Chiếc máy may đặc biệt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/10/2017 | 8:03:31 AM

YBĐT- Người khuyết tật cả hai tay có thể trở thành thợ may được không? Tôi mang hoài nghi ấy hỏi rất nhiều người nhưng đều nhận được câu trả lời là "không thể”. Ấy thế mà đôi bạn Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai (thành phố Yên Bái) đã cùng nhau tạo ra một chiếc máy may đặc biệt biến điều đó trở thành hiện thực khiến tôi bị chinh phục.

Thầy giáo Nguyễn Thành Kiên, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thảo luận, góp ý hoàn thiện sản phẩm cho đôi bạn Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai.
Thầy giáo Nguyễn Thành Kiên, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thảo luận, góp ý hoàn thiện sản phẩm cho đôi bạn Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai.

Nói về ý tưởng chiếc máy may đặc biệt này, đôi bạn đều cho rằng đó là sự tình cờ. Cùng học lớp Chuyên Văn tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái), Hoài và Mai lại đam mê sáng tạo khoa học mặc dù kiến thức về cơ khí hay vật lý lại không phải thế mạnh. Một lần tình cờ nghe phổ biến về cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, không ai bảo ai, cả hai chỉ quay sang nhìn nhau tủm tỉm cười rồi đồng thanh: "Cùng nhau tham gia nhé!”.
 
Từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, những cuộc "hội nghị bàn tròn” xoay quanh chủ đề, lên ý tưởng thay thế những buổi đi chơi, tụ tập bạn bè. Có khá nhiều ý tưởng được đưa ra và rồi đều bị đối phương phản bác. Sau những bàn bạc, thậm chí là tranh cãi rồi tình cờ một ý tưởng được lóe lên, đó chính là ý tưởng về chiếc máy may đặc biệt dành cho những người khuyết tật.
 
Hoài kể lại: "Hôm đó, trên đường đi học về, chúng em chứng kiến cảnh một người khuyết tật đang bươn trải kiếm sống bằng cách cầu xin sự giúp đỡ của những người đi đường. Chúng em chợt nghĩ tại sao mình lại không làm gì đó giúp những người khuyết tật cũng có thể làm việc như bao người bình thường khác để họ có thể tự kiếm sống bằng khả năng lao động của mình. Rồi chúng em thống nhất cao trong việc quyết định chọn cải tiến chiếc máy may phù hợp với người khuyết tật, bởi nghề may là nghề không quá vất vả và còn cho thu nhập ổn định có thể giúp họ được lao động và kiếm sống”.

Đều có vóc dáng nhỏ nhắn, nước da trắng bóc, vẻ ngoài ấy khiến tôi trong lần gặp đầu có chút hoài nghi hai cô học trò nhỏ, nhưng rồi tôi đã bị thuyết phục. Để cải tiến chiếc máy may bán tự động mà người khuyết tật tay có thể sử dụng là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu cả về nghề may, máy may lẫn cơ khí chế tạo.
 
Thêm nữa, 2 cô bé ấy chỉ có gần 2 tháng để hoàn thiện sản phẩm. Mai tâm sự: "Thực ra ý tưởng của chúng em không được mọi người kể cả là cha mẹ ủng hộ bởi chúng em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh và hơn hết là không ai tin chúng em có thể làm được điều đó. Ý tưởng của chúng em đã từng bị loại từ vòng trường. Lúc đó, hai đứa đã mang theo bản vẽ sản phẩm gặp cô phó hiệu trưởng để trình bày và khẳng định mình sẽ làm được. May sao cô lại đồng ý cho cơ hội nếu không thì…”.
 
Nói đến đây, ánh mắt Mai trùng xuống, hai bàn tay đan vào nhau, giọng nói ngập ngừng. Tôi hiểu. Bởi nếu ngọn lửa ý chí và nhiệt huyết đó bị dập tắt, chắc hai cô bé ấy không thể nuôi dưỡng và thực hiện ý tưởng cho đến hôm nay.

Lúc ấy, chỉ còn 40 ngày là Cuộc thi chính thức bắt đầu, mọi công đoạn đều phải gấp rút thực hiện. Trong tay 2 cô bé chỉ có 1 bản vẽ trên giấy còn lại không có gì hết. Sau mỗi giờ học, hai cô bé lại đến gặp các thợ may, các cửa hàng bán máy may để tìm hiểu, phân tích, lựa chọn loại máy may phù hợp với tiêu chí để đưa vào cải tiến. Đến đâu, các em cũng trình bày ý tưởng của mình để được góp ý hoàn thiện.
 
Phần lớn người ta lắc đầu, người thì cười nghi hoặc, chỉ có số ít là động viên và ủng hộ. Người đầu tiên trong số người ủng hộ đó chính là người bán máy may đã nhiệt tình hướng dẫn và tặng chiếc máy may con bướm kèm theo lời chúc thành công cho hai cô bé. Như có thêm động lực và niềm tin, đôi bạn tiếp tục thực hiện. Lại lang thang trên con xe đạp điện bất kể nắng mưa để tìm thợ gia công sản phẩm theo bản vẽ. Nhưng khó khăn tiếp nối khó khăn khi mà không có một ai hiểu được bản vẽ.
 
Hoài nói vui: "Chắc hai đứa em phải đi hết tất cả các cửa hàng cơ khí trong thành phố rồi ấy. Gặp ai cũng lắc đầu, họ nói không làm được đâu. Nhưng chúng em vẫn kiên trì, cuối cùng cũng tìm được bác Khiêm ở Km8 (thành phố Yên Bái). Bác ấy cũng không dám hứa, chỉ nói là sẽ cố gắng”.
 
Tôi cứ thắc mắc, chiếc máy may đó phức tạp như thế nào mà nhiều thợ cơ khí lại lắc đầu từ chối cho đến khi được chứng kiến hoạt động của sản phẩm, tôi mới hiểu…

Sản phẩm ban đầu tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học còn nhiều hạn chế như: chỉ may được một kích thước, bộ phận cắt chỉ chưa linh hoạt và bộ phận di chuyển còn cồng kềnh. Tiếp tục kiên trì nghiên cứu thêm hai tháng, một vài hạn chế đã được khắc phục. Chiếc máy may đặc biệt ấy hiện giờ là một sản phẩm bán tự động với phần cải tiến là một hệ thống các bộ phận di chuyển, quay góc, tăng kích thước của tấm vải mà người khuyết tật tay hoàn toàn có thể may được bằng cách điều khiển bằng… chân.
 
Chỉ vào chiếc máy may đặc biệt Hoài và Mai giới thiệu với tôi: "Có khá nhiều chi tiết nhỏ trong bộ phận cải tiến bao gồm: động cơ có thể tái sử dụng từ động cơ quạt hay máy sấy tóc; các khung đỡ; tấm giữ vải; tấm hỗ trợ di chuyển; bộ phận cắt chỉ; hệ thống điều khiển… Phần khung chúng em lựa chọn nguyên liệu bằng nhôm để khối lượng khung không quá nặng nhưng vẫn chắc chắn. Gồm có 3 khung kết hợp là khung giá đỡ tấm giữ vải, khung di chuyển đồng tốc với kim máy và khung tăng kích thước. Tất cả được điều khiển bởi một bảng hệ thống đặt dưới gầm máy may gồm hai nút nhấn và một cần gạt. Nút màu đỏ này để quay góc vải, nút màu xanh để khởi động máy thay cho việc đạp chân và cần gạt để điều khiển hệ thống di chuyển và tăng kích thước”.
 

Hai em vẫn tiếp tục phát triển, hoàn thiện chiếc máy may đặc biệt.

Nghe những lời giải thích ấy mà tôi vẫn chưa hình dung ra được cái máy may này hoạt động như thế nào? Tôi nói đùa:

- Giờ chị tận mắt chứng kiến sản phẩm mà còn không hình dung được hoạt động của máy thì chả trách mấy bác cơ khí nhìn bản vẽ mà lắc đầu. Mai cười ngượng:

- Em là người vẽ mấy bản vẽ đó mà nhiều khi còn chả dám tin. Nên đã có lúc chùn bước, mất tự tin lắm chị ạ! Nhưng cứ đứa này nản đứa kia lại khích lệ. Rồi cũng hoàn thành "đứa con tinh thần” này đó ạ! Hai cô bé cùng mỉm cười hạnh phúc. Hoài nhanh nhảu:

- Để em làm thợ may cho chị xem nhé! Không khó hiểu lắm đâu, thậm chí đơn giản lắm mà chị!

Nói rồi, cô bé Hoài ngồi vào bàn may, hai tay khoanh lại: "Chị nhìn nhé! Em khoanh tay lại không sử dụng gì đến tay đâu nhé!”. Mai đặt tấm vải có hình chữ nhật lên trên tấm giữ vải bằng mica nằm trên khung di chuyển có thể di chuyển tịnh tiến lên, xuống nhờ động cơ quay góc và thanh ty-ren gắn bên dưới. Khi tiến hành may, chân trái nhấn nút xanh để khởi động hoạt động của máy may đồng thời chân phải đẩy cần gạt lên trên. Khi ấy mũi kim may xuống sẽ đồng tốc với tốc độ chạy của hệ thống di chuyển. Sau khi may xong một cạnh, bộ phận cắt chỉ dạng lưỡi liềm cắt chỉ bằng một thao tác điều khiển bằng chân, sau đó Hoài đẩy cần gạt xuống dưới sao cho tấm vải lùi về vị trí ban đầu rồi nhấn nút đỏ để quay tấm giữ vải 90o đến cạnh tiếp theo cần may và cứ lần lượt như vậy cho đến khi may hết cả các cạnh của sản phẩm.
 
Vừa may Hoài vừa nói: "Nếu chị muốn tăng, giảm kích thước của sản phẩm, chỉ cần dùng chân đẩy cần gạt sang trái thì tăng, phải là giảm để điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu thôi”.

Tôi gật gù ra vẻ đã hiểu nhưng vẫn còn thắc mắc: "Vậy là chỉ may được đường may thẳng. Thế những đường cong thì thế nào?”.
 
Hoài trả lời tôi bằng ánh mắt tràn đầy niềm tin: "Vì thời gian khá ngắn và chúng em cũng phải phân chia thời gian cho kỳ thi THPT quốc gia nên sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng chúng em dự định sắp tới sẽ tiếp tục cùng nhau nghiên cứu, cải tiến chiếc máy may này để có thể may được đa dạng các loại sản phẩm và tự động hoàn toàn. Chúng em còn có hoài bão là đưa sản phẩm vào sử dụng trong may mặc công nghiệp, may theo giai đoạn, theo dây chuyền tạo việc làm ổn định cho những người khuyết tật cơ. Chúng em tự tin mình sẽ làm được!”.
 
Dứt lời, Hoài cũng may xong chiếc gối hoa đẹp mắt trong vòng chưa đầy 6 phút. Bằng cảm quan của mình, tôi thấy sản phẩm bảo đảm yêu cầu về độ chắc chắn và thẩm mỹ. Hoạt động của chiếc máy may đặc biệt này cũng khá trơn tru, bộ phận hỗ trợ di chuyển phối hợp nhịp nhàng với hoạt động của máy, độ chính xác cao.

Được biết sản phẩm của hai em đã được đánh giá cao và giành giải trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, của toàn quốc sắp được công bố tới đây, đó không chỉ là thành công của niềm đam mê sáng tạo mà còn là cái tâm sáng của tuổi trẻ. Nhìn cách mà Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai đang làm, tôi tin một ngày mai không xa, hai em sẽ tiếp tục hoàn thiện những ý tưởng, hoài bão cho sản phẩm của mình, góp phần thắp lên niềm tin cho những người khuyết tật trở thành người có ích cho xã hội.

Hoài Anh

Các tin khác
Anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Thanh Lương trao đổi kỹ thuật trồng dưa hấu với người dân.

YBĐT - Nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn, xã Thanh Lương (Văn Chấn) được thiên nhiên ưu ái cho địa hình bằng phẳng. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 311,5 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 168,2 ha, tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất cao (chiếm gần 50%). Ấy vậy mà, một xã thuần nông như Thanh Lương lại cán đích nông thôn mới bằng chính nền nông nghiệp hiện có.

Bàn Tiến Nhị (bên trái) giới thiệu cách nuôi ếch với các bạn trong xã.

YBĐT - Học theo Bác, noi gương Bác với mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, đoàn viên Bàn Tiến Nhị, dân tộc Dao, sinh năm 1992 ở thôn Khe Giang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. 

Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh thăm vườn na của một hộ gia đình ở thôn 4.

YBĐT - Cây na không xa lạ với người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Nói không xa lạ bởi cây na ngày trước và hiện nay vẫn luôn có mặt trong vườn của nhiều hộ gia đình. Đó là loại cây cho ăn quả khi đến mùa, ít thì để nhà dùng, nhiều hơn thì biếu họ hàng, nhiều nữa thì đem bán cho vui. Tuy vậy, tại thời điểm này, cây na đang đứng ở một góc độ khác hơn với người dân nơi đây và gợi mở nhiều vấn đề.

Ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên giới thiệu những thành tích mà thôn Tân Thành đã đạt được.

YBĐT - Đó là phương châm sống và hành động của ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên - người vinh dự được tỉnh lựa chọn tham dự Hội nghị biểu dương Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi toàn quốc, giai đoạn 2014 - 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục