Chống lạm dụng uy tín tổ chức, cá nhân

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/12/2021 | 7:50:42 AM

Việc lợi dụng uy tín cá nhân, tập thể không chỉ xảy ra trong bộ máy công quyền mà còn ở ngoài xã hội, đã có không ít vụ lợi dụng danh nghĩa, uy tín tổ chức, cá nhân để lừa đảo.

Sự việc ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai bị Ban Bí thư kỷ luật khai trừ Đảng là những điển hình minh chứng cho việc lợi dụng uy tín cá nhân, tập thể để thăng tiến, trục lợi. (Ảnh minh họa).
Sự việc ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai bị Ban Bí thư kỷ luật khai trừ Đảng là những điển hình minh chứng cho việc lợi dụng uy tín cá nhân, tập thể để thăng tiến, trục lợi. (Ảnh minh họa).

1. Hiện nay, hiện tượng lạm dụng uy tín tổ chức, cá nhân để mưu cầu lợi ích tồn tại khá nhiều trong xã hội nhưng không dễ phát hiện, ngăn chặn. Nó làm xói mòn niềm tin, dễ dẫn tới chuyên quyền, lạm quyền và cũng là nguồn cơn của "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Uy tín cá nhân vốn được hiểu là sự tín nhiệm, được đánh giá cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, phương pháp, tác phong công tác mà mọi người dành cho một ai đó. Uy tín của tập thể (cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp) là kết quả, bề dày truyền thống trong hoạt động được tích lũy nhiều năm trên lĩnh vực công tác mà pháp luật cho phép.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều sự việc đáng phải suy ngẫm. Ví dụ như hiện tượng "xe vua” mặc sức vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà không bị xử lý. Hay như một số doanh nghiệp mới ra đời, năng lực chưa được khẳng định nhưng thường xuyên nhận được những dự án "khủng”, "bất khả chiến bại" trong đấu thầu... Nhìn vào các hiện tượng trên cho thấy, đã có dấu hiệu của việc lạm dụng uy tín để tạo ra điều kiện thuận lợi, tạo các "luồng xanh” nhằm hưởng lợi.

Thực tế có rất nhiều biểu hiện lợi dụng uy tín cá nhân, tổ chức để vụ lợi trong xã hội mà chúng ta có thể nhìn thấy và không nhìn thấy. Nhẹ là tình trạng núp bóng các cơ sở dạy nghề cho người yếu thế, trẻ em mồ côi xin tài trợ, bán vé mời để thu kinh phí hưởng chênh lệch. 

Cao hơn là lợi dụng uy tín để xin việc cho người nhà, người thân, người quen tại các cơ quan, đơn vị, địa phương cho dù năng lực, trình độ và ngành đào tạo của đối tượng xin vào không đạt tiêu chí tuyển dụng. Cao hơn nữa là hiện tượng cấu kết, lợi dụng uy tín để thương thảo, có được hợp đồng béo bở như nâng giá thầu, nâng giá mua phương tiện, vật tư, trang thiết bị... 

Gần đây, sự việc ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai và ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bị Ban Bí thư kỷ luật khai trừ Đảng là những điển hình minh chứng cho việc lợi dụng uy tín cá nhân, tập thể để thăng tiến, trục lợi, sống buông thả, vi phạm chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên ở các hình thức khác nhau.

Việc lợi dụng uy tín cá nhân, tập thể không chỉ xảy ra trong bộ máy công quyền mà còn ở ngoài xã hội, đã có không ít vụ lợi dụng danh nghĩa, uy tín tổ chức, cá nhân để lừa đảo.

2. Việc lợi dụng uy tín tổ chức, cá nhân nhằm mục đích trục lợi thường được che giấu dưới nhiều hình thức khác nhau, rất tinh vi, chủ yếu xuất phát từ chính sự yếu kém về bản lĩnh chính trị, đạo đức của những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định. 

Gần đây nhất, Kết luận số 21-KL/TƯ của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tiếp tục khẳng định: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân...

Để chống lạm dụng uy tín tổ chức, cá nhân, vấn đề quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác và thực hành nêu gương mọi lúc, mọi nơi. 

Ở tầm chiến lược, Đảng ta cần tiếp tục chuẩn hóa việc đánh giá năng lực cán bộ, tăng cường luân chuyển cán bộ đảm nhận các vị trí công tác khác nhau, nhằm ngăn ngừa tình trạng hình thành ê kíp gắn bó bằng quan hệ tiền bạc, lợi dụng uy tín cá nhân, danh nghĩa cơ quan, tổ chức công quyền để trục lợi. 

Đi đôi với đó cần duy trì nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo, quản lý; thực hành đầy đủ và hiệu quả dân chủ cơ sở. Các cấp ủy Đảng cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, ngăn chặn những sự việc lợi dụng uy tín, danh nghĩa tổ chức để trục lợi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc nắm dư luận xã hội.

Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải giữ gìn thanh danh cá nhân bằng việc không để vợ con, người thân mượn danh mình làm điều sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Uy tín cá nhân, tập thể là "vốn" quý, được nỗ lực bồi đắp qua năm tháng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chứng minh, những cán bộ, đảng viên được ngồi trên ghế quyền lực dễ dàng bằng nhiều cách tinh vi thì sớm muộn cũng dễ bị chủ nghĩa cá nhân đánh gục. Thế nên, nhiệm vụ của Đảng là phải rèn luyện, thử thách, sàng lọc ngay những "con sâu”, "con mọt” trong tổ chức mới ngăn ngừa những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Đó chính là cách phòng ngừa "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, bảo vệ uy tín của Đảng, chính quyền từ sớm, từ xa.

(Theo HNMO)

Các tin khác

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” rất khó nhận diện. Nó là thách thức trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, vì dân; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chiều 15/12, Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tỉnh Yên Bái (Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm 2021; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Ảnh minh họa: cafef.vn

Con người ta sống ở trên đời để làm gì? Giá trị cuộc sống nằm ở đâu? Làm thế nào để có hạnh phúc? Hầu như trong chúng ta, ai cũng từng tự đặt những câu hỏi như thế trên nhiều hành trình của cuộc đời mình. Nhiều người đã tìm được hạnh phúc từ chính những phấn đấu, hy sinh, cống hiến. Nhưng cũng không ít người đánh mất sự nghiệp, thậm chí đánh mất chính mình vì không xác định đúng đắn hệ giá trị cần vươn tới.

Từ xa xưa trong xã hội đã xuất hiện những kẻ khoe mẽ, khoác lác, có một nói mười, có mười nói trăm, thậm chí không có nói cho thành có.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục