Hạnh phúc đâu chỉ có...

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2021 | 7:39:58 AM

Con người ta sống ở trên đời để làm gì? Giá trị cuộc sống nằm ở đâu? Làm thế nào để có hạnh phúc? Hầu như trong chúng ta, ai cũng từng tự đặt những câu hỏi như thế trên nhiều hành trình của cuộc đời mình. Nhiều người đã tìm được hạnh phúc từ chính những phấn đấu, hy sinh, cống hiến. Nhưng cũng không ít người đánh mất sự nghiệp, thậm chí đánh mất chính mình vì không xác định đúng đắn hệ giá trị cần vươn tới.

Ảnh minh họa: cafef.vn
Ảnh minh họa: cafef.vn

Cao hơn bạc vàng, châu báu

Vậy với mỗi cán bộ, đảng viên, đâu là giá trị cuộc sống? Đâu là điều làm nên hạnh phúc? Đặt câu hỏi trên, có lẽ chúng ta nên trở về với lời căn dặn của Bác Hồ: Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp. 

Chúng ta cũng có thể tìm thấy lời giải cho những câu hỏi trên trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3 vừa được tổ chức ngày 24/11 vừa qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng...”.

Cũng trong bài phát biểu hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại nhiều câu thơ, nhiều câu thành ngữ, tục ngữ đã được đúc kết thành nét văn hóa, thành giá trị cuộc sống của người Việt Nam: "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên nhường dưới"... Những nét văn hóa bình dị, thân thương ấy cao hơn bạc vàng, châu báu và có lẽ cũng chính nó sẽ tạo ra hệ miễn dịch để chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực.

Bài học từ lời Người năm ấy

Lịch sử còn ghi câu chuyện về Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, người thanh niên yêu nước đã đi du học ở Pháp và trở thành kỹ sư của một hãng chế tạo máy bay, kiếm rất nhiều tiền nhưng vẫn ấp ủ ước mơ chế tạo vũ khí để đánh Pháp. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp, trong cuộc gặp gỡ kiều bào Việt ở Pháp, Bác Hồ đã lắng nghe nguyện vọng của ông. Bác nói: "Chú về nước chế tạo vũ khí, cách mạng sẽ rất cần. Nhưng trong nước khổ lắm. Chú có chịu nổi không?”. 

Ông đã nhận vượt qua mọi gian khổ, đã từ bỏ mức lương tương đương 20 lạng vàng một tháng để về Việt Nam theo cách mạng với hành trang là 1 tấn sách. Sau này, những đóng góp của ông cho ngành quân giới và công nghiệp quốc phòng Việt Nam vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng. Thế nhưng, ông sống vô cùng giản dị, chấp nhận mọi kham khổ, chẳng có một đặc quyền đặc lợi nào. 

Ngày 30/4/1975, khi Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, ông ghi vào cuốn sổ tay của mình: "Đã hoàn thành nhiệm vụ”. Hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, với ông đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời, như sau này ông đã trả lời một nhà báo: "Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả".

62 năm trước, ngày 9/12/1959, Bác Hồ viết bài "Tiêu chuẩn của người đảng viên” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài viết rất ngắn gọn, với 6 "gạch đầu dòng” nói lên 6 tiêu chuẩn của người đảng viên. Trong đó, tiêu chuẩn thứ ba là "đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng”. Những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị ngày hôm nay, nhất là trong bối cảnh tác động của mặt trái thị trường, thời gian qua đã có một số cán bộ sa ngã, bị xử lý theo kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Đặc quyền đặc lợi và sự đánh mất

Trong cuốn sách "Tính trước nguy cơ - suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng” xuất bản năm 2017, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng: Nhiều học giả phương Tây, trong đó có David M.Kotz, cho rằng, ngoài nguyên nhân lãnh đạo ra, sự theo đuổi lợi ích vật chất và danh lợi là nguyên nhân quan trọng khiến giới tinh anh trí thức Liên Xô biến chất nhanh chóng. Sau này, khoảng cách thu nhập giữa cán bộ Đảng và Nhà nước với quần chúng nhân dân lên tới hàng chục lần.

Shevchenko-nhà ngoại giao cấp cao của Liên Xô chạy trốn đến phương Tây - đã mô tả cuộc sống của tầng lớp đặc quyền như sau: "Họ phê phán cách sống của tầng lớp tư sản, nhưng bản thân lại một lòng một dạ chạy theo cách sống đó; họ chỉ trích chủ nghĩa tiêu thụ là sự phản ánh của tư tưởng dung tục, là kết quả độc hại của ảnh hưởng phương Tây, nhưng những người hưởng thụ đặc quyền lại hết sức coi trọng việc hưởng thụ các đồ tiêu dùng và vật chất của phương Tây". 

Dưới thời Gorbachev, cuốn sách của tác giả Boldin cho hay, ông này có tài khoản ngân hàng cá nhân mấy triệu USD; xây dựng dinh thự ở nhiều thắng cảnh lên tới hàng trăm triệu rúp... Một bản điều tra vào tháng 6/1991 cho thấy, trong đội ngũ cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô, 76,7% đã nhận thấy nên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, chỉ có 12,3% ủng hộ cải cách dân chủ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, số người giữ thái độ khẳng định đối với mô hình chủ nghĩa xã hội trước cải tổ chỉ có 9,6%. 

Sự hình thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi, đề cao lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, văn minh phương Tây một cách mù quáng đã tạo ra hố sâu ngăn cách giữa Đảng và quần chúng, là một nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Đặc quyền không làm nên giá trị, không để lại danh thơm. Một ví dụ khác còn để lại bao điều suy nghĩ.

Trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình, chỉ có duy nhất một trường hợp từ chối nhận là đồng chí Lê Đức Thọ năm 1973. Cùng năm ấy, đối thủ của ông, ngoại trưởng Mỹ Kissinger lại rất "tự hào" và vui vẻ nhận thưởng cùng một cơn bão chỉ trích chưa từng có. Sau này, chính cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev cũng nhận giải thưởng này. 

Có nhiều điều để so sánh và với ông Lê Đức Thọ, trong thư gửi ban tổ chức, ông cũng nói Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới, từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao ông không nhận? Đơn giản vì với ông, đó không phải là giá trị cao nhất của cuộc sống, của con đường mà ông đang đi. Ủy ban giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo ra hòa bình. Với ông, hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân dân mới là giá trị to lớn nhất.

Những câu chuyện đó sẽ mãi là những bài học thực tiễn sâu sắc để chúng ta nhìn nhận, xây dựng bức trường thành phòng vệ từ xa, để không đi vào bánh xe đổ khi đội ngũ cán bộ bị lòng ham muốn vật chất làm gục ngã, không còn là công bộc của dân.
(Theo QĐND)

Các tin khác

Từ xa xưa trong xã hội đã xuất hiện những kẻ khoe mẽ, khoác lác, có một nói mười, có mười nói trăm, thậm chí không có nói cho thành có.

Không thể xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng tháng Tám của Việt Nam.

Đây là chiêu bài “mưa dầm thấm lâu” của các thế lực thù địch. Họ đưa rất nhiều thông tin xấu độc lên môi trường mạng để "nhuộm đen" tinh thần, tư tưởng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngày 21/11/2021, Facebook Mạc Văn Trang có dòng status: “Hậu 20/11, khuyên các giáo viên: Chớ có làm dư luận viên, vì nhà giáo phải dạy học sinh SỰ THẬT, TÌM TÒI CHÂN LÝ…”. Ông khuyên thầy cô giáo không làm dư luận viên?

Vừa qua, trang mạng của Việt Tân đăng bài: "Tham nhũng, hối lộ là tại vô văn hóa" của Lê Ánh - một tên bồi bút của Việt Tân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục