Từng bước tiệm cận kinh tế số

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2025 | 8:24:22 AM

YênBái - Chuyển đổi số (CĐS) đang lan tỏa mạnh mẽ vào từng ngõ ngách của đời sống, từ những phiên chợ vùng cao đến những văn phòng hành chính điện tử, từng bước thay đổi cách người dân Yên Bái làm việc, giao tiếp và phát triển kinh tế. Từ một tỉnh miền núi với nhiều hạn chế về hạ tầng và kinh tế, Yên Bái đang từng bước tiệm cận với kinh tế số.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Bắc Yên Bái hướng dẫn tiểu thương quét mã QR.
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Bắc Yên Bái hướng dẫn tiểu thương quét mã QR.


Những ngày đầu xuân, khi cái lạnh vẫn còn len lỏi trong từng con phố nhỏ của thị xã Nghĩa Lộ, bên trong phòng họp của UBND thị xã, cuộc họp về CĐS vẫn diễn ra sôi nổi. Những cán bộ trẻ tập trung bên màn hình máy tính, những biểu đồ, con số liên tục được cập nhật. 

Từ năm 2023 đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đã duy trì tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Những thủ tục hành chính, những hồ sơ rườm rà trước đây nay được xử lý nhanh chóng chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh. 

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong 3 lĩnh vực CĐS, việc xây dựng chính quyền số đang đạt được những kết quả nổi bật nhất. Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện, từ năm 2023 đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì tiếp cận ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến; thị xã đã hoàn thành kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí hồ sơ thủ tục hành chính... So với trước đây, việc thực hiện các thủ tục của doanh nghiệp rất tiện lợi và giảm được rất nhiều chi phí, thời gian đi lại. Các thủ tục về thuế, thanh toán... đều thực hiện qua mạng rất thuận lợi, nhanh chóng và chính xác”. 

Những thay đổi không chỉ gói gọn trong các văn phòng nhà nước mà còn tác động trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân. Câu chuyện về chị Hoài - chủ một quán nước nhỏ ven quốc lộ 32 là minh chứng sống động. Chị kể rằng trước đây, khách đến quán thường phải trả tiền mặt, lắm lúc không có tiền lẻ khiến cả người bán lẫn người mua đều bối rối. Nhưng từ khi chị được hướng dẫn sử dụng mã QR thanh toán, mọi thứ trở nên đơn giản hơn. "Giờ khách quét mã là xong, không phải lo chuyện tiền lẻ nữa. Mình cũng kiểm soát được doanh thu rõ ràng hơn” - chị Hoài vui vẻ. 

Ở những phiên chợ quê, không khó để bắt gặp hình ảnh những tiểu thương giới thiệu sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm OCOP của Yên Bái như: mật ong Văn Chấn, chè Suối Giàng, gạo Mường Lò… đã có mặt trên các nền tảng trực tuyến. 

Anh Sùng A Tủa - một TikToker nổi tiếng, chuyên quảng bá đặc sản chè Shan tuyết ở xã Phình Hồ phấn khởi: "CĐS đã mở ra cho tôi cánh cửa kết nối với khách hàng khắp nơi. Nhờ công nghệ, tôi có thể đưa những hình ảnh sản phẩm chè Shan tuyết của quê hương lên mạng xã hội, tương tác trực tiếp với người mua và từ đó không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Tôi tin rằng, nếu nhiều người nông dân biết ứng dụng những công cụ này, cả cộng đồng sẽ có thêm động lực để phát triển và quảng bá những giá trị truyền thống của vùng cao”. 

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và chuyên nghiệp từ tổ CĐS cộng đồng, A Tủa đã nhanh chóng làm chủ các công cụ kỹ thuật số, biết cách chụp ảnh, viết bài quảng cáo và đăng tải sản phẩm chè Shan tuyết lên các nền tảng trực tuyến như: Facebook, TikTok và website. Qua đó, sản phẩm không chỉ được giới thiệu rộng rãi đến khách hàng trong khu vực mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành khác, tạo nên sức hút mạnh mẽ của đặc sản vùng cao. Thành công này không chỉ giúp anh nâng cao doanh số bán hàng mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người nông dân khác trong xã, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững dựa trên những giá trị truyền thống độc đáo của quê hương.

Không chỉ trong thương mại, CĐS còn lan tỏa mạnh mẽ vào từng lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế đến tài chính, ngân hàng. Đến nay, bản đồ số hộ kinh doanh toàn tỉnh Yên Bái đã cập nhật dữ liệu của 19.000 hộ kinh doanh, giúp việc quản lý và nộp thuế qua ứng dụng eTax Mobile trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cũng cho phép người dân vùng sâu, vùng xa kết nối với các bác sĩ chuyên khoa, giảm bớt gánh nặng khi di chuyển và đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe tối ưu. 

Hơn thế, việc áp dụng các giải pháp số đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự hội nhập kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ, giờ đây có thể dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn, mở rộng quy mô hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, dịch vụ công trực tuyến hiện đại đơn giản hóa quy trình hành chính, giúp giảm bớt thủ tục giấy tờ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Yên Bái không chỉ khẳng định vị thế tiên phong trong kỷ nguyên số mà còn trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khác trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập mạnh mẽ với thị trường quốc gia, quốc tế. 

Những bước tiến vượt bậc trong công cuộc CĐS đã giúp Yên Bái bứt phá mạnh mẽ trên bảng xếp hạng toàn quốc. Chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh hiện đứng thứ 15 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, một con số ấn tượng so với vị trí 35 vào năm 2020. Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi về cơ sở hạ tầng công nghệ mà còn thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, khi họ ngày càng chủ động đón nhận công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.

Anh Dũng

Tags Yên Bái chuyển đổi số kinh tế số

Các tin khác
Người dân đến thực hiện các thủ tục tại bộ phận một cửa Phòng CSGT Công an tỉnh (ảnh minh họa).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước (QLNN) về sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), ngày 18/2/2025, Công an tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2024, tỉnh đã kịp thời công bố thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC đúng và trước hạn đạt 99,82%; tổ chức bộ máy của tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, có hiệu quả, công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với chuyển đổi số (CĐS) tiếp tục được đẩy mạnh.

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ, công chức Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Văn Chấn hướng dẫn tận tình cho nhân dân đến giao dịch.

Với tinh thần quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, huyện Văn Chấn đã nỗ lực thực hiện đạt kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Hết năm 2024, huyện đã nhận được 8.124 đánh giá rất hài lòng, 486 đánh giá hài lòng, không có đánh giá không hài lòng từ người dân thông qua Cổng Dịch vụ công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục