Người “công bộc” của dân ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 25/7/2017 | 8:02:23 AM
YBĐT - Quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.
Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và lãnh đạo xã Nậm Khắt thăm đồng ruộng của bà con nhân dân tại xã Nậm Khắt.
|
Mù Cang Chải – mới chỉ nghe đến cái tên đó đã gợi cho mọi người cảm giác xa xôi, như cùng tận, như ở mãi đâu đâu, hiếm dịp đến thăm. Vài năm trở lại đây, nhiều người biết tới Mù Cang Chải với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, với đặc trưng thời tiết trong ngày: sáng thu, trưa chiều hạ, đêm là mùa đông. Chính vì thế, đất và người nơi đây cũng mang nhiều nét đặc trưng, riêng khác mà tiêu biểu nhất là tình người.
Nét đẹp và văn hoá tình người ấy, tôi đã cảm nhận trọn vẹn, đủ đầy ở những người con Mù Cang Chải mà tôi được gặp, trong đó có người “con nuôi” của Mù Cang Chải, thầy giáo Vũ Tiến Đức - hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện...
Từ thầy giáo của bản người Mông....
Anh sinh năm 1960. Gọi anh là “con nuôi” của Mù Cang Chải vì anh quê gốc Thái Bình, là anh cả trong một gia đình có 6 anh chị em. Lên 8 tuổi, khi tỉnh Thái Bình và tỉnh Nghĩa Lộ (cũ) kết nghĩa, anh theo cha là bộ đội phục viên lên Yên Bái. Đi học rồi kinh qua nhiều vị trí công tác, anh đã gắn bó với núi rừng Mù Cang Chải gần 40 năm và trở thành người con của mảnh đất này.
Học hết phổ thông, vốn yêu thích những môn học tự nhiên nhưng rồi mơ ước vào học Trường Cơ điện không thành, anh vào học chuyên ngành Văn học - Lịch sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, ra trường trở thành thầy giáo dạy Văn.
“Ngã rẽ đầu đời của tớ chính là lúc ấy. Chả ai nghĩ, bản thân tớ cũng không nghĩ mình sẽ làm thầy giáo, chỉ có thể nói đó là cái duyên, mong muốn của mình không thành hóa ra lại là sự may mắn khi được đến với nghề giáo - nghề đã cho mình tất cả. Có rất nhiều thế hệ học sinh xưa của mình, giờ đã trở thành đồng chí, đồng nghiệp cùng tham gia công tác. Tình cảm vẫn như xưa, ngoài giờ làm việc vẫn thầy trò rôm rả”– anh Đức tâm sự.
Tôi biết, ngay chính đồng chí Giàng A Tông – Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cùng quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.
Anh bảo: “Cán bộ người Mông thật thà lắm. Họ quý mến và ghi nhớ thì mãi sau này vẫn cứ quen gọi bằng thầy giáo. Đầu tiên tớ cũng nhắc, nhưng về sau ai cũng quen gọi. Giờ mình không dạy học nữa nhưng được gọi bằng thầy giáo vẫn cảm thấy vui và rất tự hào”.
Hơn 18 năm công tác trong ngành giáo dục huyện, qua nhiều vị trí công tác, từ giáo viên cấp 2 ở xã Nậm Có đến tổ trưởng chuyên môn Phòng Giáo dục, Phó hiệu trưởng Trường Thiếu nhi dân tộc Mù Cang Chải đến Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo… Song, ở bất kỳ vị trí nào, thầy giáo Đức cũng được bạn bè đồng nghiệp, bà con nhân dân và học sinh yêu mến, quý trọng bởi bản tính hiền lành, thẳng thắn mà đầy nhiệt huyết, nói là làm.
Mấy anh em bên ngành giáo dục huyện kể, khi anh Đức công tác ở ngành, việc quan trọng nhất là đã tham mưu góp phần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về xây dựng tổ chức Đảng trong trường học.
Từ đó, hiệu quả của công tác tham mưu được nâng lên, vai trò của cán bộ, đảng viên trong mỗi nhà trường được khẳng định, dẫn tới thực hiện nhiệm vụ chuyên môn rất hiệu quả, công tác huy động học sinh ra lớp được đôn đốc, duy trì thường xuyên. Chính vì vậy, có một giai đoạn quy mô trường lớp của Mù Cang Chải được mở rộng nhanh đến chóng mặt.
Chưa đến 3 năm, từ 30 điểm trường lẻ đã lên tới hơn 90 điểm trường, phục vụ tối đa nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Tôi còn biết, những năm 1993 – 1995, thầy Đức là một trong những cán bộ, đảng viên góp công lớn trong việc đẩy mạnh đào tạo nguồn cán bộ cho vùng cao Mù Cang Chải.
Hỏi chuyện, anh nhớ lại: “Lúc ấy, phải thừa nhận rằng, cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu lắm. Có những lãnh đạo xã vì không biết chữ nên khi đóng dấu phải để ý nốt trắng trên đỉnh dấu để tránh đóng dấu ngược… Tớ tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và lãnh đạo huyện tổ chức các lớp xóa mù chữ cấp tốc, rồi mở lớp trung cấp nông - lâm và trung cấp lý luận chính trị ngay tại huyện để đào tạo cán bộ, vì có cán bộ tốt, có trình độ, thì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới đến được với người dân. Việc ấy phải làm ngay!”.
Qua chia sẻ của anh, tôi chợt nhớ chuyện có lần ai đó thắc mắc đến việc “cho cả những người mới học hết lớp 5, lớp 6, vừa qua xóa mù chữ đi học lý luận chính trị”.
Ngạc nhiên, nhưng khi được nghe anh Đức giải thích, tôi mới vỡ vạc, anh bảo: “Những con người ấy phải được đào tạo qua lớp lý luận chính trị để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn nhất định, không thể khác và không có nhiều lựa chọn thay thế được. Công tác cán bộ ở vùng cao không hề đơn giản, người có trình độ nhưng cách đặt vấn đề không đi vào lòng người thì không làm được".
"Ở đây, cán bộ là người vừa phải có trình độ, vừa phải biết lắng nghe dân nói, hiểu được lòng dân và sẵn sàng “ba cùng” với dân, được người dân tin tưởng và yêu mến thì mới làm được. Mới qua lớp xóa mù chữ nhưng vẫn phải học trung cấp lý luận chính trị để làm tốt công việc theo đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước là như thế”... - anh Đức kể vậy
Sau này, khi không công tác ở ngành giáo dục nữa, thầy Đức đã qua nhiều chức vụ khác nhau như: Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, rồi làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện, nay là Chủ tịch UBND huyện nhưng có một kỷ niệm thầy không quên.
Đó là, trong một cuộc họp bản, bắt đầu vào họp từ 11 giờ đêm đến gần 5 giờ sáng mới kết thúc (sở dĩ phải họp muộn như thế bởi trước đây người dân ở bản thì phải đi làm nương về, cơm nước xong xuôi đã rồi mới vượt núi đi họp), cuộc họp ấy có vài đồng chí là già làng, trưởng bản ngủ gà ngủ gật, thầy Đức thấy vậy pha trò vài câu bằng tiếng của đồng bào là cười nắc nẻ, “tỉnh ngủ”, rồi tập trung vào nội dung cuộc họp. Sáng ra, quý cán bộ huyện quá, bà con dân bản kín đáo mổ lợn chiêu đãi không để cán bộ biết, lúc lên mâm rồi mới kéo cán bộ dùng cơm, đặt vào thế “việc đã rồi”.
Nói về kỷ niệm với vùng cao Mù Cang Chải thì cả ngày không hết chuyện, tỷ như thầy đã từng 13 lần đi bộ vượt rừng vào Chế Tạo (xã xa nhất của huyện với trên 55km đường rừng hồi đó); chuyện thầy gặp trẻ em trong bản hỏi thầy là người Mông ở đâu mà nói tiếng Mông giỏi, giống lắm nhưng nhìn lại không giống người Mông Mù Cang Chải; chuyện thầy lên bản Páo Sơ Dào (xã Khao Mang) thăm hỏi bà con, câu chuyện hợp lòng dân, cách nói, vận động lại khéo nên chỉ sau thời gian ngắn, con đường bùn đất lên bản đã được bà con huy động nhau mở rộng, làm phẳng, mặt đường sạch đẹp mà không phải xin một đồng hỗ trợ của Nhà nước…
.... Đến người cán bộ gương mẫu của vùng cao
Kể từ khi chuyển sang công tác Đảng, công tác chính quyền, anh Vũ Tiến Đức vẫn giữ được tính cách, tác phong năm nào, nhưng một điều mà anh luôn tâm niệm là: “Ở với đồng bào thì điều quan trọng nhất là tình cảm phải chân thành, mình yêu mến bà con thật lòng thì bà con cũng sẽ đối lại với mình như thế. Từ tình cảm, mọi công việc lãnh đạo, chỉ đạo cũng sẽ mềm đi nhưng hiệu quả lại cao hơn rất nhiều”.
