Thực hiện Kế hoạch số 225/KH-UBND, ngày 2/11/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về triển khai thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 24/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025”, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo, phân công cho các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tập trung tuyên truyền đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án đến người dân.
Theo đó, để đảm bảo đạt hiệu quả cao, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép tại địa phương.
Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn để tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng sâu có đông đồng bào DTTS sinh sống; bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác DTTS; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS, nhất là phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ông Vàng A Tồng - người uy tín ở thôn Tập Lăng, xã Suối Giàng chia sẻ: "Tập Lăng là thôn khó khăn và cách xa trung tâm xã, với 100% dân số là đồng bào DTTS nên chúng tôi xác định thực hiện các nội dung trong Đề án số 17 sẽ góp phần quan trọng để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi luôn chủ động lồng ghép tuyên truyền các nội dung vào trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, các buổi lao động tập trung đông người... với mong muốn mỗi người dân đều nâng cao nhận thức tự giác chấp hành thực hiện hiệu quả các nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép”.
Bên cạnh đó, các địa phương còn lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, hoạt động ngoại khóa trong các trường học; hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, bản nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép.
Ngoài ra, huyện cũng đã chủ động cung cấp tài liệu, ấn phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình ở vùng dân tộc thiểu số...
Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: "Là cơ quan tham mưu cho huyện về lĩnh vực DTTS, vùng cao, vùng sâu, Phòng căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tham mưu cho huyện xây dựng 8 nhiệm vụ cụ thể phân công các cơ quan, đơn vị chuyên môn, xã, thị trấn thực hiện nhằm từng bước giảm dần các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các trường hợp xuất cảnh trái phép, nhất là các xã có đông dân số là đồng bào DTTS sinh sống, xã vùng sâu, vùng cao...”.
Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua đã triển khai thực hiện được những kết quả khả quan trong các lĩnh vực. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã xuất khẩu lao động được 4 người, giải quyết việc làm mới cho 1.871 lao động với 459 lao động trong tỉnh, 1.322 lao động ngoài tỉnh; tổ chức được 8 hội nghị phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các thành viên tổ hòa giải và người dân tại xã, thị trấn với trên 1.400 lượt người tham dự; 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và người có uy tín trên địa bàn với trên 95% cán bộ là người dân vùng đồng bào DTTS.
100% học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú có học sinh DTTS trên địa bàn huyện được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép; tuyên truyền phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới... được 48 buổi tại các xã, thị trấn thu hút 4.320 lượt người tham gia; 1 hội nghị tổng kết cho trên 200 lượt người có uy tín, cán bộ lãnh đạo, công chức cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn; 3 lớp tập huấn cung cấp, thông tin tuyên truyền cho 211 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...
Với sự quyết liệt từ việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, đảng viên, người làm công tác tuyên truyền đến xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để phân công cho từng phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn đảm nhiệm sẽ góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Đề án số 17 đến với người dân, mang lại hiệu quả thiết thực.
Châu Á