn vậy, vẫn dựa vào núi đồi mà sống. Đôi bàn tay vỡ bờ, cuốc đất làm nên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp trùng điệp, những nương ngô trải dài các triền đồi. Ngày nay, đôi bàn tay ấy đã biết lái "ngựa sắt" để đi lại, biết lái máy cày, máy bừa, biết viết chữ, học những tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu cho biết thêm: "Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn... những năm qua, Phòng đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các xã, các vận động nhân dân chuyển đổi từ ruộng 1 vụ sang 2 vụ. Từ năm 2006 - 2016, đã có gần 950 ha lúa chuyển đổi từ ruộng 1 vụ sang 2 vụ, gần 1.000 ha lúa nương được chuyển đổi sang trồng ngô đồi. Nhờ tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật và sử dụng giống chất lượng cao nên so với năm 2006, sản lượng ngô của Trạm Tấu tăng trên 7.300 tấn. Ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng được chuyển đổi từ thả rông gia súc sang chăn thả. Nhờ đó, số gia súc tăng dần theo từng năm và tổng đàn gia gia súc chính trên địa bàn hiện có gần 29.200 con".

 

Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Được biết, bên cạnh sự phát triển về sản xuất, việc đầu tư hạ tầng cũng được các cấp chính quyền quan tâm. Đường xe máy giờ đã đến các thôn, bản; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường phổ thông dân tộc bán trú được kiên cố; hệ thống lưới điện quốc gia đã đến được các xã; công trình nước sinh hoạt đến được mỗi nhà, đặc biệt có trên 153 km kênh mương thủy lợi được đầu tư kịp thời, kiên cố. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở Trạm Tấu còn 75,1% theo tiêu chí mới, người dân nhận trợ cấp cũng giảm đáng kể, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện.

Chiều dần buông. Mặt trời khuất sau núi. Không khí khô nóng ban ngày đã nhường chỗ cho những cơn gió mát mang hơi núi lành lạnh bao phủ khắp non cao Trạm Tấu. Huyện vùng cao hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới, ánh điện lấp lánh khắp bản làng. Trạm Tấu đã thực sự đổi thay. Từ trong đói nghèo bật dậy vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Vẫn biết, còn đó rất nhiều khó khăn, nhưng trong tôi đã và luôn tin tưởng với sự nỗ lực của những người cán bộ tôi gặp cũng như sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu, chắc chắn trong tương lai không xa, nơi đây cái đói nghèo sẽ lùi xa để huyện vùng cao vươn lên bắt kịp xu thế phát triển chung của tỉnh cũng như của đất nước.

Lê Thương

Các tin khác
Cán bộ nông nghiệp xã trao đổi kỹ thuật phòng bệnh trên cây bưởi Diễn cho nông dân. Áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong chăm sóc vườn quả.

YBĐT - Những mùa quả ngọt đầu tiên bội thu, nhiều người dân ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) cứ ngỡ như mơ, bởi trước nay, ít ai nghĩ ở đồi đất này lại trồng được cây ăn quả.

Một buổi tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Chi hội Phụ nữ bản Háng Chú, xã Kim Nọi.

YBĐT - Lên vùng cao Mù Cang Chải hôm nay, theo những con đường sạch sẽ vào bản làng, nhìn những ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, cũng ti vi, tủ lạnh, cũng đèn điện sáng... thấy rõ sự đổi thay. Sự đổi thay ấy có sự đóng góp tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt chăm sóc vườn rau.

YBĐT - “Đời sống mới trong trường học” - là khái niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong tác phẩm “Đời sống mới” xuất bản năm 1947. 70 năm trôi qua, những điều Người viết về “Đời sống mới trong trường học” vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở tổ dân phố 7, thị trấn Nông trường Trần Phú (bên trái) giới thiệu với cán bộ thị trấn về cách xử lý cho cam, quýt ra quả trái mùa.

YBĐT - Cách đây khoảng chục năm về trước, đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đến đâu cũng thấy những con đường đất lầy lội bao quanh những đồi chè xanh tốt nhưng cái nghèo vẫn bám riết lấy người dân nơi đây vì họ quá “thủy chung” với những nương chè già cỗi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục