Già Chân chống hủ tục

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/7/2017 | 8:19:46 AM

YBĐT - “Ở đây không phải nhiều tuổi là có uy tín mà quan trọng là sự tin cậy của người dân vào mình. Mình nói được và làm được nên người dân tin cậy, bầu mình vậy thôi”. Đó là tâm sự của già Hoàng Kim Chân, dân tộc Tày, thôn Quăn 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.

Ông Hoàng Kim Chân tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong xã Bình Thuận.
Ông Hoàng Kim Chân tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong xã Bình Thuận.

Hơn 20 năm công tác, trải qua rất nhiều cương vị từ Bí thư Đoàn xã đến Trưởng ban Văn hóa - Gia đình và Trẻ em rồi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối văn hóa - xã hội, ông Hoàng Kim Chân không nhớ nổi đã bao lần lăn lội khắp các thôn, bản trong xã vận động đồng bào thực hiện tốt Cuộc vận động “3 không”: không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống và không sinh con thứ 3.

Những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi, nhường chỗ cho đời sống mới ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi ông là già làng chống hủ tục.

Cơn mưa mùa hạ khiến cho quãng đường vào thôn Quăn 2 trở nên khó khăn hơn. Vừa đi anh cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã vừa phải nhắc tôi cẩn thận kẻo bánh xe trượt xuống rãnh có thể ngã bất cứ lúc nào. Đoạn đường có hơn một cây số nhưng cũng phải mất nửa tiếng đồng hồ đánh vật với con đường đất lầy lội, trơn trượt chúng tôi mới tới được nhà của già Chân.

Anh cán bộ xã giải thích, do điều kiện xã khó khăn, nguồn vốn nông thôn mới phân bổ rải rác nên xã phải ưu tiên làm đường cho những thôn, bản xa trước, còn những thôn bản gần sẽ làm sau. Đã mấy lần xã ngỏ ý muốn làm đường vào thôn nhưng già Chân không đồng ý, già bảo cứ làm cho các thôn khó khăn trước đã, mình làm sau cũng được.

“Đường sá đi lại khó khăn thế mà ngày nào già Chân cũng đi lại trên con đường tới vài ba lần, chẳng ngần ngại để vận động đồng bào, con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước” - anh cán bộ xã cho biết. Khi quần áo lấm lem bùn đất, chúng tôi cũng đến được nhà già Chân. Ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm im ắng giữa một đồi cây rợp bóng mát. Gọi cửa không ai nghe, gọi điện thoại cũng không thấy bắt máy: “Không nhẽ lại trở về không” - tôi tự nhủ rồi quay sang hỏi anh cán bộ xã đi cùng bởi trước khi đến đã nhờ anh gọi điện hẹn trước.

“Đành phải đợi chứ biết làm sao, hôm qua tôi đã gọi điện dặn già trước rồi mà” - anh phân trần. Vậy là ngồi đợi hơn nửa giờ đồng hồ cho cơn mưa tạnh mới thấy tiếng xe máy vọng về từ đầu ngõ. Vừa thấy chúng tôi, già Chân nói ngay: “Biết là hôm nay các anh đến nhưng thấy mưa to quá nên tôi phải ra đầu nguồn con đập xem nước có làm vỡ cái ao nào của bà con không. Với lại tiện thể cùng bà con khơi thông dòng chảy dẫn nước vào ruộng để lấy nước cày bừa, chuẩn bị vụ mùa tới”. Đã ngoài 60 tuổi, già Chân là người có uy tín nhất trong cộng đồng và là trưởng dòng họ Hoàng ở đây.

Gương mặt sạm đen vì nắng gió, nhanh nhẹn và rất chân tình, già Chân chia sẻ: “Ở đây không phải nhiều tuổi là có uy tín mà quan trọng là sự tin cậy của người dân vào mình. Mình nói được và làm được nên người dân tin cậy, bầu mình vậy thôi. Cũng bởi hơn 20 năm qua, mình lặn lộn khắp các bản, làng nên người nào từng ghét thành ra giờ lại quý nhiều hơn”.

Theo như chia sẻ của già Chân thì trước đây, Bình Thuận là xã nghèo, có 11 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm nhiều nhất tới 60%, đời sống khó khăn, nhiều hủ tục vẫn ăn sâu trong đời sống, nếp nghĩ của đồng bào. Với kinh nghiệm hơn 9 năm tham gia trong quân ngũ nên khi được nhận trọng trách là Bí thư Đoàn xã, già đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã xây dựng ban hành các hương ước, quy ước làng xã để vận động nhân dân thực hiện.

Sau nhiều năm làm Bí thư Đoàn xã rồi đến Trưởng ban Văn hóa, Dân số, Gia đình và Trẻ em xã và cao nhất là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối văn hóa - xã hội, với trọng trách cũng như nỗ lực của mình, già đã vận động các cặp vợ chồng sinh con một bề thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nói là vậy, song để thực hiện được không phải là một sớm một chiều bởi khi nếp sống, cách nghĩ đã ăn sâu vào tư tưởng đồng bào từ bao đời nay.

Già Chân kể, năm 1988, vùng đất này còn rất hoang sơ, các hộ gia đình ở cách xa nhau cả một quả đồi, điện chưa có, chủ yếu là đường mòn, phương tiện đi lại cũng không có chỉ duy nhất là đi bộ, vậy mà cứ nghe thấy thôn, bản nào có hộ sinh con thứ 3 là già lại đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Một lần không được thì tới ba lần, thậm chí là 6 lần, lồng ghép với các buổi họp thôn tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức và hiểu được việc sinh đẻ có kế hoạch. Già Chân kể, có gia đình đến tới 4 lần đều không gặp, đợi mãi từ chiều tới tận tối mới thấy họ đi nương về, họ mắng xơi xơi: “Tao đẻ tao nuôi chứ tao có bắt Nhà nước phải nuôi hộ tao đâu. Mày về đi, tao không nghe đâu…”.

Rồi nhiều trường hợp không nhận được sự đồng cảm, ủng hộ từ phía các gia đình, nhà nào cũng muốn nhiều con cháu để có người làm rồi cần có con trai để nối dõi tông đường. Thôi thì đủ thứ lý lẽ trên đời… Rồi thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng không phải hiếm, nam nữ 14 - 15 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng, chỉ cần biết đi rừng làm nương, tra ngô, tra lúa là các gia đình đã có thể gả con cho nhau, không phân biệt dòng họ, miễn là chúng nó ưng nhau, thích nhau là có thể tổ chức đám cưới. Việc này chưa xong, việc khác lại tới nhưng già không nản lòng. Già Chân tâm sự: “Mình là cán bộ phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để đồng bào hiểu mà đẩy lùi các quan niệm, hủ tục lạc hậu. Mình còn không làm được thì ai làm được”.

Xuất phát từ những suy nghĩ ấy mà không kể sớm hôm, mưa nắng, bước chân già lặn lội khắp 20 thôn, bản trong xã đến tận những ngõ hẻm của từng nhà để tuyên truyền, vận động. Biết là nhiều gia đình vi phạm các chính sách, quy ước, hương ước làng xã nhưng già đều nhẹ nhàng khuyên nhủ chân thành.

Già Chân chia sẻ: “Biết là đồng bào làm sai, vi phạm chính sách dân số cũng như việc tự ý tổ chức cưới tảo hôn cho con nhưng không thể bắt phạt đồng bào được. Cái lý, cái tình phải mềm dẻo chứ không thể lấy các quy định ra mà xử phạt, có như thế đồng bào mới tin tưởng và nghe theo”.

Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba hàng năm trên địa bàn đều giảm rõ rệt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng không còn. Ngần ấy năm trời là từng ấy năm già đã lăn lộn với công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu.

Giờ đây khi đã về nghỉ chế độ nhưng bước chân già vẫn chưa mỏi. Hễ có việc gì là già lại sẵn lòng cùng chính quyền địa phương đến tận các gia đình, tận các bản làng để tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm các quy định để xây dựng đời sống văn hóa, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng no ấm. Bản thân già cũng thường xuyên vận động con cháu thực hiện tốt Cuộc vận động “3 không”, đồng thời hăng hái đi đầu phát triển kinh tế gia đình để đồng bào và con cháu noi theo.

Nói về già Chân, đồng chí Nguyễn Đức Quý - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận chia sẻ: “Từ những việc làm của già mà nhận thức của phần lớn bà con trong xã đã được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục. Nhờ đó, các gia đình, nhất là những gia đình trẻ sinh con một bề đã cam kết không sinh thêm con, các gia đình cũng cam kết không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt quy ước, hương ước làng xã cũng như tích cực, chủ động tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Các gia đình luôn học theo già để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, nhờ có già mà nhiều hủ tục lạc hậu đã được bài trừ”.

Đồng chí Hoàng Thị Thường - Bí thư Chi bộ thôn Quăn 2 thì phấn khởi cho biết: “Với già Chân, chúng tôi trân trọng như một người cha. Nhờ có già mà nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được Chi bộ quán triệt sâu sắc tới toàn thể nhân dân trong thôn. Nhờ có già mà công tác phát triển Đảng ở trong thôn khá thuận lợi. Già tham mưu với Chi bộ rất nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế để đảng viên trong Chi bộ gương mẫu làm theo”.

Anh Nguyễn Văn Bình, đảng viên Chi bộ thôn Quăn 2 chia sẻ: “Trước đây, khi sinh hai con gái, gia đình tôi cũng có ý định sinh thêm đứa nữa vì tôi là con trưởng duy nhất của dòng họ nên việc sinh thêm để có con trai là chuyện mà cả gia đình, dòng họ yêu cầu. Tuy nhiên, khi được già Chân khuyên bảo, mình đã về vận động lại gia đình và mọi người cũng hiểu ra. Không chỉ có vậy, già còn vận động mình gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, mình vinh dự được kết nạp vào Đảng, đến nay cũng đã được 5 năm tuổi Đảng rồi đấy!”.

Rời Quăn 2 khi ánh hoàng hôn đã đỏ lịm sau đỉnh núi, nắm chặt tay tôi, già Chân bộc bạch, công lao của mình chả là gì cả đâu, nhiều nơi người ta còn làm hơn rất nhiều mà họ cũng không cần phải vinh danh, mình chỉ là hạt cát nhỏ trong đó thôi. Biết là như vậy, nhưng với những đóng góp của già trong suốt hơn 20 năm công tác và cả trong những ngày nghỉ chế độ tại địa phương, già vẫn miệt mài, không ngừng nghỉ để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Tin chắc rằng, cuộc sống ở Bình Thuận sẽ ngày càng khởi sắc vì ở đó có những con người như già Chân.

Thanh Tân

Các tin khác
Bà Hà Thị Long 17 năm làm việc thiện.

YBĐT - Quả là "lạ đời" quá thể trong con mắt thiên hạ khi người đàn bà ấy cứ lụi cụi bỏ thời gian, công sức làm cái công việc chẳng những không mang lại lợi lộc gì mà còn tiềm ẩn hiểm nguy cho bản thân: nhặt ống kim tiêm của những con nghiện bỏ lại. Tính ra, đến giờ, cũng đã 17 năm bà Hà Thị Long ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình "gắn bó" với "công việc" này.

Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và lãnh đạo xã Nậm Khắt thăm đồng ruộng của bà con nhân dân tại xã Nậm Khắt.

YBĐT - Quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.

Công nhân xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Trường Mầm non Mai Sơn để kịp đón năm học mới.

YBĐT - Chương trình XDNTM ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân của xã; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.

Anh Lường Văn Sai - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu (thứ 3 bên trái) hướng dẫn bà con cách phát hiện, phòng chống sâu bệnh hại lúa.

YBĐT - Nhắc tới huyện vùng cao này, trong mỗi câu chuyện trước đây, người ta thường nói về sự đói nghèo, lạc hậu và vẫn nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thế nhưng, giờ đây đã có một Trạm Tấu đổi thay, từ trong đói nghèo, dần vươn lên phát triển, có cuộc sống no ấm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục