Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước, tỉnh đã thực hiện giao quyền tự chủ theo Nghị định số 130 ngày 17/10/2005 của Chính phủ cho 100% các cơ quan hành chính Nhà nước; trong đó, cấp tỉnh là 41 đơn vị, cấp huyện 126 đơn vị và cấp xã 180 đơn vị.
Việc thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện theo đúng Nghị định số 130 ngày 17/10/2005 của Chính phủ, kinh phí giao cho các đơn vị được xác định với 2 thành phần: phần kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ và phần kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Nghị định số 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có tổng số 566 đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng.
Trong đó, có 110 đơn vị sự nghiệp công lập có thu, chiếm 19,3%; còn lại 456 đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm 80,7%, không có thu hoặc có nguồn thu thấp, toàn bộ chi thường xuyên do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Trong số đơn vị sự nghiệp công lập có thu được giao tự chủ tài chính, có 23 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, bao gồm: 12 ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng sử dụng nguồn thu từ hoạt động quản lý dự án; 6 cơ sở y tế thực hiện tự chủ theo lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ; Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái; Trung tâm Y tế Yên Bình; Trung tâm Y tế Lục Yên; Trung tâm Y tế Văn Yên).
5 đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế có điều kiện về nguồn thu (Trung tâm Sát hạch lái xe; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới; Trung tâm Kiểm định xây dựng; Nhà khách Hào Gia; Trung tâm Kiến trúc xây dựng).
Có 32 đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 100% chi thường xuyên, trong đó số đơn vị tự chủ từ 10 đến dưới 30% chi thường xuyên là 15 đơn vị; số đơn vị tự chủ từ 30% đến dưới 50% là 5 đơn vị; số đơn vị tự chủ từ 50% đến dưới 70% là 6 đơn vị; số đơn vị tự chủ 70% đến dưới 100% là 6 đơn vị.
Còn lại 55 đơn vị sự nghiệp có nguồn thu thấp do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên do các đơn vị sự nghiệp không có khả năng xã hội hóa, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, văn hóa, thông tin, bảo đảm xã hội để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Từ giao quyền tự chủ đã giúp các đơn vị hành chính sự nghiệp bám sát dự toán được giao, tổ chức sắp xếp công việc hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ.
Qua đó, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng, tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức và các tổ chức đoàn thể trong việc sử dụng biên chế, kinh phí, góp phần quản lý tài chính hiệu quả và tiết kiệm, khuyến khích được nhiều đơn vị đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tiết kiệm chi tiêu, tăng thêm thu nhập cho người lao động, chủ động hơn trong việc quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao.
Các đơn vị sự nghiệp đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ, 100% số đơn vị thực hiện đúng quy định về phân phối kết quả tài chính.
Các đơn vị đã quản lý sử dụng các nguồn kinh phí chặt chẽ, công khai, tiết kiệm, hiệu quả, nhiều đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị.
Có thể thấy, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã thúc đẩy các đơn vị chủ động, sáng tạo trong việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự, bố trí sử dụng cán bộ phù hợp, qua đó ý thức trách nhiệm về tiết kiệm được nâng lên, giúp các đơn vị chủ động trong công việc. Do đó, việc giao quyền tự chủ, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp trong thời gian tới cần tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh.
Nguyễn Đình