Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, một số yếu kém trong điều hành, quản lý của Nhà nước, tình trạng ô nhiễm môi trường và các vụ việc phức tạp liên quan đến các vấn đề về đất đai, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động ngày càng có nhiều thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Nội dung chống phá chúng thường tập trung: một mặt chúng tăng cường tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch; mặt khác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành tựu to lớn của Đảng, bôi nhọ lãnh tụ và cán bộ lãnh đạo cấp cao với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mất phương hướng về chính trị tư tưởng, thúc đẩy nhanh quá trình "tự diễn biến”; "tự chuyển hóa”, gây mất đoàn kết nội bộ, mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và cao hơn nữa là lật đổ chế độ ta.
Thủ đoạn của chúng thường sử dụng để xuyên tạc, chống phá, đó là: triệt để lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong quá trình Đảng ta quyết tâm thực hiện công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Chúng thường lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, thật giả lẫn lộn, xuyên tạc sự thật vào những sự kiện, những diễn biến, những động thái có thật, bằng những kỹ xảo tinh vi của công nghệ, tạo dựng chuyện bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các lời phát ngôn, bài viết, hình ảnh… gây nhiễu loạn thông tin, làm cho người đọc, xem thiếu kinh nghiệm dễ lầm tưởng, khó phân biệt, nhận diện thật-giả, đúng-sai. Từ đó, đánh giá không đúng bản chất sự kiện, nhân vật.
Lực lượng và phương thức hoạt động của chúng, đó là: qua các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn; chúng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí ở nước ngoài, mạng xã hội; lợi dụng tôn giáo; sử dụng sức ép của nước ngoài về một số vấn đề về dân quyền, tự do ngôn luận; lôi kéo biểu tình, tụ tập đông người, từ đó lợi dụng tâm lý đám đông, châm ngòi kích động bạo lực, đập phá nhà xưởng, trụ sở làm việc, chống người thi hành công vụ… điển hình như các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004, 2008), Mường Nhé (năm 2011), phản đối giàn khoan 981 (2014), sự cố môi trường Famosa (2016)…
Trước những âm mưu thủ đoạn nham hiểm đó, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính.
Trước hết cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ động, kịp thời làm tốt công tác định hướng dư luận, đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu, kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước, những gương người tốt, việc tốt.
Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, đẩy mạnh, đổi mới công tuyên truyền, giáo dục đối với tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để có thể nhận diện, hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị chống phá Đảng và Nhà nước ta, từ đó nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả, thiết thực; tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch, quản lý báo chí, sử dụng Internet và mạng xã hội.
Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, vi phạm, đặc biệt là vi phạm các quy định của pháp luật về đưa tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội.
Nguyễn Xuân