Tập trung nguồn lực đầu tư
Giai đoạn 2016 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn huy động thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải đạt 4.277 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.776 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1.540 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 104 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA, WB…) là 439 tỷ đồng; vốn khác 416 tỷ đồng.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 30 a, Chương trình 135) là 778 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 514 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư 67 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 125 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi 35 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 3 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn 77,4 tỷ đồng; các chương trình, chính sách dân tộc 1.559 tỷ đồng; Đề án phát triển giao thông nông thôn 40,4 tỷ đồng; Chương trình kiên cố trường, lớp học 104,5 tỷ đồng; các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài 439,7 tỷ đồng; chương trình khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ 115,4 tỷ đồng; các chương trình khác 416,4 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vấn đề lao động việc làm được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, đã có 5.095 lao động của huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải được đào tạo nghề, chủ yếu theo Đề án 1956; trên 5.694 lao động được giải quyết việc làm. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2018, có 28 đề tài dự án khoa học công nghệ được triển khai tại hai huyện vùng cao. Thông qua các mô hình nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi… các đề tài, dự án khoa học sau khi kết thúc đều cơ bản có tính khả thi và ứng dụng cao.
Những đổi thay căn bản
Cùng kết quả đầu tư của giai đoạn trước, nguồn lực đầu tư giai đoạn 2016 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 làm vùng cao đổi thay nhanh chóng. Trong đó, huyện Mù Cang Chải, từ năm 2016 đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.319,8 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 1.847 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 1.348 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 1.338,6 tỷ đồng.
Huyện Trạm Tấu, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 937 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng đạt 890 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 301 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 474 tỷ đồng.
Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; trong đó, huyện Mù Cang Chải diện tích gieo trồng hàng năm đạt 42.374 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 129.236 tấn; huyện Trạm Tấu, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 23.947 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 80.542 tấn.
Chăn nuôi phát triển, tổng đàn gia súc chính năm 2018 của huyện Mù Cang Chải đạt 248.144 con, gia cầm 182.353 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.713 tấn; huyện Trạm Tấu, tổng đàn gia súc chính năm 2018 đạt 122.640 con, gia cầm 302.313 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 810 tấn. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được đẩy mạnh.
Huyện Mù Cang Chải đã trồng mới được 1.700 ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 67,7%. Huyện Trạm Tấu trồng mới 2.075 ha, độ che phủ rừng đạt 61,8%. Thu nhập bình quân đầu người vùng cao tăng theo từng năm, năm 2016 đạt 16,1 triệu đồng, năm 2018 đạt 18,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo sau 3 năm giảm 23,04%, còn 52,08%, bình quân mỗi năm giảm 7,68%.
Cùng kinh tế, văn hóa - xã hội vùng cao có sự phát triển vượt bậc. Về giáo dục, hiện nay huyện Mù Cang Chải có 37 trường (trong đó có 1 trường PTDTNT và 20 trường PTDTBT) với 584 nhóm, lớp; tỷ lệ học sinh bỏ học còn 0,2%; 13/14 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên. Huyện Trạm Tấu có 26 trường (trong đó có 1 trường PTDTNT và 10 trường PTDTBT) với 42 điểm trường với 366 nhóm, 10.853 học sinh, tỷ lệ bỏ học chiếm 0,4%; 12/12 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm.
Trung tâm xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)
Đến hết năm 2018, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng đạt 95,3%; tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,001%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 12,4%o; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; một số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm đã nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; những hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân dần được xóa bỏ.
Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được đầu tư, đến nay, 100% xã vùng cao có điểm bưu điện văn hóa xã, đươc phủ sóng điện thoại di động. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không có những điểm nóng trên địa bàn; tình trạng di cư tự do, chặt phá rừng làm nương, tái trồng thuốc phiện giảm...
Tiếp tục những giải pháp căn cơ
Dù đã phát triển nhanh, tuy nhiên thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật 2 huyện vùng cao còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn cao, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 60% mức thu nhập của cả nước; kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Văn hóa - xã hội tuy được nâng lên nhưng chất lượng so với bình quân chung còn thấp; phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại tại một bộ phận người dân vẫn còn. An ninh, trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn…
Để đưa vùng cao phát triển toàn diện, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là giao thông để kết nối các vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng văn hóa giáo dục, trọng tâm là y tế, giáo dục - đào tạo; đồng thời duy trì, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch; củng cố hệ thống chính trị qua kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tự tôn dân tộc, phấn đấu vươn lên thoát nghèo của đồng bào...
Từ nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh, với những giải pháp căn cơ và sự nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và người dân, chắc chắn hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải sẽ tiếp tục ngày càng đổi thay.
Đình Tứ