Yên Bái giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2024 | 9:58:01 AM

YênBái - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đẩy mạnh Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế, vật chất, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Yên Bái đã có nhiều cách làm sáng tạo, thực hiện lồng ghép các nguồn lực của Trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn.

Giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm 5.676 nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có các hộ người DTTS.

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 thực hiện lồng ghép các nguồn lực thuộc các chương trình MTQG và nguồn ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, với mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có nhà ở dột nát, xuống cấp, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nhà ở theo quy định. 


Giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 nhà. Mức hỗ trợ làm nhà của tỉnh Yên Bái cao hơn mức hỗ trợ từ Trung ương. Dự ước kết thúc năm 2024, toàn tỉnh hỗ làm mới và sửa chữa 1.424 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, đạt 100% kế hoạch. 

Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: Năm 2024, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác, huyện Văn Chấn đã hỗ trợ làm mới 151 nhà, sửa chữa 12 nhà với tổng kinh phí 7,850 tỷ đồng.

Ngoài ra, Văn Chấn còn huy động từ nguồn xã hội hóa để làm mới 41 nhà, sửa chữa 12 nhà. Đến hết tháng 7/2024, bằng các nguồn lực huy động được, huyện đã khởi công 128 nhà (trong đó: 121 nhà làm mới, 7 nhà sửa chữa), đạt 78,5%; 67 nhà đã hoàn thành (62 nhà làm mới, 5 nhà sửa chữa). Các hộ xây dựng nhà ở mới đều đảm bảo diện tích sử dụng từ 40 - 80 m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng". Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc thêm một hộ nghèo "an cư", yên tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.


Cán bộ, đảng viên huyện Trạm Tấu giúp người dân xã Bản Mù sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh Yên Bái còn triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm,toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 20.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch gần 8.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Là huyện đặc biệt khó khăn, huyện Mù Cang Chải đã tăng cường huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng lao động để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; thực hiện đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch… giúp nhiều lao động nông nghiệp được chuyển đổi nghề, được tạo việc làm và có thêm thu nhập ổn định, bền vững.

Ông Đỗ Công Chúng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết: Năm 2024, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 54,2%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 25%. Huyện cũng đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động, trong đó có trên 60 lao động được giải quyết việc làm từ vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; đưa trên 130 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cung ứng 289 lao động đi tỉnh ngoài làm việc.
 
Trong giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 111.690 người, trong đó có hơn 81.500 người vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ người DTTS qua đào tạo chiếm 42,3%; giải quyết việc làm cho 109.664 người, trong đó có 67.992 người vùng đồng bào DTTS, chiếm 62%; chuyển dịch 35.053 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó hơn 26.100 lao động thuộc vùng DTTS, chiếm 74,7%.

Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Yên Bái đạt 67,7% (bằng 96,7% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,7% (tăng 5,2% so với năm 2020, đạt 91,75% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025, dẫn đầu 14 tỉnh trong vùng).
 
"Yên Bái đã mở rộng hợp tác với các địa phương, các nước có quan hệ hợp tác cấp địa phương để xây dựng, ban hành Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024-2030 với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ vượt trội như: đào tạo ngoại ngữ; tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; tiền ở trong thời gian đào tạo; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; tiền đi lại; chi phí làm thủ tục cấp hộ chiếu/giấy thông hành/giấy phép xuất cảnh… nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm và thu nhập cao cho người lao động” - ông Đỗ Quang Minh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết thêm. 

Cụ thể, Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện, từ việc tuyên truyền cung cấp thông tin, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, hỗ trợ chi phí, vay vốn tín dụng ưu đãi… để tạo điều kiện cho người lao động đi lao động xuất khẩu, nhất là tại Hàn Quốc. Đặc biệt, lần đầu tiên Yên Bái ban hành Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2024 – 2030 ,là cơ hội để người dân vùng đồng bào DTTS đi lao động xuất khẩu, cải thiện thu nhập đồng thời cũng góp phần ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là ở các huyện vùng cao. 

Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, ước năm 2024, tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm 5%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,92% (giảm 3,93% so với năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 6,98%/năm, cao hơn 1,56 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh. 17 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 59 xã năm 2021 xuống còn 42 xã vào cuối năm 2023). 

Thành Trung

Tags Yên Bái dân tộc thiểu số an sinh xã hội đào tạo nghề giảm nghèo

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục