Với việc đánh giá khách quan, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Thông qua chỉ số này, các cơ quan hành chính nắm được yêu cầu mong muốn của người dân tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao lợi ích của người dân, tổ chức.
Năm 2020, chỉ số SIPAS của tỉnh Yên Bái đứng thứ 16/63 tỉnh thành và xếp thứ 3 trong vùng trung du miền núi phía Bắc với tỷ lệ hài lòng là 88,61%, tăng 1,77% và tăng 3 bậc so với năm 2019. Trong đó, cả 5/5 tiêu chí có tỷ lệ đánh giá hài lòng trên 85%.
Cụ thể, tiếp cận dịch vụ có tỷ lệ hài lòng 88,51%, thủ tục hành chính (TTHC) có tỷ lệ hài lòng 90,34%; công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC có tỷ lệ hài lòng 87,23%; kết quả dịch vụ công có tỷ lệ hài lòng 92,18%; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị của DN có tỷ lệ hài lòng 85,41%.
Những chỉ số này, thể hiện sự tiến bộ, tích cực của các cấp chính quyền tỉnh để xây dựng nền hành chính chính quyền phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại năng động trách nhiệm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân và các tổ chức trong tỉnh. Đặc biệt, để người dân tiếp cận và giải quyết TTHC một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, đổi mới cách thức giải quyết TTHC.
Trong đó, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc "4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đặc biệt, nhằm phục vụ người dân và tổ chức tốt nhất, tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh hiện cung ứng trên 1.855 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2,3,4 của tỉnh để phục vụ tổ chức và công dân tham gia giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Tính đến hết năm 2020, tỉnh đã cung cấp 580 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ 31,3%.
Trong năm 2021, sẽ cung cấp 854 dịch vụ công mức độ 4, bằng 46% tổng dịch vụ công hiện có tại địa phương của cả 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, Trung tâm Tích hợp dữ liệu, Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh bước đầu được đầu tư xây dựng; các hệ thống dùng chung của tỉnh như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm, hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành cổng, trang thông tin điện tử; cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai kết nối liên thông 4 cấp hành chính từ xã đến tỉnh và Trung ương cùng các cơ sở chuyên ngành được đầu tư và sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.
Với những nỗ lực trên, đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, minh bạch trong giải quyết TTHC của cơ quan Nhà nước mà còn tạo sự thuận lợi, giảm chi phí thời gian cho DN, người dân.
Ông Nguyễn Văn Long ở tổ 8 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Thời gian qua, việc hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ công, đặc biệt là giải quyết TTHC được thực hiện ngày càng nhanh chóng, hiệu quả. Người dân chúng tôi ngày càng nâng cao niềm tin và sự hài lòng đối với sự phục vụ của chính quyền”.
Để tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ hành chính công, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền về chỉ số SIPAS; trong đó, chú trọng tuyên truyền về sự nỗ lực của các cơ quan đơn vị, địa phương chung tay xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, trách nhiệm thân thiện và hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị nhận được sự hài lòng thấp của người dân, tổ chức, cần đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá, xác định thực trạng và nguyên nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực, nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận và thực hiện TTHC nhanh chóng, thuận tiện.
Đối với các sở ngành, địa phương có nhiều TTHC liên quan đến người dân, DN rà soát kỹ các quy trình thủ tục còn phức tạp, chưa cập nhật để đơn giản hóa, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện theo quy định; bố trí nhân lực có chuyên môn, trình độ, đạo đức và năng lực giải quyết công việc; thường xuyên kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức viên chức; kiểm tra các thủ tục đã giải quyết và có biện pháp chấn chỉnh triệt để tình trạng công chức, viên chức nhũng nhiễu người dân và DN.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng sự tận tụy phục vụ chuyên môn, đạo đức công vụ của công chức, viên chức Nhà nước với quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Văn Thông