Với Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức, cán bộ, người dân đánh giá anh đã làm rất trọn vẹn vai trò vừa là lãnh đạo, vừa là người bạn gần gũi.
Đồng chí Sùng Chứ Cớ - Bí thư Chi bộ bản Pú Cang, xã Nậm Khắt tâm sự: “Thầy Đức xuống bản là vào ngay nhà người dân thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con chứ không chỉ ngồi uống nước ở nhà bí thư chi bộ và trưởng bản. Nhiều bà con ở bản tôi biết đến thầy Đức cũng vì lẽ đó, chứ không đến gặp thì làm sao mà biết được. Lâu lâu thầy đến bản thăm, đi bộ ra đường là bà con tíu tít chào ngay”.
Sự gần gũi, thân tình của “thầy giáo” - Chủ tịch UBND huyện với bà con thể hiện qua rất nhiều việc: từ xắn tay vào bếp nấu ăn cùng bà con cho đến thăm ruộng, tham gia nhổ cỏ lúa và bông đùa với bà con, giúp họ vơi đi những vất vả ruộng đồng…
Việc gì cùng dân, giúp dân, anh cũng không ngần ngại. Chính vì thế, trong nhiều năm liền giữ các vị trí lãnh đạo, anh đã trực tiếp và cùng tập thể lãnh đạo huyện xây dựng nhiều đề án có lợi cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân Mù Cang Chải, như các đề án về đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở; phát triển đảng viên nữ; đào tạo chuyên môn cho cán bộ ngành, xã…
Kết quả, đến nay, Mù Cang Chải đã có 12/14 chủ tịch và bí thư các xã, thị trấn có trình độ đại học; nhiều ngành, đoàn thể cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là cử nhân… Khi còn làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, việc đầu tiên anh làm là đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, chất vấn, ra văn bản, nghị quyết và thực hiện rất tốt việc tổ chức giao ban Thường trực HĐND tại cơ sở - một trong những mấu chốt để nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát và năng lực người đại biểu dân cử ở cơ sở.
Với nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, giờ đây, giữ trọng trách đứng đầu chính quyền huyện, với Chủ tịch UBND Vũ Tiến Đức, công việc không có nhiều khó khăn. Anh đã cùng tập thể lãnh đạo chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch, lựa chọn những nhân tố đủ tiêu chuẩn tham gia vào các vị trí chủ chốt của các ngành, khối, đoàn thể. Việc gì cũng vậy, từ chỉ đạo, điều hành cho đến những việc cụ thể, đều tuân thủ phương châm “Công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo tính bền vững trên quan điểm đồng thuận, nhất trí cao”.
Anh nói: “Công việc phải giải quyết theo cách mềm mỏng, bình tĩnh, hợp tình, hợp lý mới đem lại hiệu quả. Người dân không biết, không rõ thì mới tìm đến mình để hỏi, nhờ giải quyết. Vì thế, nhất định không thể có thái độ trịnh thượng, hách dịch và hành động không đúng đối với người dân”.
Đây chính là yếu tố căn bản để anh rèn cán bộ của mình biết trọng dân, yêu dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Hôm nay, cán bộ, đảng viên và nhân viên các cơ quan, đơn vị của huyện Mù Cang Chải đều ký cam kết thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng, mỗi đảng viên phải tự đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tự giác kiểm điểm. Chi ủy gợi ý kiểm điểm đối với các đảng viên nếu thấy có biểu hiện vi phạm. Ngược lại, đảng viên có vi phạm mà không được chi bộ, cấp ủy Đảng trực tiếp quản lý phát hiện, gợi ý kiểm điểm, phê bình thì chi bộ, cấp ủy Đảng cấp đó phải chịu hình thức kỷ luật của Đảng...
Chính vì thực hiện nhất quán, quyết liệt điều này mà Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức được cán bộ, bà con nhân dân Mù Cang Chải yêu mến và cũng không phải ngẫu nhiên mà đầu tháng 7/2017 vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của huyện Mù Cang Chải vươn lên đứng thứ 4/9 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (trái) trò chuyện cùng Bí thư Chi bộ cơ sở về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại địa phương.
Mù Cang Chải được biết đến là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước với trên 90% dân số là đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 68%. Ở đó, thầy giáo - Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức đang ngày đêm trăn trở với hàng loạt dự định ấp ủ nhằm từng bước đưa các tầng lớp nhân dân thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ngồi trò chuyện với anh, tôi mới thấm thía được công sức và tâm huyết của người cán bộ vùng cao này qua những sẻ chia về những dự định tương lai.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của huyện Mù Cang Chải chính là phát triển du lịch gắn với du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nhưng không phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên. Mục đích kéo du khách không chỉ đến với Mù Cang Chải vào mùa lúa chín trên các thửa ruộng bậc thang mà phải đến đây quanh năm, trở thành địa chỉ du lịch tin cậy. 3 đề án lớn mà anh Đức cùng lãnh đạo huyện đang trực tiếp triển khai là: mở rộng quy hoạch diện tích ruộng bậc thang, nâng cấp khu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; quy hoạch du lịch đèo Khau Phạ…
Ngoài ra, còn có rất nhiều đề án khác như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển cây sơn tra gắn với bảo vệ diện tích rừng phòng hộ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông…
Trong tương lai, mơ ước của anh là xây dựng được khu vực trung tâm hành chính huyện và các khu vui chơi giải trí sầm uất, hiện đại, đầy đủ các hạng mục công trình; khu vực dành cho du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gần gũi tự nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa.
“Đã mở cửa để tìm cơ hội đầu tư, phát triển thì không thể tránh được những rủi ro, thách thức, thậm chí là mặt trái trong quá trình thực hiện. Cũng như nhà của tớ và cậu, mở cửa đón gió và nắng thì không tránh khỏi có ruồi, muỗi bay vào. Điều quan trọng là phải sáng suốt, phải nắm rõ đâu là ruồi muỗi, đâu là hạn chế để giải quyết triệt để” – anh bộc bạch.
Rồi ảnh nói: “Đối với tớ, Mù Cang Chải chính là quê hương thứ hai, là nơi tớ mang hết tâm huyết và sức lực của mình để cùng lãnh đạo huyện đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết để xây dựng, mang đến cho người dân một cuộc sống no ấm hơn”…
Là một trong 5 người đầu tiên của tỉnh Yên Bái được cử đi học lớp cử nhân chính trị tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay) vào năm 1992, lại là cử nhân Luật Dân sự, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Vũ Tiến Đức không chỉ có tư duy chính trị cách mạng mà anh hiểu rõ Mù Cang Chải cần gì và phải làm gì để phát triển bền vững…
Tôi biết, người bạn đời của anh là Nhà giáo ưu tú hiện công tác trong ngành giáo dục huyện; hai con trai của anh chị đều đã trưởng thành, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc và Đại học Giao thông - Vận tải và đều đã lập gia đình, sự nghiệp ổn định…
Nền tảng hậu phương vững chắc đó của người cán bộ vùng cao khiến cán bộ và nhân dân Mù Cang Chải càng thêm quý mến, tôn trọng anh với một niềm tin yêu đặc biệt gửi gắm vào người con, thầy giáo, người cán bộ lãnh đạo đã và đang hết lòng cùng cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của huyện đưa vùng cao đặc biệt khó khăn này đi lên…
Tô Anh Hải
Các tin khác
YBĐT - Chương trình XDNTM ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân của xã; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.
YBĐT - Nhắc tới huyện vùng cao này, trong mỗi câu chuyện trước đây, người ta thường nói về sự đói nghèo, lạc hậu và vẫn nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thế nhưng, giờ đây đã có một Trạm Tấu đổi thay, từ trong đói nghèo, dần vươn lên phát triển, có cuộc sống no ấm.
YBĐT - Những mùa quả ngọt đầu tiên bội thu, nhiều người dân ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) cứ ngỡ như mơ, bởi trước nay, ít ai nghĩ ở đồi đất này lại trồng được cây ăn quả.
YBĐT - Lên vùng cao Mù Cang Chải hôm nay, theo những con đường sạch sẽ vào bản làng, nhìn những ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, cũng ti vi, tủ lạnh, cũng đèn điện sáng... thấy rõ sự đổi thay. Sự đổi thay ấy có sự đóng góp tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ.