Năng động phát triển du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/8/2017 | 12:06:40 PM

YBĐT - Ngay khi vừa nghỉ công tác tại xã năm 2015, chị Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ không chịu cho cái đầu, cái tay nghỉ ngơi mà "nhập cuộc" ngay với mô hình du lịch cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Loan chụp ảnh lưu niệm khách nước ngoài.
Chị Hoàng Thị Loan chụp ảnh lưu niệm khách nước ngoài.

Vừa thuận lợi khi du lịch cộng đồng đang trên đà phát triển ở vùng đất này vừa là khó khăn khi đã có gần 20 hộ ở Nghĩa Lộ làm du lịch cộng đồng nhiều năm, nhiều kinh nghiệm song với sự mạnh dạn, năng động, lòng quyết tâm, chị Loan và gia đình bước đầu khẳng định được địa chỉ của mình trong danh sách địa chỉ tìm đến của du khách khi đến với Nghĩa Lộ.  

Là 1 trong 13 hộ dân của xã Nghĩa Lợi đăng ký làm du lịch cộng đồng được thị xã Nghĩa Lộ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để tu sửa nhà cửa theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, chị Loan đã đầu tư  gần 300 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà sàn đẹp đẽ, đúng bản sắc và mua sắm vật dụng, chăn, gối, đệm; tu sửa công trình vệ sinh và nhiều đồ dùng khác.

"Quả thực đó là một khoản đầu tư lớn đối với gia đình tôi nhưng đã làm thì phải mạnh dạn, bài bản ngay từ đầu mới có thể thành công được" - chị Loan khẳng định. Xác định bước đầu sẽ là hết sức khó khăn và có sự cạnh tranh khi đã có nhiều hộ trên địa bàn thị xã làm du lịch cộng đồng nhiều năm nên ngoài chuyện đầu tư lớn, chị Loan còn trang bị tốt kiến thức về làm du lịch cộng đồng.

Chị cho hay: "Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu tôi đã đi rồi, mỗi nơi đều cho tôi những kiến thức và kinh nghiệm riêng để từ đó có thể chắt lọc cái nào phù hợp với mình thì áp dụng. Nhưng mình cần áp dụng sao cho có phong cách riêng của mình, trên cơ sở nền tảng văn hóa địa phương mình".

Nghĩ theo hướng đó, cùng với tham khảo ý kiến, hướng dẫn của chuyên gia, chị Loan đã quy hoạch nhà cửa tạo không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, bảo đảm vệ sinh môi trường, bày trí bằng các vật dụng từ vật liệu địa phương như tre, nứa, vải thổ cẩm… Chị còn tham gia lớp ẩm thực phục vụ du lịch với các món ăn truyền thống và cả những món quen thuộc dành cho khách nước ngoài để có thể tự tay nấu ăn phục vụ du khách.

Bản Sà Rèn được thị xã quy hoạch xây dựng bản làng truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Nằm bên dòng suối Thia, phong cảnh bản làng Sà Rèn khá thơ mộng, hữu tình với những rặng tre già và đồng ruộng hiền hòa bao quanh những ngôi nhà sàn truyền thống. Người Thái Sà Rèn còn giữ gìn được nhiều lễ hội truyền thống như tết Xíp xí, rằm tháng Giêng, hội Hạn Khuống và các điệu khắp, điệu múa dân gian cùng các trò chơi truyền thống như ném còn, tó mắc lẹ, leo cột mỡ…

"Những điều kiện tự nhiên và nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc của bản làng mình sẽ là một yếu tố rất thuận lợi cho du lịch cộng đồng ở đây. Vì thế, mình cũng phải năng động, sáng tạo trong mô hình du lịch của gia đình để làm sao tận dụng tốt được những lợi thế sẵn có ấy" - chị Loan tâm niệm.

Nghĩ vậy nên làm vậy, chị Loan và gia đình đã tạo nên không gian ăn nghỉ với phong cách riêng, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Điều đầu tiên du khách có thể cảm nhận được đó là một không gian sạch sẽ, bình dị, êm ả, thoáng đãng từ ao cá, rặng tre trước mặt ngôi nhà sàn cho đến bụi chuối, ruộng đồng ở không gian phía sau.

Nơi ăn uống của khách được đặt ngay phía dưới nhà sàn để có thể tận hưởng được quang cảnh này. Trên nhà, chị bố trí chỉ để chuyên ngủ với các bộ chăn, ga, gối thổ cẩm mang đậm bản sắc truyền thống của người Thái.

Trong dịch vụ văn hóa văn nghệ, chị cũng chú trọng chọn đội văn nghệ chủ yếu là các chị em múa hát hay, dẻo, đẹp và nhất là phải am hiểu về văn hóa dân tộc mình để tạo nên những điệu múa, lời hát có "hồn" dân tộc, từ đó lôi cuốn, thu hút du khách hòa mình vào với không gian văn hóa nghệ thuật để trải nghiệm, khám phá…

Trong phục vụ ăn uống, chị kết hợp hài hòa các món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, cá nướng, rau rừng nộm… và những món khách nước ngoài ưa dùng để vừa giới thiệu được văn hóa ẩm thực dân tộc vừa đáp ứng thói quen ăn uống của khách nước ngoài.

Đặc biệt, với các món ăn dân tộc, du khách có thể được cùng tham gia chế biến với gia đình chị và được chị giới thiệu kỹ càng ý nghĩa của mỗi món ăn để có thể hiểu hơn về văn hóa dân tộc người Thái nơi đây.

"Bản thân mình cũng phải am hiểu văn hóa không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Thái mà cũng còn phải có kiến thức về văn hóa nói chung của vùng đất này để có thể giới thiệu tới du khách vì nhiều du khách rất muốn tìm hiểu về văn hóa những nơi họ đến. Khi họ hỏi đến mà mình không có kiến thức để nói thì cũng mất đi một phần giá trị du lịch của mình" - chị Loan chia sẻ. 

Phòng nghỉ của gia đình chị Hoàng Thị Loan mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và năng động, sáng tạo của mình, dù mới bước vào làm du lịch cộng đồng nhưng địa chỉ nhà chị Loan đã được nhiều công ty du lịch lựa chọn. Hiện, bình quân mỗi tháng gia đình chị đón từ 15 - 20 đoàn khách. Năm 2016, gia đình chị đã đón được trên 1.300 lượt khách, trừ mọi chi phí đem về thu nhập khoảng 100 triệu đồng, gấp hơn chục lần so với làm ruộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 nhân khẩu trong gia đình và việc làm theo thời điểm cho một số người dân trong bản.

"Uy tín phải luôn là yếu tố hàng đầu để người đã đến thì muốn quay lại với mình, ai chưa đến thì sẽ tìm đến" - tâm niệm vậy nên chị Loan đang ấp ủ thêm nhiều ý tưởng gia tăng chất lượng phục vụ du lịch: đầu tư bài trí khuôn viên, mở thêm một số dịch vụ khác như tẩm quất, tắm thuốc lá, làm dịch vụ đi mảng trên suối Thia.

Mạnh dạn đầu tư như vậy, với chị Loan cũng là muốn đi đầu để "kéo" bà con trong bản cùng làm theo như chị chia sẻ: "Sà Rèn đã được thị xã quy hoạch bản làng truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng nhưng nhiều hộ gia đình vẫn còn dè dặt, chưa dám mạnh tay đầu tư để làm du lịch. Mình làm trước, biết đâu bà con có thể nhìn vào đó mà mạnh dạn hơn để cùng đưa Sà Rèn sớm trở thành bản du lịch được nhiều du khách biết đến. Hơn nữa, mình lại là đảng viên, phải đầu tầu gương mẫu chứ". Chẳng phải chỉ riêng lúc còn làm công tác ở xã với cương vị Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã rồi Chủ tịch UBND xã…, chị Loan mới nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của người đảng viên.

Cũng chính vì tinh thần ấy và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, năng động của chị, năm 2017, chị Hoàng Thị Loan là tấm gương đảng viên tiêu biểu được Đảng ủy xã, Thị ủy Nghĩa Lộ chọn đăng ký xây dựng mô hình cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh” cấp tỉnh. Với chị Loan, đây càng là động lực để chị cùng gia đình tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa mô hình du lịch cộng đồng của mình.

Thu Hạnh

Các tin khác
Diễn viên Hoàng Thị Ngọc cùng bạn diễn tập luyện.

YBĐT - Múa là loại hình nghệ thuật đòi hỏi diễn viên phải có năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều kỹ năng vũ đạo khác trên sân khấu. Vì vậy, chỉ những ai có năng khiếu và tình yêu thực sự mới sống được với nghề. Diễn viên múa Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, sinh năm 1992 thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã tâm sự như vậy khi nói về nghề múa mà cô đam mê.

Ông Hoàng Kim Chân tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong xã Bình Thuận.

YBĐT - “Ở đây không phải nhiều tuổi là có uy tín mà quan trọng là sự tin cậy của người dân vào mình. Mình nói được và làm được nên người dân tin cậy, bầu mình vậy thôi”. Đó là tâm sự của già Hoàng Kim Chân, dân tộc Tày, thôn Quăn 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.

Bà Hà Thị Long 17 năm làm việc thiện.

YBĐT - Quả là "lạ đời" quá thể trong con mắt thiên hạ khi người đàn bà ấy cứ lụi cụi bỏ thời gian, công sức làm cái công việc chẳng những không mang lại lợi lộc gì mà còn tiềm ẩn hiểm nguy cho bản thân: nhặt ống kim tiêm của những con nghiện bỏ lại. Tính ra, đến giờ, cũng đã 17 năm bà Hà Thị Long ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình "gắn bó" với "công việc" này.

Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và lãnh đạo xã Nậm Khắt thăm đồng ruộng của bà con nhân dân tại xã Nậm Khắt.

YBĐT - Quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục