Nơi nào khó có anh!
- Cập nhật: Thứ tư, 9/8/2017 | 7:10:22 AM
YBĐT - Nhiều lần theo chân anh về cơ sở, mỗi lần như vậy tôi thường nhớ tới một câu hát trong ca khúc "Trai rừng" của nhạc sĩ Vũ Duy Cương: "Trai rừng làm cán bộ vẫn là dân, đôi chân trần vượt đường xa bảo nhau xây tổ ấm..". Ở anh, bên cạnh vẻ chắc chắn, nghiêm túc của người cán bộ đứng đầu đảng bộ huyện là thái độ chân tình, cởi mở với cấp dưới, thân thiện với đồng bào.
Đồng chí Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu trao đổi với cán bộ huyện về công tác xây dựng Đảng.
|
Tình cờ gặp anh khi đang chỉ huy công tác phòng chống, khắc phục hoàn lưu của cơn bão số 2 trong tháng Bảy vừa qua tại xã Làng Nhì, tôi càng khâm phục tinh thần "bốn tại chỗ” của người giữ cương vị cao nhất ở huyện vùng cao này.
- Sao anh không chỉ đạo, phân công cán bộ khác mà đích thân phải trèo đèo lội suối vào đây vậy? Tôi hỏi.
- Ở nhà không yên tâm chú ạ! Mình phải đến tận nơi cùng với đồng bào tìm cách khắc phục hậu quả bão lũ, giải quyết khó khăn cho dân.
Miệng nói tay làm, anh chỉ đạo cán bộ xã Làng Nhì huy động lực lượng dân quân, các phương tiện máy móc nhanh chóng múc đất đá sạt lở để thông đường cho bà con đi lại.
- Giàng La Pán là thôn mà 100% dân số là giáo dân dân tộc Mông, anh đã nói thế nào để vận động họ ở lại? Tôi hỏi. Anh Thào cười hiền khô:
- Trước hết mình gặp Ban hành giáo để đặt vấn đề, khi được đồng thuận từ Ban Hành giáo mình đến từng hộ dân giải thích về cuộc sống ở miền đất hứa là không có thật.
-Anh nói vậy đồng bào tin luôn sao?
Để đồng bào tin và làm theo đâu có dễ! Mình đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và phân tích những âm mưu, thủ đoạn mà kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo đồng bào, chứ cuộc sống ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta. Đồng bào ở lại sẽ được Nhà nước cấp đất sản xuất, làm kênh mương nội đồng, mở đường cho xe máy về bản… Thế là 100% hộ dân trong thôn lần lượt ký cam kết hứa không di cư tự do nữa.
Ông Tráng A Vảng - Trưởng thôn Giàng La Pán chia sẻ: "Những năm đó, tình hình ở thôn bất ổn vì có kẻ xấu xúi giục nhưng nhờ Bí thư Thào xuống "soi đường chỉ lối” nên thôn Giàng La Pán mới ổn định và phát triển như hôm nay”.
Cũng với cách làm trên, mới đây Bí thư Thào đã khéo léo xử lý nhanh vụ phá rừng làm nương rẫy của 82 hộ ở thôn Pá Khoan và Háng Tàu, xã Túc Đán.
- "Đồng bào mình cả tin quá chú ạ! Thường nghe theo kẻ xúi giục, phá rừng làm nương rẫy. Khi nhận được tin, mình đi xe máy xuống từng hộ dân làm công tác tư tưởng, tuyên truyền việc phá rừng là vi phạm pháp luật, không nên nghe lời kẻ xấu đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng bắt, truy tố những kẻ cầm đầu xúi giục đồng bào phá rừng để xử phạt theo pháp luật, lúc đó bà con mới trở về nhà, yên tâm lao động sản xuất”.
- Còn với những mâu thuẫn ở cơ sở thì giải quyết sao anh? Tôi tò mò. Anh Thào trầm tư chia sẻ: "Đã là cán bộ nhất là cán bộ vùng cao đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố. Với mình trước hết là phải lăn lội, ăn ở cùng với đồng bào, hiểu được phong tục, tập quán và tuyên truyền cho họ cái đẹp, cái hay, cái tốt, học theo gương Bác Hồ và tránh xa cái ác, thế là đồng bào tin và làm theo”.
Câu chuyện đến đây tôi lại nhớ cách đây hơn 6 năm khi Trạm Tấu thực hiện "Cuộc vận động nhân dân tổ chức việc tang theo nếp sống mới” đã gặp muôn vàn khó khăn bởi những quan niệm xa xưa ăn sâu vào tâm trí họ. Nhưng với cách làm hay, đi thẳng vào vấn đề của Ban Thường vụ Huyện ủy mà đứng đầu là Bí thư Thào nên cuộc vận động này đã thành công.
- Ngày trước anh vận động cách nào mà đồng bào bỏ tục để người chết nhiều ngày trong nhà và cũng không tổ chức ăn uống linh đinh khi có tang ma?
- À, thì mình đưa ra ví dụ ở tỉnh Thái Bình, nôm na là: người chết họ chỉ để trong nhà 1 ngày 1 đêm nên cuộc sống của họ có của ăn của để. Vậy vì sao đồng bào mình phải để người chết 5 - 7 ngày làm gì? Tổ chức ăn uống linh đình làm gì cho tốn kém, nghèo lại càng nghèo hơn. Hiểu được lẽ phải, cốt lõi của sự việc, đồng bào nghe và làm theo thôi.
Đến những thôn bản khó khăn, anh Thào thường tự mình lái chiếc xe Win - loại xe máy phù hợp nhất với địa hình vùng cao, quần sắn móng lợn, chân đi dép quai hậu, thân thiện với đồng bào, giải quyết công việc khó, phát sinh ở cơ sở rất "thấu tình đạt lý” nên được đồng bào tin tưởng, làm theo.
Đặc biệt, trong học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ Trạm Tấu đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình là Đảng bộ, chính quyền xã Trạm Tấu được Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng lên thăm và gửi thư khen ngợi. Nói về kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội cũng như công tác xây dựng Đảng, đồng chí Giàng A Thào khiêm tốn cho biết: "Đây là thành quả của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao, chứ không riêng gì cá nhân mình”.
Dù rất bận rộn, nhưng Bí thư Thào vẫn dành thời gian để nghiên cứu các sáng kiến như: "Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của huyện phục vụ công tác nhân sự trước Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020"; "Các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác cán bộ của Đảng bộ huyện Trạm Tấu”.
Các tin khác
YBĐT - Ngày 8 tháng 3 năm 2017 - "Nồi cháo nhân ái” đầu tiên được thực hiện bởi sự đóng góp của các cán bộ, y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên và những nhà hảo tâm. Tính đến nay, đã có 20 nồi cháo, tương đương với 2.000 - 2.400 bát cháo được đưa đến tận tay người bệnh. Những nụ cười thân thiện, những bát cháo nóng ấm tình người, không khí ấm áp, lan tỏa yêu thương khiến cho những lo lắng, đau đớn của người bệnh như dần vơi đi.
YBĐT - Ngay khi vừa nghỉ công tác tại xã năm 2015, chị Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ không chịu cho cái đầu, cái tay nghỉ ngơi mà "nhập cuộc" ngay với mô hình du lịch cộng đồng.
YBĐT - Múa là loại hình nghệ thuật đòi hỏi diễn viên phải có năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều kỹ năng vũ đạo khác trên sân khấu. Vì vậy, chỉ những ai có năng khiếu và tình yêu thực sự mới sống được với nghề. Diễn viên múa Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, sinh năm 1992 thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã tâm sự như vậy khi nói về nghề múa mà cô đam mê.
YBĐT - “Ở đây không phải nhiều tuổi là có uy tín mà quan trọng là sự tin cậy của người dân vào mình. Mình nói được và làm được nên người dân tin cậy, bầu mình vậy thôi”. Đó là tâm sự của già Hoàng Kim Chân, dân tộc Tày, thôn Quăn 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.